VietnamFinance bình chọn 10 sự kiện bất động sản nổi bật năm 2020

Lệ Chi - 26/12/2020 08:21 (GMT+7)

(VNF) - 2020 là năm thị trường bất động sản chứng kiến nhiều biến động nhất, đặc biệt dưới tác động của dịch Covid-19 đã khiến nhiều phân khúc như khách sạn rao bán ồ ạt, nguồn cung căn hộ và giao dịch thấp kỷ lục mà giá bán không giảm, thị trường condotel “ngủ đông”… Dù vậy, đi ngược với khó khăng chung, bất động sản công nghiệp lại được ví như “cửa sáng” duy nhất của thị trường năm nay.

VNF
VietnamFinance bình chọn 10 sự kiện bất động sản nổi bật năm 2020

1. Làn sóng bán tháo khách sạn mạnh nhất 10 năm

Thông tin rao bán khách sạn ngày càng nhiều từ giữa đợt dịch Covid-19 thứ hai. Ban đầu chỉ xuất hiện tại một số tuyến đường thuộc lõi trung tâm Sài Gòn hay phố cổ Hà Nội nhưng sau đó, các thủ phủ du lịch và thành phố biển như Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Quốc, Đà Nẵng, Quy Nhơn cũng đua nhau rao bán.

Đa số các chủ tài sản kiên quyết giữ giá nhưng cũng có vài trường hợp xác nhận giảm giá 5% hay để ngỏ lời mời sẵn sàng thương lượng “sâu” để thúc đẩy giao dịch nhanh hơn. Theo các môi giới lâu năm trên thị trường mua bán tài sản, làn sóng rao bán khách sạn hiện nay được cho là mạnh nhất một thập niên trở lại đây.

Kể từ đợt Covid-19 thứ hai ập đến, trung bình mỗi ngày có không dưới chục tòa khách sạn được rao bán từ môi giới hoặc đăng tin bán trên các sàn online.

Về diễn biến của thị trường mua bán khách sạn, bà Võ Quốc Phương Trang, Giám đốc bộ phận đầu tư khách sạn của JLL Việt Nam, cho biết kể từ khi Covid-19 bùng phát, ngành kinh doanh khách sạn là nhóm phải chịu tác động đầu tiên và nặng nề nhất.

Một khách sạn rao bán tại phố cổ Hà Nội.

Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, hầu hết khách sạn đóng cửa hoặc tranh thủ sửa chữa, bảo trì trong giai đoạn ngưng các hoạt động vận hành, nhiều tài sản trong số đó bắt đầu rao bán.

Do không có một dự báo chính xác cho thời gian kết thúc dịch bệnh, vì vậy, nhiều khách sạn ghi nhận báo cáo lỗ liên tục và tính đến phương án chuyển nhượng để cắt giảm việc “đốt tiền mặt” và hoàn thành các nghĩa vụ vay với ngân hàng.

Hiện các dự án khách sạn, nghỉ dưỡng thuộc phân khúc 4-5 sao vẫn cầm cự được đến thời điểm này. Các khách sạn 2-3 sao hoặc khách sạn gia đình, khách sạn mini đang gặp nhiều áp lực hơn phân khúc cao cấp.

Các chuyên gia dự báo, đến năm 2022 thị trường du lịch nghỉ dưỡng mới có thể phục hồi hoàn toàn và từ nay đến 2 năm tới, có khả năng xảy ra tình trạng bán tháo tài sản nếu đà phục hồi đến quá chậm. Chẳng hạn như trong 6 tháng tới, nếu tình hình vẫn tiếp tục khó khăn, có thể các dự án nghỉ dưỡng, khách sạn buộc phải tiến hành tái cấu trúc mạnh mẽ dòng vốn.

2. Nguồn cung căn hộ Hà Nội, TP. HCM thấp kỷ lục, giá tăng cao

“Nguồn cung khan hiếm” là cụm từ được các đơn vị nghiên cứu lặp lại mỗi quý trong vòng gần 2 năm trở lại đây. Báo cáo các quý trong năm 2020 từ Savills và CBRE tiếp tục khẳng định tình trạng khan hàng tại hai thị trường chính là Hà Nội, TP. HCM.

Nguồn cung căn hộ xuống mức thấp kỷ lục. Cụ thể, theo ghi nhận của CBRE trong 9 tháng đầu năm 2020, thị trường Hà Nội chỉ có 10.700 căn mở bán mới, giảm 61% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, quý III/2020 chỉ ghi nhận 3.500 căn mở bán mới.
 
Cũng giống như Hà Nội, tình trạng khan hiếm nguồn cung tại TP. HCM vẫn tiếp diễn, đặc biệt là phân khúc căn hộ cao cấp. Tổng cung sơ cấp trong 9 tháng năm 2020 ở mức thấp nhất trong 5 năm với 16.800 căn.

