Vượt bão Covid-19, lợi nhuận năm 2021 của Vinatex tăng 102%

Trần Lê - 24/12/2021 10:24 (GMT+7)

(VNF) - Năm 2021, lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) ước đạt 1.200 tỷ đồng, bằng 202% so với năm ngoái, đạt 170% kế hoạch.

VNF
Vượt bão Covid-19, lợi nhuận năm 2021 của Vinatex tăng 102% (ảnh minh họa)

Tại cuộc họp thông tin kết quả sản xuất kinh doanh và phong trào công nhân lao động năm 2021 diễn ra chiều ngày 23/12, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) công bố mức lợi nhuận trước thuế 1.200 tỷ đồng năm 2021, cao hơn năm 2019 trước đại dịch Covid-19 khoảng 70%.

Vinatex đã hoàn thành mục tiêu phục hồi như trước đại dịch, trong đó có một số chỉ tiêu cao hơn.

Theo ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Viantex, 2021 là một năm cực kỳ khó khăn đối với ngành dệt may, khi 19 tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19.

Có thời điểm hàng ngàn lao động phải ngừng việc, đây là điều chưa có tiền lệ trong lịch sử Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Công đoàn Dệt may Việt Nam cũng chưa bao giờ đối mặt với việc nhiều lao động phải ngừng việc như vậy.

Ngay sau khi nới lỏng giãn cách, doanh nghiệp trở lại hoạt động, người lao động của ngành dệt may đã trở lại làm việc với tỉ lệ rất cao. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần giúp Vinatex phục hồi sản xuất kinh doanh và đạt được các kết quả khả quan

Năm 2021, đại dịch Covid-19 đã gây ra những ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp, người lao động trong hệ thống Công đoàn Dệt may Việt Nam với 49 doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp; 12 lao động tử vong do dịch; 6.300 người mắc Covid-19; 35.023 người lao động ngừng việc từ 2 đến 2,5 tháng do thực hiện phong toả, cách ly, thu nhập giảm sút, đời sống khó khăn.

Tuy nhiên, các đơn vị thành viên của Vinatex lại đạt mức tăng trưởng “ngoạn mục” cả về doanh thu và lợi nhuận. Qua đó, đưa tổng doanh thu và thu nhập hợp nhất toàn tập đoàn đạt 16.436 tỷ đồng, bằng 110,7% cùng kỳ năm trước.

Dự kiến thưởng Tết cho người lao động, khu vực phía Bắc, dự kiến mức thưởng từ 1,5 đến 2 tháng lương. Đối với các đơn vị ở khu vực phía Nam, tối thiểu là 1 tháng lương, còn đơn vị nào phục hồi sản xuất kinh doanh sớm, có kết quả tốt, có thể thưởng từ 1,5 đến 2 tháng lương.

Một số đơn vị thuộc tập đoàn đã nhận được đơn hàng đến quý I/2022, có đơn vị đã ký kết đơn hàng đến quý II/2022.

Thị phần dệt may Việt Nam hiện đã đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Trung Quốc khi chiếm 5,1%, mặc dù tổng cầu dệt may thế giới giảm sút. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may Việt Nam năm nay ước đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019. Giữ được vị trí trong top 3 các nước xuất khẩu dệt may và được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá ở vị trí cao nhất trong cơ hội phục hồi năm 2022.

Cùng chuyên mục
Tin khác