‘Vốn sẽ chảy vào dự án kém hiệu quả nếu đẩy nhanh giải ngân đầu tư công bằng mọi giá’
Hải Đường -
08/11/2021 20:08 (GMT+7)
(VNF) - Thảo luận tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, về vấn đề phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 dự kiến kế hoạch phát triển năm 2022, đại biểu Hà Nội Vũ Tiến Lộc bày tỏ sự lo ngại đối với gói đầu tư công. Ông cho rằng việc phân bổ dàn trải cũng như quyết tâm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công bằng mọi giá có thể dẫn tới hệ lụy là dòng vốn đầu tư sẽ chảy vào những dự án kém hiệu quả.
"Dòng vốn sẽ chảy vào dự án kém hiệu quả nếu đẩy nhanh giải ngân đầu tư công bằng mọi giá"
Theo ông Vũ Tiến Lộc, dư địa của chính sách tiền tệ không còn nhiều, biện pháp "tiếp máu" cho nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay chỉ có thể là sự cộng hưởng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, trong đó chính sách tài khóa đóng vai trò chủ đạo.
“Nguồn vốn cho đầu tư sản xuất kinh doanh ở các doanh nghiệp chủ yếu dựa vào nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng, nên hàm chứa nhiều rủi ro, báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy tình trạng áp lực lạm phát và nợ xấu đang gia tăng”, ông Vũ Tiến Lộc phát biểu tại kỳ họp.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc ủng hộ chủ trương hình thành quỹ hỗ trợ 2-4% lãi suất cũng như việc tăng gấp 10 lần quỹ hỗ trợ lãi suất theo đề xuất của Bộ Tài chính.
Đối với gói đầu tư công, ông Vũ Tiến Lộc bày tỏ sự lo ngại về việc phân bổ dàn trải cũng như quyết tâm giải ngân nhanh bằng mọi giá có thể dẫn tới hệ lụy là dòng vốn đầu tư sẽ chảy vào những dự án kém hiệu quả.
“Tôi đề nghị gói này cần tập trung vào các dự án trọng điểm quốc gia và Quốc hội giám sát chặt chẽ. Phần còn lại, tôi đề nghị bổ sung vào quỹ hỗ trợ lãi suất để hỗ trợ cho nền kinh tế, thúc đẩy hình thức đối tác công tư, Nhà nước không nên làm một mình”, ông Vũ Tiến Lộc cho biết.
Vị đại biểu này đề nghị các cơ quan nhà nước không nên vì quá an toàn cho mình mà đẩy hết rủi ro và khó khăn về phía người dân và doanh nghiệp trong phương thức này.
Ngoài ra, ông Vũ Tiến Lộc cũng nêu ý kiến về sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng và dòng người lao động hồi hương từ dịch bệnh đã cho thấy một cách tiếp cận mới trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa nước nhà.
“Chúng ta không phủ nhận vai trò của các siêu đô thị như Hà Nội, TP. HCM và các đại công trường ở đông nam bộ trong việc thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong những năm qua. Nhưng nếu các siêu đô thị và các đại công trường vẫn ôm vào trong lòng các ngành công nghiệp chủ yếu là gia công lắp ráp, giá trị gia tăng thấp, sử dụng lực lượng lao động thủ công khổng lồ như hiện nay thì một mặt sẽ tiếp tục gây quá tải cho các trung tâm này, mặt khác lại chèn lấn thu hút đầu tư phát triển của các địa phương khác đang nghèo hơn và chủ yếu mưu sinh bằng nông nghiệp”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nhận định.
Theo ông, cần phải xây dựng thêm nhiều trung tâm và các chuỗi đô thị tại các vùng kinh tế khác nhau để tạo thêm những cực tăng trưởng mới của nền kinh tế, chia lửa cho Hà Nội, TP. HCM và các tỉnh đông nam bộ.
“Khẩn trương giải quyết nguồn oxy cho doanh nghiệp đang hấp hối trong đại dịch”
Đại biểu Bắc Ninh Nguyễn Như So đề nghị tập trung giải quyết 3 nút thắt quan trọng về chính sách tiền tệ và tài khóa.
Trong đó, về chính sách tài khóa, đại biểu Nguyễn Như So đề nghị cần khẩn trương quyết liệu giải ngân các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp đã ban hành trong thời gian qua, được ví như nguồn oxy cho doanh nghiệp đang hấp hối trong đại dịch.
“Tuy nhiên nhiều chính sách chưa bao quát hết các nhóm đối tượng. Việc tiếp cận các gói chính sách hỗ trợ còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hưởng thụ còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp sản lượng giảm nhưng doanh thu vẫn cao hơn so với những năm trước. Lợi nhuận âm do giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu vận chuyển chi phí tăng mạnh, gánh nặng các chi phí vừa sản xuất, vừa chống dịch lại không thuộc nhóm đối tượng hỗ trợ. Hoặc các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đóng cửa do dịch bệnh như khách sạn, nhà hàng thì việc miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho khu vực này thực sự là không có ý nghĩa”, ông Nguyễn Như So cho biết.
Vị đại biểu này cho rằng cần nhanh chóng ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo để tạo cú hích giúp cho các doanh nghiệp tận dụng quãng thời gian còn lại của năm 2021 để tăng tốc hoàn thành kế hoạch.
Theo ông Nguyễn Như So, Chính phủ đặt ra mục tiêu nợ công năm 2022 là khoảng 44% đến 45% so với GDP và khả thi so với ước thực hiện năm 2021 là 43,7%. Việc kiểm soát lạm phát ở mức 4%, mức này là an toàn cho với trần nợ công 60% GDP.
“Do vậy chúng ta còn nhiều dư địa để tiếp tục nghiên cứu, tung ra các gói kích thích đủ lớn, có hiệu ứng lan tỏa sâu rộng để thúc đẩy phục hồi kinh tế mà vẫn đảm bảo kiểm soát được chỉ tiêu vĩ mô. Các gói hỗ trợ cần lựa chọn đúng, trúng các đối tượng ngành nghề”, ông Nguyễn Như So phát biểu tại kỳ họp.
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.