Theo dự báo của các chuyên gia, trong 2 năm tới tình trạng khan hiếm nguồn cung không có triển vọng cải thiện, đặc biệt ở phân khúc cao cấp do những vướng mắc về pháp lý.

Thiếu nguồn cung có thể trở thành một trong những tác nhân đẩy giá nhà đất tăng thêm trong bối cảnhcầu tăng mạnh. Theo các báo cáo, tất cả các dự án nhà ở từ cao cấp đến bình dân khi đưa ra thị trường đạt tỷ lệ hấp thụ rất cao, đến 99 - 100% ở phân khúc nhà ở xã hội. Với phân khúc nhà ở thương mại trị giá từ 2 tỷ đồng trở xuống có tỷ lệ tiêu thụ 100%, còn nhà ở cao cấp cũng đạt 70 - 80%...

Mặc dù, hoạt động bán hàng và tiếp thị dự án bị gián đoạn trong quý do làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8, thị trường vẫn ghi nhận 4.200 căn bán được trong quý, cao hơn 20% so với lượng mở bán mới. Giá bán trên thị trường sơ cấp trong quý III/2020 được ghi nhận trung bình ở mức 1.325 USD/m2 (chưa bao gồm VAT và phí bảo trì).

Nguồn cung căn hộ Hà Nội, TP. HCM thấp kỷ lục.

Còn theo báo cáo của Bộ Xây dựng công bố, thị trường nhà ở quý III/2020 cho thấy, chưa có xu hướng giảm giá. Tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,24%, đối với nhà ở riêng lẻ, giá tăng khoảng 0,03%.

Bộ Xây dựng cũng ghi nhận giá bán căn hộ tại Hà Nội đang dao động 24,8-37,7 triệu đồng/m2; TP. HCM là 30-50 triệu đồng/m2, Quảng Ninh là 23-27 triệu đồng/m2, Hải Phòng quanh mốc 30 triệu, Bình Dương là 30-38 triệu đồng/m2, Cần Thơ là 19-60 triệu đồng/m2.
 
Theo các chuyên gia dự báo, do thiếu nguồn cung trên diện rộng, giá căn hộ bình dân vẫn sẽ tăng từ 3 - 5% ở thị trường Hà Nội. Riêng TP. HCM, do nguồn cung đang ở mức suy kiệt, nên mức tăng có thể đạt 5 - 8%, thậm chí là 10% ở một số dự án.

3. Sốt đất ảo náo loạn thị trường

Ngay từ đầu năm 2020, thị trường tiếp tục tái hiện một số nhóm đầu cơ lợi dụng thông tin về việc đầu tư phát triển dự án của các tập đoàn để đẩy giá, tạo sự hỗn loạn trong thị trường nhằm mục đích trục lợi.

Cụ thể, vào giữa tháng 2, sau khi xuất hiện thông tin UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chấp thuận cho Vingroup nghiên cứu làm dự án bất động sản hơn 800ha tại huyện Châu Đức thì khu vực này bắt đầu náo loạn khi hàng ngàn người kéo xuống đây mua bán đất suốt ngày đêm, bất kể đất trồng cây lâu năm hay đất ao cá cũng được mua.

Người dân khu vực huyện Châu Đức cho biết giá đất khi chưa có thông tin đầu tư làm dự án thì cao nhất là 100 triệu đồng/m ngang. Tuy nhiên, khi xuất hiện thông tin nói trên, nhiều “cò đất” đã thổi lên thành 200 – 300 triệu đồng/m ngang. Nhiều khu đất còn được định giá lên đến 500 triệu/m ngang.

Lợi dụng thông tin này, môi giới cùng nhau đẩy giá khiến giá đất tại Châu Đức tăng theo giờ khiến người mua không có thời gian để trả giá. Những giao dịch này chỉ thực hiện trên giấy tờ tay với nhau và có tính chất đầu cơ.
 
Khi chính quyền có những biện pháp mạnh tay, dựng bảng cảnh cáo tại các khu vực sốt đất, cò đất cũng tháo chạy sau khoảng 15 ngày làm dậy sóng “sốt đất” ở địa phương này.

Sốt đất ảo tại huyện Thạch Thất.

Kịch bản tương tự cũng xảy ra tại Hà Nội, vào cuối tháng 3 vừa qua, cũng từ thông tin Vingroup sắp triển khai dự án, nhiều môi giới nhà đầu tư ùn ùn kéo nhau về khu vực xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất (gần khu công nghệ cao Hòa Lạc).

Dù mới chỉ là thông tin đề xuất của doanh nghiệp, dự án còn chưa nằm trên giấy, "cò đất" đua nhau thổi giá lên gấp 2, thậm chí là 3 lần. Được biết, khu đất này được giao cho dân từ hơn chục năm trước, giá 1m2 đất ở đây chỉ 4 - 8 triệu/m2 nhưng không ai mua nhưng chỉ vài ngày sau đã bị “làm giá” lên đến 12 - 15 triệu, thậm chí 18 - 21 triệu đồng/m2.

