Yêu cầu công khai 13 cơ quan không báo cáo kết quả giám sát tài chính

Anh Hùng - 24/03/2017 09:57 (GMT+7)

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Văn phòng Chính phủ công khai các cơ quan đại diện chủ sở hữu không thực hiện báo cáo kết quả giám sát tài chính.

13 cơ quan đại diện chủ sở hữu không thực hiện báo cáo gồm: Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Y tế; Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam; tỉnh An Giang; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; tỉnh Bắc Giang; tỉnh Cao Bằng; thành phố Cần Thơ; tỉnh Đắk Lắk; tỉnh Kon Tum; tỉnh Phú Yên; tỉnh Quảng Trị; tỉnh Sơn La. 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Văn phòng Chính phủ công khai các cơ quan đại diện chủ sở hữu không thực hiện báo cáo kết quả giám sát tài chính theo quy định trên Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ. 

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý theo quy định của pháp luật đối với người có trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu không gửi báo cáo về Bộ Tài chính theo quy định tại Điểm e Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 6/10/2015 của Chính phủ về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Trước đó, như VietnamFinance đã đề cập, Bộ Tài chính đã có báo cáo về danh sách 13 cơ quan không thực hiện báo cáo kết quả giám sát tài chính DNNN 6 tháng đầu năm 2016.

Về xử lý trách nhiệm đối với vấn đề này, theo Bộ Tài chính, khoản 3 Điều 47 Nghị định 87/2015 về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước nêu rõ: Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định các hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, miễn nhiệm và cách chức theo quy định của Luật Công chức, Luật Viên chức đối với cá nhân, tổ chức liên quan thực hiện nhiệm vụ cơ quan đại diện chủ sở hữu nếu vi phạm một trong các trường hợp sau:

Thứ nhất là không thực hiện giao các chỉ tiêu xếp loại bằng văn bản đúng thời hạn theo quy định của Nghị định này.

Thứ hai là Không thực hiện đầy đủ các nội dung giám sát tài chính doanh nghiệp do mình quyết định thành lập hoặc được giao quản lý.

Thứ ba là không kịp thời đưa ra các biện pháp chấn chỉnh và xử lý sai phạm về quản lý tài chính của doanh nghiệp hoặc không báo cáo cơ quan cấp trên và cơ quan quản lý về tài chính doanh nghiệp đối với các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về tài chính doanh nghiệp.

Thứ tư là không nộp báo cáo giám sát tài chính doanh nghiệp cho cơ quan tài chính theo thời gian hoặc nội dung quy định.

Thứ năm là không tổ chức thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các kiến nghị của cơ quan tài chính, cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về việc xử lý các sai phạm và biện pháp tăng cường giám sát tài chính doanh nghiệp.

Thứ sáu là báo cáo không trung thực kết quả giám sát tài chính doanh nghiệp do mình quyết định thành lập hoặc được giao quản lý.

Cùng chuyên mục
Tin khác