Diễn đàn VNF

Đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, cẩn trọng với 'bẫy' nợ xấu

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, nếu không thận trọng, tính toán kỹ khi đẩy tín dụng tăng lên 22% (mục tiêu đưa ra đầu năm là tăng 18%), thì sẽ dẫn đến rủi ro nợ xấu khó lường trong những tháng tới.

Đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, cẩn trọng với 'bẫy' nợ xấu

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Thưa ông, có cần phải đẩy mạnh chỉ tiêu tín dụng lên 22% so với mục tiêu 18% đầu năm?

Chính phủ đã tính toán khi đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng, nhưng chúng ta cần phải xem xét kỹ tăng trưởng tín dụng cao để đạt được mục tiêu tăng trưởng gì. Bởi nếu đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là không dễ kỳ vọng, do sự hấp thụ vốn của nền kinh tế hiện nay còn yếu, các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn nhất định.

Hiện nay, số lượng doanh nghiệp Việt Nam nộp thuế thu nhập chỉ còn 33%, giảm gần một nửa so với trước. Vì thế, cái cần hơn lúc này là làm thế nào để cải thiện được môi trường kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.

Có nghĩa, bơm mạnh tín dụng ra nền kinh tế lúc này chưa hẳn tốt?

Nếu bơm tín dụng ra nhanh mà không tính toán, không kiểm soát kỹ thì hậu quả sẽ khó lường. Mặt khác, theo tính toán, 1% tăng trưởng tín dụng sẽ tác động đến lạm phát nhiều hơn so với tác động tích cực lên tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng chưa hẳn đã thúc đẩy được tăng trưởng GDP, mà hậu quả để lại là khó tránh rủi ro nợ xấu.

Bên cạnh đó, nếu quyết định tăng thêm tín dụng thì hiệu ứng của việc đẩy mạnh tăng trưởng vào những tháng cuối năm sẽ không tác động đến tăng trưởng kinh tế, mà kéo dài sang các tháng đầu năm 2018. Trong khi đó, năm 2018, chúng ta cần các giải pháp tăng trưởng khác, chứ không hẳn là tín dụng. Theo tôi, cố tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm sẽ gây ra rủi ro đáng kể.

Các rủi ro có thể xảy ra khi đẩy tín dụng tăng cao là những gì?

Nếu đẩy tín dụng tăng lên hiện nay thì trong những tháng tới sẽ rất nguy hiểm, vốn chảy vào bất động sản và rủi ro nợ xấu tái tăng là khó lường. Như vậy, vốn tín dụng tăng chưa hẳn chảy vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, mà tiếp tục chảy vào lĩnh vực nhạy cảm, nhất là khi bất động sản đang ấm lên.

Cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản trước đây đã để lại hậu quả nợ xấu cao và hiện nay chúng ta vẫn đang phải nỗ lực giải quyết. Nếu đẩy mạnh tăng trưởng, mà không kiểm soát kỹ, tín dụng chảy vào lĩnh vực bất động sản thì rủi ro nợ xấu khó có thể lường trước.

Liệu đẩy mạnh tín dụng có gây ra tình trạng mất cân đối giữa nguồn vốn huy động của các ngân hàng và cho vay ra, lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm có theo xu hướng tăng, bởi thực tế cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, chỉ số tăng trưởng huy động của các ngân hàng thấp hơn dư nợ cho vay, thưa ông?

Tôi cho rằng, nếu tăng thêm khoảng 2% tăng trưởng tín dụng, đẩy mạnh mục tiêu tăng trưởng lên 22%, thì lượng vốn bơm ra nền kinh tế khá lớn, nhưng cũng không đến nỗi gây ra căng thẳng về thanh khoản và tăng lãi suất huy động. Bởi các ngân hàng hiện nay đã có sự chuẩn bị tốt hơn về thanh khoản, tránh chi phí tăng. Điều đáng lo ngại hơn khi đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng là hệ quả trong tương lai nếu chúng ta không kiểm soát được chất lượng tín dụng, rủi ro tăng.

Tín dụng tăng mạnh liệu có tạo được áp lực để giảm lãi suất cho vay, xu hướng lãi suất từ nay đến cuối năm 2017 có giảm tiếp như mục tiêu đề ra không?

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng lên 22% cũng chưa hẳn sẽ tạo áp lực lớn để giảm lãi vay, mà câu chuyện được quan tâm hơn ở đây gắn liền với việc giải ngân của khu vực công. Đây cũng là vấn đề đang được Chính phủ quan tâm.

Về dài hạn, nền kinh tế vĩ mô còn yếu, nợ xấu chưa xử lý được, nợ công tăng. Những vấn đề này làm cho rủi ro kinh tế vĩ mô tăng lên, khiến lạm phát tăng, nhất là khi cung tiền được "bơm" ra nhiều so với trước đây. Nói cách khác, tín dụng tăng cao khó có thể tránh được "bẫy" nợ xấu đã từng xảy ra như trước. Do đó, thay vì đẩy mạnh vốn vay, nên xem xét các giải pháp khác để hỗ trợ doanh nghiệp, chẳng hạn giảm lãi vay, giảm chi phí vận tải, cắt bỏ các chi phí gián tiếp, bỏ các giấy phép con... Nếu làm được như vậy thì hiệu quả doanh nghiệp thu về cao hơn so với việc bơm mạnh vốn ra thị trường hỗ trợ.

Những vấn đề trên cho thấy nguy cơ lạm phát là đáng lo ngại, thưa ông?

Lo ngại lạm phát hiện nay cũng chưa thực sự ghê gớm, vì lạm phát Việt Nam còn ở mức thấp. Tuy nhiên, trong trung, dài hạn, lạm phát là vấn đề đáng quan tâm. Bên cạnh đó, nợ xấu chưa giải quyết được triệt để, nợ công tăng lên… thì việc bơm tiền ra chính là yếu tố tác động khiến lạm phát tăng.

Tin mới lên