WB: 'GDP Việt Nam 2022 đạt 7,2%; dẫn đầu tăng trưởng tại châu Á'
Kỳ Thư -
28/09/2022 11:58 (GMT+7)
(VNF) - Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 7,2% nhờ nhu cầu quốc nội phục hồi mạnh và hoạt động chế biến, chế tạo theo định hướng xuất khẩu vẫn vững chắc.
Theo Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương kỳ tháng 10/2022 của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2022, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế 7,2% - cao hơn mục tiêu mà Chính phủ đề ra.
Báo cáo của WB nhấn mạnh, tăng trưởng tại hầu hết quốc gia đang phát triển khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đã phục hồi trong năm 2022 sau khi bị đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng, trong khi đó Trung Quốc bị lỡ đà tăng trưởng do tiếp tục các biện pháp kiềm chế dịch bệnh.
Tuy nhiên, WB nhận định, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại đang dần làm giảm nhu cầu về các mặt hàng xuất khẩu và các sản phẩm chế tạo chế biến xuất khẩu của khu vực. Lạm phát tăng đồng loạt khiến cho lãi suất cũng tăng lên, qua đó làm cho dòng vốn chạy ra ngoài và đồng tiền mất giá tại một số quốc gia Đông Á và Thái Bình Dương.
Do đó, WB dự báo, tốc độ tăng trưởng của các quốc gia đang phát triển khu vực Đông Á và Thái Bình Dương ngoài Trung Quốc sẽ tăng tốc lên 5,3% trong năm 2022 so với 2,6% trong năm 2021.
Trong khi đó, Trung Quốc - trước đó là quốc gia dẫn dắt phục hồi trong khu vực, hiện đang được dự báo sẽ tăng trưởng 2,8% trong năm 2022, giảm mạnh so với 8,1% trong năm 2021. Tính chung toàn khu vực, WB dự báo tăng trưởng sẽ chững lại còn 3,2% trong năm nay, so với 7,2% trong năm 2021, trước khi tăng lên 4,6% trong năm tới.
Riêng Việt Nam, theo nhận định của WB, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế 7,2% trong năm 2022, trên cơ sở nhu cầu quốc nội phục hồi mạnh mẽ và hoạt động chế biến, chế tạo theo định hướng xuất khẩu vẫn tiếp tục phát triển vững chắc.
Cụ thể hơn, báo cáo của WB cho biết, các động lực tăng trưởng của Việt Nam dự kiến sẽ xoay quanh nhu cầu từ cả trong và ngoài nước, từ ngành chế biến chế tạo cho đến ngành dịch vụ khi xuất khẩu sang các thị trường lớn (Hoa Kỳ, khu vực đồng Euro và Trung Quốc) ở mức trung bình. Lạm phát dự kiến sẽ tăng lên 3,8% vào năm 2022 và 4% vào năm 2023 do tác động của đợt biến động giá cả hàng hóa, trước khi giảm xuống 3,3% vào năm 2024.
Tuy nhiên, nền kinh tế đang phải đối mặt với những rủi ro suy thoái ngày càng lớn liên quan đến sự suy giảm kinh tế của các đối tác thương mại chính, lạm phát cao hơn và rủi ro tài chính gia tăng. Do vậy, các chuyên gia của WB khuyến nghị, rủi ro trong khu vực tài chính gia tăng đòi hỏi phải tăng cường giám sát, báo cáo và trích lập dự phòng nợ xấu, đồng thời cải thiện các cơ chế giải quyết vấn đề mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp và khu vực ngân hàng.
Trước đó, theo báo cáo cập nhật tháng 8, WB dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng tới 7,5% trong cả năm 2022.
Cách đây 1 tuần, báo cáo cập nhật của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã giữ nguyên dự báo tăng trưởng cho Việt Nam ở mức 6,5% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023.
Theo ADB, sở dĩ Việt Nam có mức dự báo này là do tăng trưởng của đất nước được thúc đẩy nhờ thương mại tiếp tục mở rộng, sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của lĩnh vực sản xuất chế tạo, đi lại trong nước và giải ngân vốn đầu tư công.
Còn hồi đầu tháng 9, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 7% trong năm 2022, cao hơn 1% so với mức dự báo vào tháng 6/2022. Tuy nhiên, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 còn 6,7%, giảm 0,5% so với dự báo trước đó.
Ngoài ra, nhiều tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục đánh giá tích cực về tình hình kinh tế của Việt Nam. Moody's nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2 với triển vọng "ổn định"; S&P nâng xếp hạng lên BB+ với triển vọng "ổn định"; Fitch xếp hạng BB với triển vọng "tích cực". Nikkei Asia nâng hạng chỉ số phục hồi Covid-19 của Việt Nam lên thứ 2 thế giới...
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone