Thị trường

Vụ Grab thâu tóm Uber: Sau ‘thắng lợi’ tại Singapore, Grab bắn thông điệp tới Việt Nam

(VNF) - Giám đốc Grab tại Việt Nam cho biết Grab rất “hài lòng” trước việc Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Singapore (CCCS) không yêu cầu hủy bỏ giao dịch Grab mua lại hoạt động kinh doanh của Uber

Vụ Grab thâu tóm Uber: Sau ‘thắng lợi’ tại Singapore, Grab bắn thông điệp tới Việt Nam

Ủy ban cạnh tranh và người tiêu dùng Singapore đã không yêu cầu hủy bỏ giao dịch Grab thâu tóm Uber

Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Singapore (CCCS) đã chính thức chấp thuận tính hợp pháp của giao dịch Grab mua lại hoạt động kinh doanh của Uber và không yêu cầu hủy bỏ giao sau khi hoàn tất quá trình điều tra lại thương vụ M&A này.

Tuy nhiên, Grab và Uber sẽ phải chịu án phạt tổng cộng 13 triệu đôla Singapore (hơn 9,5 triệu USD), bởi theo CCCS, thương vụ đã làm suy giảm đáng kể tính cạnh tranh của thị trường gọi xe.

Cụ thể, Uber bị phạt 6,58 triệu đôla Singapore (hơn 4,8 triệu USD) trong khi Grab bị phạt 6,42 triệu đôla Singapore (gần 4,6 triệu USD). CCCS cho biết việc xử phạt nhằm "ngăn những vụ sáp nhập đã hoàn thành, không thể đảo ngược, nhưng gây tổn hại đến cạnh tranh".

Liên quan đến vụ việc này, ông Jerry Lim, Giám đốc Grab tại Việt Nam, cho biết công ty “hài lòng” trước việc CCCS đã không yêu cầu hủy bỏ giao dịch Grab mua lại hoạt động kinh doanh của Uber, sau khi đã hoàn tất quá trình điều tra.

Giám đốc Grab tại Việt Nam cho rằng thương vụ mua bán này không vi phạm bất kỳ quy định nào của pháp luật cạnh tranh. Điểm mấu chốt nằm ở sự khác biệt về quan điểm giữa Grab và cơ quan chức năng khi xác định các yếu tố tạo nên một thị trường mang tính cạnh tranh.

Ông Jerry Lim cho biết trong số các công ty kinh doanh vận tải, các công ty taxi có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường vẫn đang giữ vị trí là những đối thủ đáng gờm của những công ty công nghệ phát triển ứng dụng gọi xe như Grab.

“Tại Việt Nam, các công ty taxi như Mai Linh và Vinasun luôn coi các công ty kinh doanh phần mềm gọi xe là đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Vinasun và Mai Linh là hai trong số các doanh nghiệp taxi lớn nhất Việt Nam và hai công ty này cũng đã đầu tư phát triển ứng dụng gọi xe của riêng họ để cạnh tranh với các công ty phát triển ứng dụng gọi xe”, ông Jerry Lim nói.

Giám đốc Grab cũng cho biết tại Việt Nam sau giao dịch mua lại hoạt động kinh doanh của Uber, thời gian chờ xe của khách hàng đã giảm 9% đối với xe GrabCar và giảm 5% đối với xe GrabBike. Trung bình, khách hàng có thể đặt được xe Grab trong vòng 2,5 phút. Đối tác tài xế cũng nhận được nhiều chuyến xe hơn với hiệu suất sử dụng xe đạt hơn 70%, đồng nghĩa với ngày càng ít xe rỗng (xe không có khách) chạy trên đường.

Ngoài ra, Giám đốc Grab cũng cho rằng người tiêu dùng luôn có quyền tự do lựa chọn phương thức di chuyển, nếu giá cước dịch vụ di chuyển đặt qua ứng dụng gọi xe tăng lên 10% thì khách hàng sẽ chuyển qua sử dụng dịch vụ di chuyển khác.

Tại Việt Nam, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã chính thức mở cuộc điều tra thương vụ Grab thâu tóm Uber hồi tháng 5.

Theo quy định của Luật Cạnh tranh Việt Nam, trường hợp thị phần kết hợp của các bên chiếm từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan mà không thông báo cho cơ quan cạnh tranh trước khi thực hiện, doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế sẽ bị phạt tiền đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm. Nếu vượt quá 50% thì giao dịch có khả năng bị cấm thực hiện.

Hiện việc điều tra vẫn chưa được hoàn tất. Vì thời hạn điều tra theo quy định là 180 ngày kể từ ngày 18/5, nên nhiều khả năng ngày 18/11 cuộc điều tra mới kết thúc. Sau đó, Cục Cạnh tranh sẽ chuyển vụ việc báo cáo lên Hội đồng cạnh tranh để xử lý theo Luật Cạnh tranh.

Tin mới lên