Tài chính quốc tế

Công thức né đòn của EU: Trung Quốc biến châu Âu thành cứ điểm sản xuất xe điện

(VNF) - Các nhà sản xuất xe điện (EV) Trung Quốc đang đẩy mạnh kế hoạch xây dựng nhà máy lắp ráp ở châu Âu nhằm trốn tránh các mức thuế tiềm tàng do Liên minh châu Âu áp đặt, theo Asia Times.

Làn sóng xây nhà máy tại châu Âu

Cuối tuần trước, Chủ tịch hãng xe điện Chery Automobile Yin Tongyue cho biết công ty của ông sẽ sớm mua một nhà máy cũ của Nissan ở Barcelona, ​​​​Tây Ban Nha và biến nó thành địa điểm sản xuất đầu tiên ở châu Âu. Ông cho biết việc mở lại cơ sở đã ngừng hoạt động vào năm 2021 có thể tạo ra 1.600 việc làm tại đây.

Một chiếc xe điện của hãng Rely, thương hiệu con của Chery Automobile. 

Cũng theo ông Tongyue, Chery đang thảo luận về quan hệ đối tác với hai thương hiệu châu Âu và một trong những thỏa thuận sẽ sớm đi đến thống nhất. Truyền thông Trung Quốc trước đó cho biết Chery đang thảo luận với Stellantis, tập đoàn ô tô Ý sở hữu Fiat, Chrysler và Peugeot.

Bộ Công nghiệp Tây Ban Nha mới đây cho biết thỏa thuận để Chery bắt đầu sản xuất tại nước này sẽ được chính thức hóa trong những ngày tới.

Chery vẫn đang đàm phán với chính phủ Ý về việc xây dựng một nhà máy ở đó nhưng vẫn chưa có thông tin cập nhật nào.

Trong quý I năm nay, số lượng xe xuất khẩu của công ty đã tăng 40,9% so với cùng kỳ lên 253.418 chiếc. Công ty hiện đang tập trung vào các thị trường ở Nam Mỹ, Trung Đông và Nga và sẽ khám phá các thị trường ở Tây Ban Nha, Ý, Ba Lan và Vương quốc Anh vào cuối năm nay.

Các nhà sản xuất xe điện quan trọng khác của Trung Quốc cũng có kế hoạch sản xuất ở châu Âu. Tháng 12 năm ngoái, BYD có trụ sở tại Thâm Quyến cho biết họ sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất xe du lịch ở Szeged, Hungary.

Theo BYD, cơ sở này sẽ là cơ sở đầu tiên thuộc loại này được xây dựng bởi một công ty ô tô Trung Quốc ở châu Âu và sẽ có dây chuyền sản xuất ô tô tiên tiến.

Hồi năn ngoái, Great Wall Motor cũng cho biết rằng họ đang cân nhắc xem có nên đặt nhà máy đầu tiên ở châu Âu ở Đức, Hungary hay Cộng hòa Séc hay không.

Trong khi đó, Phòng Thương mại Xuất nhập khẩu Máy móc và Sản phẩm Điện tử Trung Quốc (CCCME), một tập đoàn công nghiệp có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết cuộc điều tra kéo dài 13 tháng do Liên minh Châu Âu tiến hành vào tháng 9 năm ngoái đối với các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc là không minh bạch và vi phạm các quy tắc thương mại toàn cầu.

Trong phiên điều trần với Ủy ban châu Âu tại Brussels vào ngày 11/4, Phó Chủ tịch CCCME Shi Yonghong cho biết ông lo ngại rằng kết quả điều tra của EU về nhập khẩu xe điện từ Trung Quốc sẽ bị bóp méo và không khách quan.

Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) thì khẳng đỉnh ủy ban này sẽ đảm bảo cuộc điều tra chống trợ cấp này diễn ra kỹ lưỡng, công bằng và sát thực tế.

Tác động của thuế quan

Trả lời phỏng vấn CNN cuối tuần qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, người vừa kết thúc chuyến đi Trung Quốc 6 ngày, khẳng định Mỹ sẽ không loại bỏ “bất cứ điều gì”, bao gồm cả khả năng áp dụng thuế quan bổ sung để ngăn chặn Hàng Trung Quốc giá rẻ tràn vào thị trường Mỹ.

