Nghịch lý hậu cổ phần hóa ngân hàng quốc doanh

Minh Tâm - 02/05/2022 08:31 (GMT+7)

(VNF) - Cơ quan quản lý vừa muốn giữ tỷ lệ sở hữu cao tại các ngân hàng quốc doanh hậu cổ phần hóa để thực hiện các “nhiệm vụ chính trị”, điều tiết thị trường khi cần nhưng ngân sách nhà nước lại không rót thêm vốn khi ngân hàng cần.

VNF
Các ngân hàng quốc doanh đang “khát” vốn dù đã tích cực bán cổ phần

Nghịch lý hậu cổ phần hóa

Trong số 4 ngân hàng thương mại quốc doanh, 3 ngân hàng đã hoàn tất cổ phần hóa cách đây cả thập kỷ, đó là Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) vào năm 2008, Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) vào năm 2009 và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vào năm 2012.

Sau cổ phần hóa, lợi nhuận của các ngân hàng mặc dù chứng kiến những giai đoạn chững lại khác nhau (như giai đoạn 2009 – 2014 đối với Vietcombank, giai đoạn 2011 – 2017 đối với VietinBank) do phải dành nguồn lực xử lý nợ xấu phát sinh trong thời kỳ khủng hoảng hệ thống trước đó, nhưng nhìn chung xu hướng là đi lên. Như với Vietcombank, lợi nhuận trước thuế năm 2021 gấp 16,5 lần năm 2008; trong khi đó, lợi nhuận năm 2021 của VietinBank gấp 10,5 lần năm 2009; lợi nhuận năm 2021 của BIDV gấp 4 lần năm 2012.

Để đạt được kết quả kinh doanh trên, các ngân hàng quốc doanh hậu cổ phần hóa phải đẩy mạnh tăng vốn nhằm bồi đắp nguồn lực phát triển.

Tại Vietcombank, ngày 30/6/2009, cổ phiếu VCB của ngân hàng này chính thức lên sàn HoSE. Đúng 3 tháng sau đó, Vietcombank ký kết hợp đồng cổ đông chiến lược với Mizuho Bank thuộc Tập đoàn Tài chính Mizuho - tập đoàn tài chính lớn thứ ba tại Nhật Bản ở thời điểm đó. Mizuho sở hữu 15% vốn điều lệ Vietcombank, đổi lại, ngân hàng Việt nhận về 11.800 tỷ đồng (tương đương 567 triệu USD). Đây là thương vụ M&A lớn nhất khu vực trong năm 2009.

Gần 10 năm sau, Vietcombank phát hành riêng lẻ thành công hơn 111 triệu cổ phiếu mới cho hai nhà đầu tư là Quỹ đầu tư quốc gia của Singapore (GIC) và Mizuho Bank, thu về khoảng 6.200 tỷ đồng (tương đương gần 270 triệu USD). Trong đó, GIC đã mua 94,4 triệu cổ phần, tương đương với việc sở hữu 2,55% vốn điều lệ Vietcombank, còn Mizuho mua thêm 16,7 triệu cổ phần mới để duy trì mức sở hữu 15% vốn điều lệ.

Sau khi IPO cùng các đợt tăng vốn, tỷ lệ sở hữu nhà nước hiện nay của Vietcombank ở mức 74,8%, cao hơn 9,8% so với ngưỡng tối thiểu 65% theo quy định hiện hành.

Với VietinBank, năm 2011, ngân hàng này bán 10% vốn điều lệ cho IFC, thu về 3.700 tỷ đồng (tương đương 190 triệu USD). Sang năm 2012, VietinBank tiếp tục bán 20% vốn điều lệ cho Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ, thành viên của Tập đoàn Tài chính Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG) tại Nhật Bản, thu về 15.465 tỷ đồng (tương đương 743 triệu USD).

Sau các đợt tăng vốn mạnh mẽ, đến nay, tỷ lệ sở hữu nhà nước tại VietinBank đã xuống mức tối thiểu theo quy định hiện hành.

Đối với BIDV, mặc dù chính thức trở thành ngân hàng cổ phần từ năm 2012 nhưng phải tới tận cuối năm 2019, ngân hàng này mới “chốt” được cổ đông chiến lược là KEB Hana Bank, đơn vị thành viên của Tập đoàn Tài chính Hana (Hana Financial Group) tại Hàn Quốc. Thương vụ M&A này đem về cho BIDV tới gần 20.300 tỷ đồng, lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng tính tới thời điểm đó.

Hiện BIDV vẫn còn tới 15% vốn điều lệ có thể bán khi tỷ lệ sở hữu nhà nước ở mức khá cao, trên 80%.

Mặc dù các ngân hàng quốc doanh trên đều đã tìm được cổ đông chiến lược nước ngoài hậu cổ phần hóa, đồng thời cũng thu về lượng tiền lớn từ các cổ đông này nhưng đặt trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong ngành ngân hàng, như vậy vẫn là chưa đủ.

Theo số liệu mới nhất từ Vietcombank, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) riêng lẻ của ngân hàng này cuối năm 2021 là 9,4%, cách không xa ngưỡng tối thiểu 8% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. CAR riêng lẻ của BIDV còn thấp hơn khi tính đến cuối năm 2021 chỉ ở mức 8,6%; cùng thời điểm, con số này ở VietinBank chỉ là 8,98%.