Đây là cơn “sốt” đất gây bất ngờ nhất trong mùa dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành, khi thị trường bất động sản đang một màu ảm đạm tại tất cả các phân khúc, bao gồm cả đất nền.

Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó, khi chính quyền và công an vào cuộc hàng loạt các cảnh báo được dán khắp nơi, UBND xã Đồng Trúc cũng thông báo hiện nay chưa có quy hoạch khu đô thị nào được duyệt tại xã Đồng Trúc giá đất lập tức lao dốc.

4. Rộ bán “dự án ma” khiến một loạt chủ doanh nghiệp bị bắt

Nếu như  năm 2019, một doanh nghiệp chuyên bán “dự án ma” là Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba đã bị xoá sổ thì trong năm 2020, nhiều công ty kinh doanh bất động sản theo kiểu này cũng bị Công an TP. HCM điều tra.

Điểm chung của những công ty này không hề được cấp phép đầu tư dự án nhưng lại tự vẽ sơ đồ phân lô rồi bán cho nhiều người bằng hình thức ký hợp đồng đặt cọc, hứa chuyển nhượng đất. Số tiền thu lợi bất chính lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Cụ thể, Công an TP. HCM đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam ông Hoàng Mạnh Cường, Tổng giám đốc Công ty Phát An Gia, về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, Hoàng Mạnh Cường đã vẽ ra 5 “dự án ma” tại TP. HCM, với gần 200 nền đất để lừa đảo 80 khách hàng, thu về số tiền khoảng 100 tỷ đồng.

Tương tự, Công an TP. HCM cũng ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Ngô Minh Khâm, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần địa ốc Phú An Thịnh Land (trụ sở quận Tân Bình, TP. HCM), về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” khi “vẽ” nhiều dự án tại Long An để lừa gần 50 khách hàng từ năm 2017 - 2018, nhưng đến nay công ty này không giao nền đất như cam kết cũng không trả lại tiền.

Cũng với thủ đoạn tương tự, Công an TP. HCM ra quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Thị Hồng Hạnh là giám đốc Giám đốc Công ty Hoàng Kim Land về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi vẽ hàng loạt dự án “ma” ở TP. HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu để lừa đảo hàng trăm người. Tuy nhiên, người chủ thật sự của công ty này là bà Trần Thị Mỹ Hiền đã không bị bắt, bởi bà có giấy chứng nhận tâm thần.

Nhiều nạn nhân của Công ty Hoàng Kim Land cũng bất ngờ trước việc bà Hiền khi làm việc với công an đã trưng ra được giấy chứng nhận tâm thần bởi trong các lần tiếp xúc với họ, bà Hiền đại diện Công ty Hoàng Kim Land đứng ra làm việc với khách hàng, cam kết về việc giao nền đất, đền bù nếu dự án không thực hiện được. Bà cũng tự nhận mình là chủ thật sự của công ty này, hoàn toàn tỉnh táo. Nhưng với giấy chứng nhận tâm thần có sẵn, bà Hiền đã thoát tội lừa đảo.

Ngày 22/10, công an T. PHCM đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Văn Tài - Giám đốc Công ty TNHH MTV kinh doanh nhà Năm Tài - cũng về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Kết quả điều tra bước đầu thể hiện, Công ty Năm Tài đăng ký thành lập từ năm 2017, trụ sở ở KP.4, phương Tân Tạo A (quận Bình Tân), ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất…

Hay mới đây, Công an TP. HCN đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trịnh Quốc Hưng (SN 1980, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại KingLand) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Qua điều tra, công an xác định Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư KingLand chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép làm chủ đầu tư dự án khu nhà ở Định An (KingLand Home City 5) ở H.Dầu Tiếng, Bình Dương.

Theo đó, Trịnh Quốc Hưng đã tự lập bản vẽ phân lô dự án, quảng cáo gian dối, ký hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng hợp tác đầu tư để bán đất nền và thu tiền của 44 cá nhân. Trịnh Quốc Hưng sau đó không thực hiện thỏa thuận, lẩn tránh khách hàng. Đồng thời, bị can này đã chiếm đoạt tổng số tiền hơn 9 tỷ đồng.

Ngoài ra, Công an TP. HCM đã phát lệnh truy nã ông Trịnh Minh Thanh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển địa ốc Khang Gia. Ông này được xác định bán 1 căn hộ cho nhiều người tại chung cư Khang Gia Chánh Hưng, quận 8.

5. Làn sóng bất động sản công nghiệp mới mạnh nhất 25 năm

Savills Việt Nam ra báo cáo mới đây cho biết nguồn cầu bất động công nghiệp tiếp tục vượt cung với tỷ lệ lấp đầy đạt 76% trên toàn quốc. Tỷ lệ lấp đầy tại các trung tâm công nghiệp chính như Bình Dương, Đồng Nai, Long An hay Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Phòng đã tăng đáng kể kể từ năm 2018.

Dự kiến trong năm 2021 và 2022, các nhà sản xuất sẽ dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc, là cơ hội để các nhà đầu tư tung ra nhiều dự án hơn để bắt kịp và đáp ứng các khoản đầu tư sản xuất giá trị cao.

Bất động sản công nghiệp được xem là điểm sáng của thị trường năm 2020.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết có 3 làn sóng đầu tư bất động sản công nghiệp trải dài 25 năm qua và mỗi đợt sóng tiếp theo càng mạnh mẽ hơn.

Theo ông, làn sóng đầu tiên diễn ra năm 1996. Đến năm 2008, Việt Nam một lần nữa đón làn sóng thứ hai đầu tư vào các khu công nghiệp khá mạnh mẽ. Thế nhưng, năm 2020 lại là giai đoạn đặc biệt nhất khi đây là làn sóng mới, đồ thị tăng trưởng liên tục đi lên.

Ông Hoàng phân tích, trên thực tế, làn sóng đầu tư bất động sản công nghiệp mới (làn sóng thứ ba) đã manh nha từ khoảng 6 năm trở lại đây và bùng mạnh vào năm 2020. Điều này cho thấy không đợi đến xung đột Mỹ - Trung mà từ trước đó, các doanh nghiệp đã có sự cân nhắc chuyển dịch. Đến khi có sự tác động của Covid-19 càng thúc đẩy nhu cầu dịch chuyển sản xuất mạnh mẽ ở chu kỳ mới này.

Đặc điểm của làn sóng đầu tư bất động sản công nghiệp mới bắt nguồn từ sự dịch chuyển sản xuất. Quá trình này không quá phụ thuộc vào một đối tác nào. Trên hết, mục tiêu của khách thuê muốn đa dạng hóa thị trường, đa dạng chuỗi cung ứng.

"Qua trao đổi với những đối tác nước ngoài, chúng tôi nhận thấy Việt Nam đang được quan tâm rất lớn. Do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều nhà đầu tư rất muốn sang Việt Nam nhưng chưa thực hiện được", ông Hoàng nói.

Ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Bộ phận Tư vấn kinh doanh văn phòng và bất động sản công nghiệp CBRE Việt Nam chỉ ra 3 xu hướng sẽ xuất hiện từ năm 2020 trở đi. Xu hướng đầu tiên là mở rộng sản xuất của các khách thuê hiện hữu thông qua việc tìm kiếm nguồn cung đất mở rộng tại các khu vực mới nổi.

Xu hướng thứ hai là chủ đầu tư và nhà phát triển nước ngoài trong lĩnh vực kho vận mới sẽ gia nhập thị trường Việt Nam. Nhu cầu phần lớn được dẫn dắt bởi thương mại điện tử.

Xu hướng thứ 3 là chủ đầu tư và nhà phát triển sẽ tích cực thu mua các dự án bất động sản công nghiệp hiện hữu. "Những dự án này nằm trong các khu công nghiệp đã được quy hoạch sẽ là những mục tiêu được tìm kiếm nhiều trong thời gian tới", đại diện CBRE Việt Nam nói.

6. Khai tử dự án BT        

Ngày 18/6, Quốc hội thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Theo đó, kể từ thời điểm luật này có hiệu lực (1/1/2021), dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) chính thức bị loại bỏ. Với dự án áp dụng loại hợp đồng BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư thì dừng thực hiện kể từ ngày 15/8/2020. Dự án chưa phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu sẽ phải dừng thực hiện.

Một báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán gửi Quốc hội trong kỳ họp giữa năm 2020 chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong 29 dự án BT đã được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) thực hiện. Cơ quan kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính số tiền lên tới 5.228 tỷ đồng.

Theo KTNN, hầu hết các dự án được kiểm toán ở Hà Nội đều xác định tổng mức đầu tư ban đầu lớn hơn nhiều so với giá trị thực tế. Dự án tuyến đường từ đê Ngọc Thụy đến khu đô thị mới Thượng Thanh (quận Long Biên) giảm dự toán 69,2 tỷ đồng, chi phí đền bù GPMB giảm 754,3 tỷ đồng. Dự án đường 2,5 đoạn Ðầm Hồng - Quốc lộ 1A cũng giảm tới 251,4 tỷ đồng... Bên cạnh đó, một số dự án phê duyệt diện tích và giá đất tạm tính vượt giá trị dự án BT.

