'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Ngân hàng 'vật vã' thu hồi nợ
Để cố gắng thu hồi nợ, nhiều ngân hàng miệt mài rao bán các tài sản bảo đảm. Trong đó, không ít khoản nợ được các ngân hàng rao bán nhiều lần, đại hạ giá nhưng vẫn chưa tìm được người mua.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) - Chi nhánh quận 7, TP.HCM thông báo bán đấu giá các khoản nợ của Công ty TNHH XNK TM Võ Thị Thu Hà có tổng giá trị các khoản nợ tạm tính đến hết ngày 31/12/2022 là 1.422 tỷ đồng (nợ gốc 567 tỷ đồng). Khoản nợ này có các tài sản đảm bảo gồm: 5 lô đất tại Bình Phước; 4 lô đất tại Bình Dương; 4 kho, công trình xây dựng, máy móc thiết bị tại tỉnh Đồng Tháp. Sau nhiều lần thanh lý không thành công, đến nay, các tài sản thế chấp đã được ngân hàng hạ giá xuống chỉ còn 148 tỷ đồng nhưng vẫn chưa tìm được người mua.
Ngân hàng Agribank cũng mới thông báo đấu giá hai tài sản gồm: quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, diện tích 784,7 m2, tại 258 Kinh Dương Vương, KP4, phường An Lạc A, quận Bình Tân, TP.HCM; quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, diện tích 149,1m2, tại 256A Kinh Dương Vương, KP4, phường An Lạc A, quận Bình Tân, TP.HCM. Mức giá khởi điểm cho hai tài sản trên là 63,235 tỷ đồng, giảm hơn 60% so với mức giá khởi điểm 163 tỷ đồng của lần rao bán đầu tiên hồi giữa năm 2021. Trước đó, Agribank đã 4 lần rao bán tài sản này. Điều đáng nói, chủ cũ của 2 tài sản này là ông Dương Thanh Cường, Công ty TNHH Cửu Long Phát, đang trong quá trình thụ án tù.
Một khoản nợ khó bán khác là khoản nợ 447 tỷ đồng của CTCP Thép Việt Nhật (trong đó dư nợ gốc là 194 tỷ đồng) tại BIDV. Trải qua 14 lần rao bán, ngân hàng này đã giảm giá khởi điểm xuống còn 133 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo cho khoản vay này là 1 quyền sử dụng đất tại Hải Phòng cùng một vài xe ô tô, xe đầu kéo được sản xuất từ trước năm 2000.
Khoản nợ trị giá 253 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 97 tỷ đồng của Công ty TNHH Xây dựng Kinh doanh Nhà Bách Giang được BIDV rao bán đến lần thứ 13 nhưng vẫn chưa có người mua. Mức giá khởi điểm cho lần rao bán gần nhất là 235 tỷ đồng.
Tháng 11/2022, BIDV thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty CP Vertical Synergy Viet Nam. Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Quận 1, Quận 12 và Quận 3 (TP.HCM). Giá khởi điểm là 348,3 tỷ đồng, giảm hơn 120 tỷ đồng so với lần rao bán hồi đầu tháng 7.
Khoản nợ của Công ty TNHH Ngọc Linh với tài sản bảo đảm là Nhà máy Điện phân chì kẽm Bắc Kạn, quyền sử dụng và khai thác các mỏ nguyên liệu... khiến BIDV chật vật. Giá khởi điểm ở lần đấu giá mới nhất là hơn 1.154 tỷ đồng. Sau 11 lần thông báo, BIDV đã giảm giá đấu giá hơn 1.000 tỷ đồng cho khoản nợ trên.
BIDV cũng "vật vã" với khoản nợ hơn 475 tỷ đồng của Công ty TNHH Thép Việt Nga được đảm bảo bằng nhiều tài sản là bất động sản và nhà xưởng thuộc sở hữu của công ty và các cá nhân có liên quan. Trong lần rao bán thứ 10, giá khởi điểm mà BIDV đưa ra chỉ là 269 tỷ đồng, tương đương số nợ gốc ngân hàng đã cho Thép Việt Nga vay.
Vietcombank cũng nhiều lần rao bán đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty TNHH Kỹ Nghệ Evergreen Việt Nam. Giá khởi điểm trong lần rao bán gồi cuối năm 2022 chỉ còn gần 926 tỷ đồng, giảm hơn 172 tỷ đồng so với thông báo hồi đầu tháng 11/2021.
Tại Agribank, khoản nợ 348 tỷ đồng (nợ gốc 96 tỷ đồng) từ các hợp đồng tín dụng hình thành trong giai đoạn 2002-2006 giữa Agribank Cần Thơ và Nông trường Sông Hậu của bà Trần Ngọc Sương đến nay vẫn khiến cho ngân hàng phải vất vả trong việc tìm người mua. Trong lần rao bán gần nhất, khoản nợ này được giảm xuống còn 98 tỷ đồng.
Agribank vừa có thông báo bán đấu giá cùng lúc 5 tài sản đảm bảo cho khoản vay của Công ty cổ phần Nông dược HAI tại Agribank Chi nhánh Phú Nhuận.Mức giá khởi điểm trọn gói cho 5 tài sản trên là 42,036 tỷ đồng. Con số này giảm tới gần 18 tỷ đồng so với hồi tháng 10/2022, khi Agribank rao bán các tài sản nói trên.
