Vụ án AIC ở TP.HCM: Cách ăn chia khoản hối lộ hơn 14 tỷ

Trần Lê - 11/07/2024 07:45 (GMT+7)

(VNF) - Ngày 10/7, Tòa án Nhân dân TP. HCM đã mở phiên tòa xét xử vụ án vi phạm đấu thầu, đưa và nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), Trung tâm Công nghệ sinh học (CNSH) TP. HCM và Sở Kế hoạch- Đầu tư TP.HCM.

Vụ án này có 14 bị cáo bị đưa ra ra xét xử, trong đó có 4 bị cáo là: Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC); Trần Mạnh Hà (Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC); Đỗ Vân Trường (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mopha) và Trần Đăng Tấn (Trưởng Văn phòng đại diện Công ty AIC tại TP. HCM) đang bị truy nã.

Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trần Mạnh Hà, Trần Đăng Tấn bị xét xử về tội đưa hối lộ và vi phạm quy định gây hậu quả nghiêm trọng; Đỗ Vân Trường bị xét xử về tội vi phạm quy định gây hậu quả nghiêm trọng.

Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC)

Vụ án tại Trung tâm CNSH TP. HCM là vụ án thứ 3 bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị truy tố và xét xử.

Bị cáo Dương Hoa Xô, làm Giám đốc Trung tâm CNSH TP.HCM 17 năm. Năm 2006, Trung tâm có kế hoạch đầu tư nhiều dự án, trong đó có dự án 12 phòng thí nghiệm. Trung tâm CNSH TP.HCM là chủ đầu tư, dự kiến tổng vốn đầu tư là hơn 300 tỷ đồng.

Cũng năm 2006, UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị 12 phòng thí nghiệm thuộc Trung tâm CNSH.

Năm 2014, Sở Kế hoạch - Đầu tư phê duyệt dự án, trong đó chi phí mua thiết bị là hơn 425 tỷ đồng. Đến năm 2017, dự án được điều chỉnh, kinh phí mua thiết bị tăng lên hơn 468 tỷ đồng.

Dự án chia làm 3 giai đoạn với 10 gói thầu, thực hiện kéo dài từ năm 2015 - 2019. Công ty AIC và các công ty liên quan đã thâu tóm 8/10 gói thầu, gây thiệt hại hơn 94 tỷ đồng.

Bị cáo Dương Hoa Xô, bị cáo gặp Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC) vào khoảng tháng 4/2014, tại lễ khánh thành trung tâm nuôi cấy mô thực vật thuộc Trung tâm CNSH TP. HCM.

Sau khi Dương Hoa Xô tạo cơ hội, Nguyễn Thị Thanh Nhàn chỉ đạo cấp dưới đến gặp, bàn bạc, thống nhất với ông Xô về việc Công ty AIC sẽ xây dựng danh mục thiết bị, nhằm bảo đảm cho doanh nghiệp này hưởng lợi nhuận tương đương khoảng 40% giá trị mỗi gói thầu.

Sau khi được tạo điều kiện để trúng thầu, bị cáo Nhàn đã chỉ đạo Trần Mạnh Hà, Trần Đăng Tấn đưa bị cáo Dương Hoa Xô tổng cộng 14,4 tỷ đồng để cám ơn

Bị cáo Dương Hoa Xô nhận hối lộ từ AIC, đã đưa cho cho bà Trần Thị Bình Minh (cựu Phó Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư) 1 tỷ đồng, đưa cho Nguyễn Đăng Quân (Phó Giám đốc Trung tâm CNSH) 950 triệu đồng, Nguyễn Viết Thạch (Trưởng ban Quản lý xây dựng công trình thuộc Trung tâm CNSH) 1,1 tỷ đồng. Số tiền còn lại là 11,3 tỷ đồng, bị cáo Xô khai cho con đi học.

Không chỉ thông đồng với các bị cáo thuộc chủ đầu tư, AIC mà còn có sự tiếp tay bởi các đơn vị tư vấn và thẩm định giá. Khi thực hiện thẩm định giá, nhân viên công ty thẩm định đã không làm việc độc lập, không khảo sát thị trường, không kiểm chứng thông tin báo giá.

Thay vào đó, nhóm này sử dụng danh mục và đơn giá do Trung tâm CNSH cung cấp (đã có sự móc nối với phía AIC) để phát hành chứng thư thẩm định giá. Các chứng thư trái quy định được sử dụng, đưa vào hồ sơ làm căn cứ thẩm định giá, giúp Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng đồng phạm nâng khống giá các thiết bị đấu thầu.

Đại án AIC: Bắt tạm giam Vụ phó và Phó chánh văn phòng Bộ TT&TT

Đại án AIC: Bắt tạm giam Vụ phó và Phó chánh văn phòng Bộ TT&TT

Tiêu điểm
(VNF) - Cả 2 cán bộ của Bộ Thông tin và Truyền thông bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra sai phạm liên quan Công ty AIC.
Cùng chuyên mục
Tin khác