Phương Tây đe dọa áp dụng thuế quan bổ sung để ngăn chặn Hàng Trung Quốc giá rẻ tràn vào thị trường.

Bà cho biết bà đã nói với các quan chức Trung Quốc rằng vấn đề dư thừa công suất của Trung Quốc là mối lo ngại không chỉ đối với Mỹ mà còn đối với các quốc gia và khu vực khác, như Châu Âu và Nhật Bản, và thậm chí cả các thị trường mới nổi bao gồm Ấn Độ, Mexico và Brazil.

Khi chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt mức thuế bổ sung 25% đối với hàng hóa Trung Quốc ngoài mức thuế 2,5% thông thường vào năm 2019, các công ty xe điện và pin Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển thị trường Mỹ.

Sau đó, họ chuyển sang xây dựng nhà máy ở Mexico, quốc gia đã ký hiệp định thương mại tự do với Mỹ và Canada vào năm 2018, nhằm trốn tránh mức thuế bổ sung 25%.

Tuy nhiên, ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump hồi tháng trước cho biết ông sẽ áp thuế 100% đối với ô tô Trung Quốc sản xuất tại Mexico nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới đây.

Hiện các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang đẩy nhanh kế hoạch nội địa hóa năng lực sản xuất của họ ở châu Âu, trong trường hợp EU áp dụng thêm thuế đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc vào cuối năm nay.

Theo Tổ chức Vận tải & Môi trường (T&E), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Brussels, khoảng 1/5 số xe điện bán ra ở châu Âu năm ngoái được sản xuất tại Trung Quốc. Con số này dự kiến ​​sẽ tăng lên khoảng 25% vào năm 2024.

Các thương hiệu Trung Quốc, bao gồm MG của SAIC, Polestar của Geely và BYD, có thể chiếm 11% thị trường xe điện ở châu Âu vào năm 2024 và 20% vào năm 2027, tăng từ khoảng 7,5% vào năm ngoái.

Bà Julia Poliscanova, giám đốc cấp cao về phương tiện và chuỗi cung ứng di động điện tử tại T&E cho biết: “Thuế quan sẽ buộc các nhà sản xuất ô tô phải nội địa hóa sản xuất xe điện ở châu Âu và đó là điều tốt vì chúng tôi muốn những công việc và kỹ năng này”.

“Nhưng thuế quan sẽ không bảo vệ được lâu cho các nhà sản xuất ô tô truyền thống", bà nhấn mạnh thêm.

Bà cho biết mức thuế cao hơn phải đi kèm với sự thúc đẩy pháp lý nhằm tăng cường sản xuất xe điện trong nước, bao gồm các mục tiêu điện khí hóa cho đội xe ô tô của công ty vào năm 2039, bên cạnh mục tiêu ô tô sạch 100% đã được thống nhất vào năm 2035.

Không bán phá giá

Sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen tuyên bố điều tra sự cạnh tranh không lành mạnh của Trung Quốc trong lĩnh vực xe điện vào ngày 13/9 năm ngoái, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã hoan nghênh quyết định này.

Nhưng sau đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz hồi tháng 9 cho biết ông không bị thuyết phục về sự cần thiết phải áp thuế đối với xe điện của Trung Quốc. Ông cho rằng vì Đức muốn bán ô tô của mình ở mọi nơi trên thế giới nên nước này cũng nên mở cửa thị trường cho các công ty nước ngoài.

Trong chuyến thăm Trung Quốc đầu tuần qua, ông nói với các sinh viên Trung Quốc ở Thượng Hải rằng Đức muốn thị trường ô tô cởi mở và công bằng.

Ông cho biết ô tô Trung Quốc sẽ vẫn có mặt ở Đức và châu Âu vào một thời điểm nào đó nếu có sự cạnh tranh công bằng, không bán phá giá, sản xuất thừa hoặc vi phạm bản quyền.

Theo Trung tâm dữ liệu MarkLines, các hãng xe Đức đã bán được 462.720 xe tại Trung Quốc vào năm ngoái, tăng 3,8% so với năm 2022. Họ chiếm khoảng 17,8% thị trường Trung Quốc.

Các thương hiệu Trung Quốc đã bán được 1,46 triệu xe trong nước với 56,2% thị phần. Các thương hiệu Nhật Bản đã bán được 382.900 xe tại Trung Quốc với thị phần 14,7%.

Tin mới lên