Kết quả kiểm toán 29 dự án còn cho thấy, hầu hết đều thực hiện theo phương thức chỉ định nhà đầu tư, chủ yếu do nhà đầu tư đề xuất. Tại tỉnh Bắc Ninh, có tới 72/83 dự án do nhà đầu tư đề xuất. Trong đó, dự án công viên hồ điều hòa Văn Miếu và dự án nhà máy nước mặt thành phố Bắc Ninh do nhà đầu tư đề xuất và không lấy ý kiến các bộ, ngành theo quy định.

Trước đó, qua kiểm toán 37 dự án BT từ năm 2018 trở về trước, KTNN kiến nghị xử lý 7.453 tỷ đồng. Theo KTNN Chuyên ngành VI, đến hết ngày 31/12/2019, có tổng cộng 336 dự án PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công - tư) được ký kết với tổng vốn đầu tư trên 1,6 triệu tỷ đồng. Trong đó, hình thức đầu tư chủ yếu là BT và BOT. Riêng lĩnh vực BT có tới 188 dự án (tương đương 55,9%).

7. Quốc hội thông qua Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Xây dựng sửa đổi

Trong năm 2020, tại kỳ họp thứ 9 và 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua 3 luật có tác động lớn gồm: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Xây dựng sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, với tỷ lệ ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành đều trên 90%.

Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi đang mở toang cánh cửa để hút vốn đầu tư tư nhân vào nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, bao gồm cả việc phát triển một hệ thống doanh nghiệp quốc dân Việt Nam. Điều này vô cùng quan trọng và cần thiết, giúp kinh tế Việt Nam có thể nhanh chóng hồi phục sau đại dịch Covid-19.

Thậm chí, Luật Đầu tư sửa đổi sẽ tạo cơ hội rất lớn để đón “đại bàng”, đón “phượng hoàng” đến làm tổ, trong bối cảnh làn sóng dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc đang nóng lên từng ngày.

Có thể nói, Chính phủ Việt Nam đã có một hành động vô cùng quyết liệt và nhanh chóng, khi mà ngay trước thời điểm Luật Đầu tư sửa đổi được đưa ra thảo luận và trình Quốc hội thông qua, đã kịp thời đề xuất bổ sung các quy định về ưu đãi đặc biệt.

Đây là điều cần thiết, khi các “đối thủ” của Việt Nam trong cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài, như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ… đã rất nhanh chóng đưa ra các cơ chế, chính sách mới nhằm đón đầu làn sóng đầu tư dịch chuyển khỏi Trung Quốc.

Cụ thể, Luật Đầu tư sửa đổi tuy không quy định mức trần của chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt tại khoản 3, Điều 20, mà chỉ quy định mức ưu đãi và thời hạn áp dụng ưu đãi đặc biệt thực hiện theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp luật về đất đai, song đã kịp thời bổ sung khoản 5a vào sau khoản 5, Điều 13 và bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1, Điều 14 của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp tại khoản 4, Điều 75 của Dự thảo Luật, tạo điều kiện cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động trong đàm phán, thu hút đầu tư.
 
Theo đó, khoản 5a, Điều 13 cho phép Thủ tướng Chính phủ quyết định áp dụng thuế suất ưu đãi giảm không quá 50%, thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi không quá 1,5 lần so với thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi quy định tại khoản 1, Điều này và được kéo dài thêm không quá 15 năm và không vượt quá thời hạn của dự án đầu tư.

Trong khi đó, khoản 1a, Điều 14 quy định rằng, đối với các dự án đầu tư quy định tại khoản 2, Điều 20 của Luật Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ quyết định áp dụng miễn thuế tối đa không quá 6 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 13 năm.

Điều đó có nghĩa, Chính phủ Việt Nam sẵn sàng “đàm phán” và chấp nhận ưu đãi ở mức cao hơn đối với các “phượng hoàng”, “đại bàng”. Đây là điều mà nhiều tập đoàn đa quốc gia ngóng đợi từ lâu, khi Việt Nam bắt đầu xây dựng chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài trong tình hình mới và đặc biệt là sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 50/NQ-TW về hợp tác đầu tư nước ngoài trong tình hình mới.

Không chỉ là các quy định này, theo khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Luật Đầu tư sửa đổi cũng có cách tiếp cận mới trong thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư. Đó là, bổ sung các nguyên tắc, điều kiện về ưu đãi, đảm bảo hiệu quả và chất lượng của ưu đãi mà Việt Nam đưa ra: ưu đãi có thời hạn, ưu đãi dựa theo kết quả thực hiện…
 
Tương tự, các ưu đãi đối với dự án lớn, dự án trong các lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực nghiên cứu và phát triển… cũng sẽ được thực hiện. Việc áp dụng thí điểm các hình thức đầu tư mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang biến đổi toàn cầu cũng đã được bổ sung.