Trước đó, vào cuối tháng 6/2022, Agribank thông báo bán đấu giá lần thứ 28 khoản nợ hơn 708 tỷ đồng của Doanh nghiệp tư nhân Thanh Tùng. Ở lần đấu giá này, Agribank chỉ đưa ra giá khởi điểm là 352 tỷ đồng, bằng chính nợ gốc mà doanh nghiệp này phải trả.
Điều đáng nói, một số tài sản được ngân hàng rao bán dù giá trị rất lớn nhưng là nhà không có sổ đỏ hay tài sản không còn tài sản đảm bảo.
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Nam Thăng Long (VietinBank Nam Thăng Long) xúc tiến thủ tục để bán căn hộ chung cư M3-SK04 Vinhomes Metropolis có chi tiết dát vàng, trị giá khoảng 60 tỷ đồng. "Biệt thự trên không" này được phía ngân hàng ấn định mức giá khởi điểm lên tới 59,353 tỷ đồng. Tuy nhiên, VietinBank cho hay căn hộ chung cư cao cấp này chưa được cấp sổ đỏ do Công ty TNHH Trường Minh chưa thanh toán khoản tiền 5% đợt cuối, tiền lãi phát sinh cùng các loại thuế, phí theo văn bản của CTCP Tư vấn đầu tư và Đầu tư Việt Nam.
VietinBank vừa thông báo đấu giá toàn bộ khoản nợ của Công ty TNHH Việt Thuận Thành. Toàn bộ nợ gốc, nợ lãi, lãi phạt của Công ty TNHH Việt Thuận Thành tạm tính theo sổ sách đến 31/12/2022 là hơn 1.297 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc gần 442 tỷ đồng. Đáng chú ý, khoản nợ này không còn tài sản đảm bảo do đã xử lý bán đấu giá năm 2018.
Không chỉ bất động sản mà tài sản đảm bảo là siêu xe hay tàu thuyền cũng khiến ngân hàng khó bán. Điển hình là trường hợp chiếc Roll-Royce Ghost của ông Trịnh Văn Quyết được BIDV Quy Nhơn rao bán lần thứ 6 vẫn ế. Hay du thuyền FLC Albatross, là tài sản của Công ty CP Tập đoàn FLC, được BIDV Quy Nhơn rao bán lần thứ 3 vẫn chưa tìm được người mua.
Khó bán tài sản đảm bảo
Các chuyên gia cho rằng, sở dĩ việc đấu giá các khoản nợ hoặc các tài sản đảm bảo gặp nhiều khó khăn là do ban đầu ngân hàng thẩm định giá trị tài sản quá cao. Giá khởi điểm thường được các ngân hàng đưa ra cao hơn khoản nợ gốc.
Dù được hạ giá sâu nhưng không nhiều người mặn mà với bất động sản phát mại, thanh lý. Nguyên nhân chính là bất động sản đang rơi vào giai đoạn khó khăn và thanh khoản rất yếu, nhất là các tài sản giá trị lớn.
Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư cũng "ngại" mua các tài sản thanh lý vì… yếu tố pháp lý. Nhiều tài sản thế chấp là bất động sản cần sự đồng thuận của chủ tài sản. Giá khởi điểm phải được đồng ý của cả ngân hàng lẫn khách hàng nên mất nhiều thời gian cho thủ tục đấu giá tài sản bảo đảm.
Thêm nữa, nhiều mảnh đất là tài sản đảm bảo của các khoản nợ đôi khi có lịch sử phức tạp, liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân nên để sang tên sở hữu mất nhiều thời gian, thậm chí không thực hiện được.
Nhiều khoản nợ có quy mô lớn, tới hàng nghìn tỷ đồng. Do đó, những khoản nợ này khá kén khách vì đòi hỏi người mua phải có tiềm lực tài chính mạnh.
Bên cạnh đó, có những tài sản đảm bảo là siêu xe từng thuộc sở hữu của chủ xe đang vướng vòng lao lý, tâm lý của mọi người là sợ đen đủi nên không sẵn sàng bỏ tiền ra mua.
Trong những tháng cuối năm 2022, nợ xấu ngành ngân hàng có dấu hiệu gia tăng và tình trạng này có khả năng sẽ kéo dài.
Số liệu từ báo cáo tài chính quý IV/2022 cho thấy, dư nợ xấu tính đến 31/12/2022 của 27 ngân hàng có cổ phiếu niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán tăng 35% so với đầu năm 2022, lên trên 136.400 tỷ đồng. Số ngân hàng có nợ xấu tăng chiếm xấp xỉ 89% trong nhóm được thống kê.
Năm 2022, tình trạng khó khăn của thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp đã tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng tài sản của ngành ngân hàng. Đồng thời, việc kết thúc thời hạn thực hiện Thông tư 14/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu lại khoản nợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 cũng khiến nợ xấu ngân hàng đi lên.
Vấn đề nợ xấu của ngành ngân hàng đặt ra nhiều lo ngại hơn khi nhóm nợ khó thu hồi đều có xu hướng tăng cao. Các ngân hàng đang “nóng lòng” muốn xử lý dứt điểm những khoản nợ xấu khó đòi bằng cách rao bán tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, nhiều tài sản được rao bán nhiều lần, chấp nhận hạ giá nhưng vẫn khá ế ẩm.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.