Vietnam Airlines muốn kéo dài chính sách hỗ trợ ngành hàng không đến hết năm 2024

Chí Bình - 05/12/2021 21:08 (GMT+7)

(VNF) - Vietnam Airlines kiến nghị kéo dài chính sách hỗ trợ đối với ngành hàng không đến hết năm 2024, khi thị trường vận tải hàng không nội địa cũng như thị trường vận tải hàng không quốc tế đã có những bước phục hồi với mức tăng trưởng của năm 2019.

VNF
Vietnam Airlines đề xuất chính sách hỗ trợ ngành hàng không cần kéo dài đến hết năm 2024.

Trong phiên tọa đàm chuyên đề chiều tại "Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2021" vào chiều 5/12, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà đã đề xuất 3 nhóm chính sách đối với ngành hàng không Việt Nam hướng tới khôi phục, phát triển

Theo ông Hà, đối với vận tải hàng không cần phải có sự điều tiết đối với thị trường vận tải hàng không quốc tế cũng như quốc nội. Cụ thể, điều tiết ở bên vận tải cung ứng số lượng máy bay cũng như quản lý giá phù hợp với tốc độ và giai đoạn phục hồi của thị trường.

Từ đó, đảm bảo bảo vệ các hãng hàng không có thể đạt được hiệu quả hoạt động trong giai đoạn khó khăn này, cũng như tránh những hệ lụy đã từng làm suy yếu mình ngay trên thị trường vận tải hàng không nội địa, trước khi bước ra cạnh tranh với thế giới.

Bên cạnh đó, ông Hà cũng cho rằng cần tiếp tục có những chính sách hỗ trợ cho các hãng hàng không, cũng như các chính sách về giảm thuế phí, hỗ trợ các khoản vay ưu đãi; trong đó hỗ trợ này cần ở mức đủ dài trên cơ sở đánh giá về sự phục hồi của thị trường, để đảm bảo các doanh nghiệp có thể vượt qua qua khó khăn và cũng như bắt đầu bước vào một giai đoạn phục hồi.

Trên cơ sở này, đại diện Vietnam Airlines đề xuất chính sách hỗ trợ cần kéo dài đến hết năm 2024 khi mà thị trường vận tải hàng không nội địa cũng như thị trường vận tải hàng không quốc tế đã có những bước phục hồi với mức tăng trưởng của năm 2019.

Ngoài ra, với các biện pháp phòng chống, dịch của Việt Nam cũng như thế giới đang thực hiện, cần sớm công bố lộ trình mở cửa với các đường bay quốc tế. Theo đó, nếu xác định được ngày cụ thể để mở cửa cho đối tượng khách đủ điều kiện nhập cảnh và không phải cách ly thì rất tốt. 

Trong tham luận gửi đến "Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2021", Vietnam Airlines đánh giá khó khăn mấu chốt mà ngành hàng không phải đối mặt hiện nay nằm ở diễn biến không thể lường trước của dịch Covid-19.

Theo Vietnam Airlines, kể cả khi thực hiện tất cả giải pháp nội lực và các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, với tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài như hiện tại, ngành hàng không chắc chắn sẽ còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là khả năng thanh toán và duy trì hoạt động liên tục.

Đứng trước tình hình đó, các hãng hàng không đều hy vọng Nhà nước tiếp tục có những quyết sách mới, kịp thời và đủ liều lượng để hỗ trợ các doanh nghiệp, chuẩn bị hướng tới giai đoạn phục hồi nền kinh tế hậu Covid-19.

Một số vấn đề liên quan và mang tính cấp thiết hiện nay theo Vietnam Airlines gồm: xem xét phê duyệt cấp phép kinh doanh vận tải hàng không cho hãng hàng không mới và cấp đăng ký tàu bay bổ sung phù hợp với khả năng vận hành của các hãng, năng lực hạ tầng sân bay và tốc độ tăng trưởng của thị trường; điều tiết giá vé phù hợp với cung cầu thị trường và lợi ích của các hãng hàng không, chống bán phá giá để đảm bảo các hãng cạnh tranh lành mạnh, không làm suy yếu và triệt tiêu lẫn nhau.

“Mục đích của chính sách này là nhằm bảo vệ năng lực chung của cả ngành hàng không Việt Nam trước các hãng nước ngoài; cân đối giá vé máy bay với giá các loại hình vận tải khác; mở cửa có lộ trình đối với các hãng hàng không nước ngoài để bảo vệ các hãng hàng không trong nước”, Vietnam Airlines đánh giá.

Nhóm giải pháp thứ hai theo Vietnam Airlines là các cơ quan nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét duy trì và bổ sung các giải pháp hỗ trợ để tăng cường năng lực tài chính, duy trì hoạt động liên tục và tạo đà phát triển cho các hãng hàng không thông như hỗ trợ giảm thuế phí nộp ngân sách nhà nước, giảm thêm về thuế bảo vệ môi trường, giảm giá dịch vụ điều hành bay và dịch vụ cảng hàng không, hỗ trợ người lao động bằng hình thức trực tiếp hoặc thông qua hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cơ cấu nợ vay, giảm lãi suất vay cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh, miễn giảm các khoản vay bảo lãnh Chính phủ.

Nhóm giải pháp thứ ba, được coi là những điều kiện căn bản nhất để ngành hàng không có cơ hội phục hồi là tình hình dịch bệnh được kiểm soát, công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch hiệu quả.

Cùng chuyên mục
Tin khác