Xác định giá trị doanh nghiệp chưa chính xác: 'Lỗ hổng' gây thất thoát trong cổ phần hóa

Diệp Diệp - 18/05/2022 07:33 (GMT+7)

Cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước thời gian qua diễn ra rất chậm chạp và còn nhiều vướng mắc. Một trong những nguyên nhân là do việc xác định giá trị của doanh nghiệp thời gian qua còn chưa chính xác, thường thấp hơn giá trị thực tế, gây thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước.

VNF
Xác định giá trị doanh nghiệp chưa chính xác: 'Lỗ hổng' gây thất thoát trong cổ phần hóa

Nhiều “lỗ hổng” trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian qua, Bộ Tài chính nỗ lực tháo gỡ vướng mắc chính sách cho doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, việc cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn nhiều vướng mắc, chậm trễ. Kế hoạch thu từ cổ phần, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước năm 2021 được Quốc hội là hơn 40.000 tỷ đồng, nhưng hết năm 2021 chỉ đạt 3.000 tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, việc xác định giá trị doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, việc xác định giá trị của doanh nghiệp thời gian qua còn chưa chính xác, thường thấp hơn giá trị thực tế, gây thất thoát, lãng phí. Với kinh nghiệm khi còn đứng đầu ngành Kiểm toán, ông Phớc cho biết, sau khi kiểm toán 45 doanh nghiệp hậu cổ phần, kiểm toán xác định bình quân giá trị doanh nghiệp tăng 2,8 lần so với xác định giá trước cổ phần của doanh nghiệp.

"Chúng ta chưa xác định chính xác giá trị quyền sử dụng đất, có nhiều quan điểm. Nếu tiền thuê đất 1 năm thì tính giá trị doanh nghiệp, còn nhiều năm lại không xác định vào giá trị doanh nghiệp, nên gây khó khăn cho công tác xác định giá trước khi cổ phần hoá", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Bên cạnh đó, một trong những vấn đề trong xác định giá trị DN chưa chính xác và tiềm ẩn rủi ro lớn nhất là giá trị quyền sử dụng đất. Tiền thuê đất hàng nằm không tính vào gía trị DN nhưng thuê đất 1 lần tính vào gía trị DN. Vì vậy, khi đưa vào xác định giá trị của DN không sát giá thị trường.

“Có tình trạng, sau khi nộp tiền thuê đất 1 lần, DN CPH chuyển mục đích sử dụng đất như nhà ở đô thị, công trình khác. Điều này khiến việc xác định giá trị đất không chính xác, dẫn đến thất thoát. Chính điều này, giết chết nền sản xuất. Dù thuê đất hàng năm, DN tăng năng lực để cạnh tranh từ lợi thế có mặt bằng, đất đai. Nhưng chạy theo lợi nhuận, chênh lệch giá đất, DN vay vốn  hoạt động không hiệu quả, đóng cửa DN, DN chuyển mục đích sử dụng đất, người lao động ra đường, máy móc bán tháo, nền sản xuất bị thu hẹp. Quy định về CPH cần có giải pháp xử lý tình trạng này”, ông Phớc nêu rõ.

Cùng quan điểm, ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, vẫn còn tồn tại các vấn đề về hậu cổ phần hóa. Một số DN sau cổ phần hóa không tiếp tục duy trì việc làm cho lực lượng lao động đã được đào tạo hoặc chuyển đổi mô hình hoạt động để khai thác lợi thế đất đai.

“Vẫn còn trường hợp nhà đầu tư chiến lược tham gia mua cổ phần của DNNN chỉ nhằm mục đích chính là bất động sản và những khu đất vàng của DN (hơn là nhằm vào thương hiệu hoặc ngành kinh doanh chính của DN). Khi đã nắm được DN là tìm cách chuyển nhượng đất, chuyển mục đích sử dụng đất để kinh doanh kiếm lời, không tập trung vào đầu tư phát triển DN theo hoạt động sản xuất kinh doanh chính”, ông Lê Mạnh Hùng nêu thực tế.

Ngoài ra, cổ phần hóa, thoái vốn vẫn chưa đảm bảo được về “chất”. Một số DN sau khi cổ phần hóa thì tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ còn cao như: Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp Becamex... nên cũng chưa hấp dẫn các nhà đầu tư, đặc biệt trong việc thu hút nhà đầu tư chiến lược. Một số DN sau cổ phần hóa hoạt động chưa hiệu quả, chưa có nhiều thay đổi về quản trị khi tỷ lệ vốn nhà nước tại DN còn cao.

“Dù đã cổ phần hóa nhưng cổ đông nhà nước vẫn nắm quyền quyết định nên thực chất không có nhiều đổi mới, nên hoạt động kinh doanh sau cổ phần hóa ngày càng đi xuống (Tổng Công ty cổ phần lương thực Miền Nam, Tổng Công ty cổ phần xây dựng Sông Hồng…). Một số DN thực hiện thoái vốn nhưng thực hiện chưa triệt để. Công tác cổ phần hóa, thoái vốn của một số bộ, ngành, địa phương còn một số hạn chế, đặc biệt liên quan đến đất đai, dẫn đến làm thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước”, ông Lê Mạnh Hùng cho hay.

Không cổ phần hóa bằng mọi giá

Để đẩy mạnh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn DNNN, ông Lê Mạnh Hùng cho rằng, cần thay đổi nhận thức, quan điểm về chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn DNNN. Theo đó, việc cổ phần hóa, thoái vốn cần bám sát theo tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn nhà nước theo Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 02/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025.

Trong đó, tiếp tục thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn các DN kinh doanh thuần túy; chỉ giữ lại các DN theo đúng tiêu chí phân loại nêu tại Điều 3 của Quyết định này. Đối với các DN không đáp ứng tiêu chí thì kiên quyết cổ phần hóa, thoái vốn, Nhà nước không nắm giữ cổ phần, vốn góp. Kiên quyết thực hiện thoái vốn ở những DN mà tỷ lệ vốn nhà nước đang nắm ở mức thấp (dưới 36% ở các DNNN nhỏ) do tỷ lệ này không có nhiều ý nghĩa trong quản trị DN.

“Không cổ phần hóa, thoái vốn bằng mọi giá mà cần theo nguyên tắc và tín hiệu thị trường, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, hiệu quả và thu hồi tối đa vốn Nhà nước”, ông Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Liên quan tới một số giải pháp thúc đẩy CPH, đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, thời gian tới, cần tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp gắn với giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm soát quyền lực, cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch trong cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; rà soát, nghiên cứu quy định việc không tính giá trị đất vào giá trị doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết, sắp tới sẽ lựa chọn 5 thành phố trực thuộc trung ương để phê duyêt phương án sắp xếp đất đai trên địa bàn và chọn một vài DN thí điểm niêm yết giao dịch trên thị trường chứng khoán của khu vực và thế giới, đảm bảo tính minh bạch, cạnh tranh.

Theo VOV
Cùng chuyên mục
Tin khác