Cùng với đó, là các quy định để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong thực hiện các thủ tục hành chính, về đầu tư, đất đai, xây dựng…
Tương tự, các quy định trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cả trong và ngoài nước không chỉ trong giai đoạn gia nhập thị trường, mà còn trong suốt quá trình đầu tư, kinh doanh.

Luật Xây dựng sửa đổi 2020 cũng có những nội dung mới đáng chú ý sau đây: có 9 loại công trình được miễn giấy phép xây dựng; rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng xuống còn 20 ngày; xây nhà ở tại nông thôn từ 7 tầng trở lên phải xin giấy phép; sửa quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng; quy định nhiều điểm mới về giấy phép xây dựng…

8. Thành lập TP. Thủ Đức và TP. Phú Quốc

Tại Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quyết nghị sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện để thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.

Cụ thể, thành lập thành phố Thủ Đức trên cơ sở nhập toàn bộ 49,79 km2 diện tích tự nhiên, 171.311 người của quận 2; toàn bộ 113,97 km2diện tích tự nhiên, 310.107 người của quận 9 và toàn bộ 47,8 km2 diện tích tự nhiên, 532.377 người của quận Thủ Đức. Sau khi thành lập, thành phố Thủ Đức có 211,56 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.013.795 người.
 
Sau khi thành lập thành phố Thủ Đức và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, thành phố Thủ Đức có 34 phường: An Khánh, An Lợi Đông, An Phú, Bình Chiểu, Bình Thọ, Bình Trưng Đông, Bình Trưng Tây, Cát Lái, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Hiệp Phú, Linh Chiểu, Linh Đông, Linh Tây, Linh Trung, Linh Xuân, Long Bình, Long Phước, Long Thạnh Mỹ, Long Trường, Phú Hữu, Phước Bình, Phước Long A, Phước Long B, Tam Bình, Tam Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Tân Phú, Thảo Điền, Thạnh Mỹ Lợi, Thủ Thiêm, Trường Thạnh, Trường Thọ.

UBTVQH quyết nghị sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc Quận 3, Quận 4, Quận 5, Quận 10, Quận Phú Nhuận của Thành phố Hồ Chí Minh.

UBTVQH quyết nghị giải thể Tòa án nhân dân Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức để thành lập Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.

Kể từ ngày 1/1/2021, Thành phố Hồ Chí Minh có 22 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 16 quận, 5 huyện và 1 thành phố.

Thành lập TP. Thủ Đức.

Tại Nghị quyết số 1109/NQ-UBTVQH14, UBTVQH quyết nghị thành lập thành phố Phú Quốc và các phường thuộc thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
 
Cụ thể, thành lập thành phố Phú Quốc trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số 179.480 người của huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Sau khi thành lập, thành phố Phú Quốc có 9 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 2 phường: An Thới, Dương Đông và 7 xã: Bãi Thơm, Cửa Cạn, Cửa Dương, Dương Tơ, Gành Dầu, Hàm Ninh, Thổ Châu. Tỉnh Kiên Giang có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 12 huyện và 3 thành phố.

UBTVQH quyết nghị thành lập Tòa án nhân dân thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang trên cơ sở kế thừa Tòa án nhân dân huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang và thành lập Viện kiểm sát nhân dân thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang trên cơ sở kế thừa Viện kiểm sát nhân dân huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Nghị quyết số 1109/NQ-UBTVQH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.

9. “Cuộc chiến” pháp lý condotel giữa các bộ, ngành

Trong khi Bộ Công an, Công Thương cảnh báo về tính pháp lý condotel thì TN&MT, Bộ Xây dựng vẫn có những văn bản “mập mờ” hướng dẫn cho sự phát triển loại hình bất động sản này.

Tại văn bản gửi Thủ tướng vào tháng 7/2020, Bộ Công an còn chỉ ra thực trạng, hiện nay, một số địa phương như Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu đang chuyển đổi mục đích sử dụng đất xây condotel, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu condotel cho người mua, dần hợp thức hóa các condotel.

Theo Bộ Công an, việc chuyển đổi này sẽ gây áp lực lên hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; phát sinh nhiều vấn đề phức tạp về an ninh trật tự. Bộ Công an cho rằng, trước mắt không phát triển thêm dự án condotel, biệt thự du lịch, không hợp thức các dự án officetel, biệt thự du lịch, officetel thành nhà ở.

“Cuộc chiến” pháp lý condotel giữa các bộ, ngành.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cũng đưa ra khuyến cáo, khi chuyển đổi mục đích sử dụng từ căn hộ condotel sang căn hộ chung cư, chủ đầu tư chỉ được giao kết hợp đồng mua bán với khách hàng khi đã hoàn thành nghĩa vụ đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.

Đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, thời gian vừa qua cơ quan này nhận được nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo của khách hàng mua căn hộ chung cư condotel (không hình thành đơn vị ở).

Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương cũng như các chủ đầu tư phải minh bạch hóa thông tin về tình hình triển khai của dự án condotel, các cam kết lợi nhuận, hình thức chia sẻ lợi nhuận… trong quá trình thực hiện quản lý vận hành để các nhà đầu tư thứ cấp nắm được.

Còn tại văn bản 703 (ngày 14/2/2020) gửi tới sở TNMT các tỉnh, thành phố, Bộ TNMT nêu rõ, trường hợp các dự án có công trình căn hộ du lịch, biệt thự du lịch có đủ điều kiện được chuyển nhượng theo quy định của Luật Kinh doanh Bất động sản thì chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng cho bên nhận chuyển nhượng.

Ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai khẳng định, sẽ cấp sổ đỏ cho các dự án có condotel được giao, cho thuê đất đúng theo quy định, xây dựng đúng quy hoạch, thiết kế… Trường hợp giao đất là nhà ở không hình thành đơn vị ở tiếp tục phải rà soát lại.

Ông cũng cho biết, “văn bản của Tổng cục Quản lý đất đai là để hướng dẫn các địa phương dựa trên những quy định đã có trong các luật” và văn bản gửi đi “chỉ là văn bản hướng dẫn, chứ không phải văn bản quy phạm pháp luật”.

Trong khi đó, Bộ Công an cho biết hiện nay, nhiều bộ cho rằng, đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để quản lý loại hình căn hộ condotel, biệt thự du lịch, officetel. Tuy nhiên, thực tế việc đầu tư xây dựng, quản lý loại hình bất động sản trên gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, các văn bản pháp luật hiện chưa giải quyết được.

“Trường hợp cấp sổ đỏ cho từng người mua trong dự án sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự trong quản lý vận hành tòa nhà, quản lý hoạt động đầu tư kinh doanh căn hộ…”, Bộ Công an chỉ rõ.

“Trường hợp cấp sổ đỏ cho từng căn hộ sẽ phát sinh việc thế chấp quyền sở hữu tài sản để vay vốn tại các ngân hàng khác nhau. Như vậy sẽ có tình trạng một tài sản được sử dụng làm tài sản đảm bảo nhiều lần để thế chấp ở nhiều ngân hàng”, Bộ Công an nhận định.

Ngoài ra, theo Bộ Công an, văn bản 703 của Bộ TNMT chưa đề cập việc xác định chế độ sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất và việc cấp sổ đỏ đối với loại hình officetel.

10. 620 doanh nghiệp bất động sản phá sản trong 8 tháng đầu năm

Tổng cục Thống kê công bố báo cáo tình hình đăng ký doanh nghiệp mới trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2020. Theo đó, do kết quả tích cực từ việc dịch bệnh được kiểm soát trong đợt 1, và đợt dịch thứ hai mới bắt đầu từ cuối tháng 7/2020, nên số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 8 vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều.

Cụ thể, trong tháng 8 số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 13.400 doanh nghiệp, tăng 1,5% so với tháng 7/2020.

Tuy nhiên, nếu tính chung cả 8 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 88.700 doanh nghiệp, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong 8 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là gần 34.300 doanh nghiệp, tăng 70,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Cũng trong khoảng thời gian này, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 34.300 doanh nghiệp, số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ thủ tục giải thể là 24.400 doanh nghiệp và số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 10.400 doanh nghiệp. Đáng chú ý, trong danh sách doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, lĩnh vực bất động sản chiếm số lượng khá lớn là 620 doanh nghiệp.

Con số này đã phản ánh đúng tình trạng khó khăn của nhiều doanh nghiệp bất động sản dưới tác động của dịch bệnh Covid – 19.

Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
'Ghế nóng' ngân hàng biến động, sếp lớn dồn dâp đến và đi

'Ghế nóng' ngân hàng biến động, sếp lớn dồn dâp đến và đi

(VNF) - Nhiều nhà băng thay đổi nhân sự cấp cao trong mùa đại hội ngân hàng năm nay. Việc này kỳ vọng mở ra những cơ hội mới, mang tới diện mạo mới cho ngành ngân hàng.

Ngân hàng đại hạ giá khoản nợ nghìn tỷ của đại gia điện gió

Ngân hàng đại hạ giá khoản nợ nghìn tỷ của đại gia điện gió

(VNF) - Khoản nợ hơn 1.200 tỷ đồng thế chấp bằng nhà máy điện gió đầu tiên của Việt Nam được ngân hàng hạ giá hơn 170 tỷ đồng. Còn khoản nợ hơn 500 tỷ đồng của một đại gia năng lượng khác cũng được giảm giá cả trăm tỷ đồng.