Trong khi đó, các đối thủ ngoài quốc doanh sở hữu nguồn lực rất dồi dào, như MB có CAR khoảng 11% cuối năm 2021, trong khi Techcombank ở mức khoảng 15% còn VPBank có thể lên đến 20% nếu thương vụ phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược nước ngoài diễn ra thành công trong năm 2022 theo như kế hoạch.

Không chỉ có lợi thế lớn về nguồn vốn, lợi nhuận của các ngân hàng ngoài quốc doanh cũng đã nhanh chóng đuổi kịp các ngân hàng quốc doanh. Với chênh lệch CAR như hiện tại, các ngân hàng ngoài quốc doanh tiếp tục có lợi thế lớn trong cuộc đua tăng trưởng, nhất là tăng trưởng tín dụng và do đó, lợi nhuận có thể tiếp tục tăng nhanh, thậm chí có thể bỏ xa các ngân hàng quốc doanh – nếu như các ngân hàng này không tìm được giải pháp tăng vốn.

Hiện nay, có một nghịch lý đối với các ngân hàng quốc doanh hậu cổ phần hóa, đó là nhà nước vừa muốn giữ tỷ lệ sở hữu cao (từ 65% trở lên) để thực hiện các “nhiệm vụ chính trị”, điều tiết thị trường khi cần (chẳng hạn như tiên phong hỗ trợ khách hàng trong mùa dịch vừa qua, tăng cường cho vay sản xuất kinh doanh trong các ngành được ưu tiên với lãi suất thấp…), nhưng ngân sách lại không rót thêm vốn vào khi ngân hàng cần, thậm chí những năm trước đây còn phải chia cổ tức bằng tiền mặt để tăng thu ngân sách và mới chỉ được phép giữ lại lợi nhuận trong thời gian gần đây.

Trong bối cảnh đó, các ngân hàng như BIDV hay Vietcombank hết sức “rón rén” khi bán vốn bởi dư địa không còn nhiều, buộc phải bán “được giá”, đặc biệt là khi nhìn sang “người anh em” VietinBank.

VietinBank vài năm gần đây bị “trói chân trói tay” khi tỷ lệ sở hữu nhà nước đã ở mức tối thiểu và do đó, không có lựa chọn tăng vốn, dù là phát hành riêng lẻ (sẽ khiến tỷ lệ sở hữu nhà nước giảm) hay phát hành cho cổ đông hiện hữu (do ngân sách không rót thêm tiền). Các phương án tăng vốn điều lệ dựa trên chia cổ tức bằng cổ phiếu thực chất không tác động nhiều đến CAR mà chủ yếu nhằm chuyển lợi nhuận thành vốn điều lệ để tránh việc phải chia cổ tức tiền mặt sau này. CAR thấp thì tăng trưởng tín dụng cũng thấp.

Xét trong 3 năm gần đây thì năm 2019, tăng trưởng dư nợ cho vay của VietinBank chỉ vỏn vẹn 8,1%, sang năm 2020 vẫn ở mức thấp là 8,6% và ở mức 11,4% trong năm 2021, đều thấp hơn bình quân ngành dao động trong khoảng 12% - 14%. Trong khi đó, các ngân hàng ngoài quốc doanh hàng đầu thường tăng trưởng xung quanh mức 20%.

Lối thoát nào cho các ngân hàng quốc doanh?

Gần đây, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025.

Một trong những nội dung đáng chú ý trong chương trình hành động này là “xây dựng cơ chế tách bạch nhiệm vụ phát triển kinh tế, nhiệm vụ chính trị và an sinh xã hội của một số doanh nghiệp nhà nước”. Điều này được kỳ vọng sẽ mở lối cho các ngân hàng quốc doanh giải quyết bài toán tăng vốn hay ít nhất cũng giảm áp lực thực hiện các “nhiệm vụ chính trị”, từ đó gia tăng lợi nhuận kéo theo nguồn vốn cũng gia tăng.

Trong số các phương án, việc giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tối thiểu tại Vietcombank, VietinBank và BIDV từ 65% xuống 51% được đánh giá cao bởi theo Quyết định 986/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 8/8/2018 về việc phê duyệt chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 thì nhà nước chỉ cần đảm bảo tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng thương mại quốc doanh ở mức 51% (ngoại trừ Agribank). Tuy nhiên cho đến nay, chiến lược này vẫn chưa được hiện thực hóa.

Ngoài ra, một phương án khác là nới giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài (hiện ở mức 30%) đang được không chỉ các ngân hàng quốc doanh mà cả các ngân hàng ngoài quốc doanh ủng hộ. Phương án này có thể giúp các thương vụ tăng vốn thu được nhiều tiền hơn nhờ sự “chịu chơi” của nhà đầu tư nước ngoài, tuy nhiên, không giải quyết được vấn đề cạn dư địa bán vốn như trường hợp của VietinBank.

Trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 diễn ra gần đây, Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú cho biết ngay cả khi thương vụ bán 9% vốn điều lệ sắp tới thành công thì CAR của BIDV cũng chỉ tăng lên mức trên 9%. "Đây vẫn là con số thấp. Mục tiêu đến năm 2027, CAR của BIDV phải ở mức trên 12%", ông Tú nói.

Con số trên 12% không dễ đạt được nếu không có sự thay đổi trong chính sách liên quan đến tỷ lệ sở hữu Nhà nước cũng như nước ngoài tại các ngân hàng quốc doanh, trong bối cảnh dư nợ tín dụng liên tục tăng khiến CAR thường có xu hướng suy giảm.

Cùng chuyên mục
Tin khác