Yeah1 kiếm vài trăm tỷ mỗi năm từ Youtube bằng cách nào?

Phương Đông - 06/03/2019 14:26 (GMT+7)

Tỷ lệ ăn chia của Youtube và Yeah1 là 45-55, sau đó doanh nghiệp này chia lại cho chủ sở hữu kênh 70-95% doanh thu nhận được.

VNF
Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 cho thấy Youtube mang về cho Yeah1 đến 462 tỷ đồng.

Đầu tháng 3, Youtube thông báo chấm dứt thoả thuận lưu trữ nội dung với Spring Me Pte. Ltd. – một doanh nghiệp có trụ sở tại Thái Lan do Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 (mã chứng khoán: YEG) sở hữu tiếp 16,93% cổ phần, vì có hoạt động tuyển chọn kênh chưa phù hợp với quy trình của Youtube. Hai đơn vị liên quan đến công ty này là Yeah1 Network và ScaleLab cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Trao đổi với VnExpress, đại diện truyền thông của Yeah1 cho biết tạm thời chưa ước tính được thiệt hại từ sự cố vận hành Youtube.

Tuy nhiên, dựa vào kế hoạch kinh doanh trong vòng bốn năm tới và giả định trường hợp xấu nhất là đàm phán tiếp tục hợp tác với Youtube thất bại, công ty có thể mất khoảng 3.500 tỷ đồng. Con số này chưa bao gồm những tác động lên giá cổ phiếu nếu đóng cửa mảng kinh doanh chủ lực.

Yeah1 bắt đầu cung cấp dịch vụ giải trí kết hợp quảng cáo thông qua việc trở thành đối tác đa kênh (Multi Channel Network – MCN) của Youtube từ năm 2015 với tên gọi Yeah1 Network. Vai trò của công ty, có thể hiểu đơn giản, là trung gian kết nối người sáng tạo nội dung video và Youtube.

Thực tế chủ sở hữu các kênh có thể làm việc trực tiếp với Youtube để kiếm tiền, nhưng xu hướng hiện nay là hợp tác với các MCN để hưởng nhiều quyền lợi hơn như được bảo vệ bản quyền, hỗ trợ đóng thuế thu nhập cá nhân, tận dụng nội dung có bản quyền để phát triển sản phẩm mới, tối ưu hoá không gian quảng cáo...

Được "quy hoạch" để trở thành động lực tăng trưởng chính, nhưng mảng kỹ thuật số của Yeah1 lại phụ thuộc nhiều vào Youtube. Trong bản cáo bạch niêm yết giữa năm ngoái, Yeah1 cho biết thoả thuận khai thác nội dung trên nền tảng này là vô thời hạn và công ty phải tuân theo chính sách chia sẻ doanh thu của Youtube.

Cụ thể, các nhãn hàng sẽ trực tiếp trả tiền cho Youtube để phân phối quảng cáo đến người xem. Tỷ lệ ăn chia của Youtube và Yeah1 Network là 45-55. Công ty giữ từ 5% đến 30% phần doanh thu nhận được, còn lại thanh toán cho chủ sở hữu các kênh.

Bên cạnh đó, Yeah1 Network còn có thêm nguồn thu khác và không phải chia sẻ với Youtube là tiếp thị bán hàng thông qua việc để các thương hiệu xuất hiện trực tiếp trong nội dung video. Gói dịch vụ này bao gồm lập kế hoạch chi tiết, xác định đối tượng mục tiêu, tạo sản phẩm tiếp thị, thiết kế nội dung và thực thi.

Trong năm đầu tiên trở thành đối tác đa kênh, Yeah1 Network ghi nhận hơn 2,4 tỷ lượt xem và doanh thu 19 triệu USD. Các chỉ số này tăng phi mã chỉ sau một năm khi lượt xem đạt gần 20 tỷ và doanh thu 25 triệu USD, tương đương 225 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 cho thấy Youtube mang về cho Yeah1 đến 462 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 28% trong cơ cấu doanh thu phân theo mảng kinh doanh. Lợi nhuận sau thuế từ hoạt động MCN đạt 92 tỷ đồng, chiếm hơn phân nửa tổng lợi nhuận. Theo lý giải của ban lãnh đạo công ty, tăng trưởng doanh thu gấp đôi cùng kỳ chủ yếu đến từ việc gia tăng số lượng kênh, lượt xem từ các quốc gia có CPM cao (giá trên mỗi 1.000 lượt hiển thị) và mua bản quyền các nội dung cao cấp để sản xuất.

Hiện lượt xem từ thị trường Việt Nam chiếm gần 73% tổng lượt xem nhưng chỉ đóng góp khoảng 18% doanh thu cho mảng này. Phần còn lại đến từ 150 quốc gia khác, trong số đó dẫn đầu là Mỹ, Đức, Canada... Điều này khiến công ty đặt mục tiêu mở rộng mảng kỹ thuật số sang những thị trường tiềm năng như Mỹ, Đông Nam Á, qua đó cải thiện doanh thu năm nay từ Youtube lên 663 tỷ đồng.

Yeah1 ngay sau đó hiện thực hoá kế hoạch này bằng việc chi 20 triệu USD mua lại ScaleLab, một công ty tại Mỹ chuyên về tối ưu hóa nội dung và tối đa hóa người xem trên YouTube. Trong thương vụ này, phía đối tác Mỹ nhận ngay 12 triệu USD tiền mặt và sẽ nhận thêm tối đa 8 triệu USD nếu đạt chỉ tiêu kinh doanh đề ra sau hai năm.

Công ty dự kiến sẽ tối ưu chi phí tại ScaleLab bằng việc mang các đầu việc quản lý và sáng tạo nội dung về những quốc gia có chi phí thấp như Việt Nam, từ đó ghi nhận lợi nhuận ngay trong năm nay. Ngoài ra, việc hợp nhất ScaleLab còn giúp Yeah1 trở thành một trong ba MCN lớn nhất toàn cầu với hơn 3.000 kênh và 6,9 tỷ lượt xem mỗi tháng.

Tiếp theo, Yeah1 tiếp tục mua tài sản của tập đoàn truyền thông đa phương tiện Thoughtful Media tại Mỹ và Thoughtful Thailand Limited tại Thái Lan. Đây là MCN quản lý hơn 580 kênh tại Thái Lan, có thể mang về cho công ty 2-3 triệu USD doanh thu trong năm đầu và tăng lên 6-7 triệu USD trong hai năm tiếp theo.

Sau sự cố vận hành Youtube, ban lãnh đạo Yeah1 cho biết sẽ thúc đẩy các mảng khác để bù đắp thiếu hụt và đảm bảo chiến lược phát triển chung. Kế hoạch chi tiết chưa được tiết lộ nên lộ trình tăng trưởng 24-25% doanh thu từ Youtube trong hai năm tới và 14-15% vào hai năm tiếp theo, lên 1.100 tỷ đồng vào năm 2022 vẫn còn là dấu hỏi lớn về tính khả thi.

Theo VNE
Cùng chuyên mục
Tin khác