Sai phạm ở siêu dự án Đại Ninh 3.600 ha khiến nhiều quan chức bị bắt

Sai phạm ở siêu dự án Đại Ninh 3.600 ha khiến nhiều quan chức bị bắt

Từng bị đề nghị thu hồi, dự án khu đô thị Đại Ninh sau đó được tiếp tục thực hiện khi Thanh tra Chính phủ sửa đổi kết luận thanh tra. Đây là ‘siêu’ dự án khiến nhiều lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng vướng vòng lao lý.

Huawei đã trở lại, ‘lợi hại’ được bao lâu?

Huawei đã trở lại, ‘lợi hại’ được bao lâu?

(VNF) - Kết quả quý I xuất sắc của Huawei đã chứng minh được rằng “ông lớn” công nghệ hàng đầu Trung Quốc đã lấy lại được phong độ của mình. Tuy nhiên, Huawei đang vướng phải rất nhiều trở ngại, đặc biệt là việc tiếp cận công nghệ và nghiên cứu quan trọng.

Tỷ phú Trần Bá Dương đánh cược vào HNG, rời HSBC ông Phạm Hồng Hải làm CEO OCB

Tỷ phú Trần Bá Dương đánh cược vào HNG, rời HSBC ông Phạm Hồng Hải làm CEO OCB

(VNF) - Tỷ phú Trần Bá Dương tiếp tục đặt cược vào lĩnh vực nông nghiệp, ông Phạm Hồng Hải làm CEO Ngân hàng Phương Đông, Lý Hải trở thành đạo diễn nghìn tỷ thứ 2 của Việt Nam, cựu Chủ tịch ACB Trần Mộng Hùng qua đời… là những tin tức doanh nhân nổi bật tuần qua.

'Nền kinh tế phụ nữ' ngày càng phát triển ở Trung Quốc

'Nền kinh tế phụ nữ' ngày càng phát triển ở Trung Quốc

(VNF) - Việc “nền kinh tế phụ nữ” ngày càng phát triển ở Trung Quốc đang dẫn đến việc phụ nữ trong độ tuổi lao động đóng vai trò dẫn đầu trong chi tiêu cá nhân và mua sắm của gia đình, có khả năng tạo thành một động lực mới trong cơ cấu nền kinh tế thứ 2 thế giới.

BIDGROUP bị cưỡng chế thuế hơn 560 tỷ, đến hạn thanh toán 530 tỷ đồng trái phiếu

BIDGROUP bị cưỡng chế thuế hơn 560 tỷ, đến hạn thanh toán 530 tỷ đồng trái phiếu

(VNF) - BIDGROUP bị cưỡng chế thuế với số tiền khổng lồ lên đến 561,5 tỷ đồng, nợ phải trả hơn 2.600 tỷ đồng. Trong năm 2024, đến hạn thanh toán gốc 2 lô trái phiếu với tổng giá trị phát hành 530 tỷ đồng.

Ba lần hủy đấu thầu vàng: Đến lúc cần 'thuốc mới' cho bệnh cũ

Ba lần hủy đấu thầu vàng: Đến lúc cần 'thuốc mới' cho bệnh cũ

(VNF) - Trong 4 lần ra thông báo đấu thầu vàng miếng SJC thì có tới 3 lần, NHNN phải hủy do không đủ số lượng doanh nghiệp dự thầu. Nhiều chuyên gia nhận định đấu thầu chỉ là giải pháp tình thế và thị trường vàng cần nhiều hơn một giải pháp.

CADIVI: Doanh thu gần 2.500 tỷ, vay nợ hơn 2.900 tỷ đồng

CADIVI: Doanh thu gần 2.500 tỷ, vay nợ hơn 2.900 tỷ đồng

(VNF) - Trong quý I/2024, CTCP Dây cáp điện Việt Nam (CADIVI) gây ấn tượng khi doanh thu đạt 2.485,7 tỷ đồng, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Thế nhưng, điều gây bất ngờ đó là tiền mặt tại công ty chỉ còn hơn 240 triệu đồng.

Vì sao các tập đoàn công nghệ lớn đến Việt Nam nhưng rồi đầu tư ở nước khác?

Vì sao các tập đoàn công nghệ lớn đến Việt Nam nhưng rồi đầu tư ở nước khác?

(VNF) - Vừa qua, một số tập đoàn công nghệ nước ngoài có quy mô lớn đã đến thăm và làm việc tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau đó có thông tin cho rằng những "ông lớn" này đã đầu tư ở nơi khác.

Hình ảnh Cao tốc Vân Phong - Nha Trang 12.000 tỷ tăng tốc về đích trước 6 tháng

Hình ảnh Cao tốc Vân Phong - Nha Trang 12.000 tỷ tăng tốc về đích trước 6 tháng

(VNF) - Dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang có tổng vốn đầu tư 11.808 tỷ đồng sau hơn 1 năm thi công đã đạt 50% giá trị hợp đồng. Hiện các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành dự án trước 6 tháng.