Vụ Việt Á: 'Đã kê biên, phong tỏa, tạm giữ 1.700 tỷ đồng'

Tuệ Lâm - 01/12/2022 18:59 (GMT+7)

(VNF) - Lãnh đạo Bộ Công an cho biết đã áp dụng các biện pháp ngăn chặn, kê biên, phong tỏa tài sản và tạm giữ số tiền mà một số bị can đã tự nộp và trả lại là 1.700 tỷ đồng.

VNF
Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô.

Trả lời về tiến độ điều tra vụ án tại Công ty Việt Á tại buổi họp báo Chính phủ chiều 1/12, Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô nhấn mạnh đây là vụ án rất phức tạp, gây rất nhiều bức xúc và được dư luận hết sức quan tâm, theo dõi.

Theo ông Tô Ân Xô, nhiều bị can trong vụ án này là cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ cao cấp. Đến nay, Bộ Công an đã trực tiếp khởi tố và áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với 29 bị can, trong đó 2/3 là đảng viên.

Bộ đã áp dụng các biện pháp ngăn chặn, kê biên, phong tỏa tài sản và tạm giữ số tiền mà một số bị can đã tự nộp và trả lại là 1.700 tỷ đồng.

Cũng theo ông Xô, vì vụ việc này liên quan đến rất nhiều đảng viên nên ngày 20/10/2022, Bộ Chính trị đã có kết luận về chủ trương xử lý tổ chức Đảng về đảng viên vi phạm ở vụ Việt Á.

Theo đó, có 3 trường hợp: trường hợp thứ nhất là xử lý kỷ luật nghiêm theo quy định đối với các trường hợp vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo, chủ trì, kết luận trong phòng chống dịch ở các địa phương; có các hành động can thiệp, tác động, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trong phòng chống dịch gây hậu quả rất nghiêm trọng; có các hành động thông đồng, hợp thức hóa các hồ sơ mua sắm, đấu thầu vì mục đích trục lợi hoặc vì động cơ cá nhân gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước, nhận tiền và lợi ích vật chất khác.

Trường hợp thứ hai là xem xét và giảm nhẹ xử lý đối với các trường hợp vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong đấu thầu, ký kết hợp đồng, hợp thức hóa các hợp đồng mà gây hậu quả nghiêm trọng nhưng vi phạm này xảy ra trong những trường hợp cấp bách và chưa có những hướng dẫn kịp thời, đầy đủ của cấp trên, không có hành vi trục lợi và động cơ cá nhân khác; đã chủ động và kịp thời báo cáo, cung cấp đầy đủ tài liệu, thông tin, chứng cứ, nghiêm túc kiểm điểm và tự động khắc phục hậu quả; không có thỏa thuận về việc thông đồng nhận hoa hồng, kịp thời báo cáo và nộp lại toàn bộ số tiền và những lợi ích vật chất khác đã nhận cho cơ quan có thẩm quyền; vi phạm do phải chấp hành mệnh lệnh, do chỉ đạo của cấp trên, hoặc những người trên tuyến đầu chống dịch, có những thành tích đáng ghi nhận trong công tác phòng chống dịch.

Trường hợp thứ ba là miễn kỷ luật nhưng yêu cầu phải kiểm điểm nghiêm túc đối với những trường hợp là nghi phạm trong bối cảnh phòng chống dịch cấp bách, không trục lợi và không có mục đích trục lợi cá nhân và gây hậu quả ít nghiêm trọng; đã chủ động kịp thời báo cáo đầy đủ, trung thực, tự giác, nghiêm túc kiểm điểm và tích cực khắc phục cơ bản hậu quả mà vì sai phạm đã gây ra; là những đảng viên thực hiện chức trách nhiệm vụ cấp trên giao.

"Chủ trương này nhằm bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, đồng thời thể hiện tính nhân văn, khoan hồng, thể hiện phẩm chất tốt đẹp của chế độ", Chánh Văn phòng Bộ Công an nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bộ Công an cũng đề nghị người vi phạm nếu hiện nay chưa tiếp tục trung thực khai báo với cơ quan có trách nhiệm hoặc chưa nộp lại số tiền thì liên hệ với cơ quan công an, đồng thời khẳng định Bộ Công an vẫn tiếp tục mở rộng điều tra vụ án này.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.