Ngân hàng

Giá USD ngân hàng tăng vọt lên sát trần

(VNF) - Sau động thái tăng giá mua USD của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đồng nghĩa không còn nguồn USD giá rẻ từ cơ quan điều hành, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt tăng mạnh giá bán USD lên xấp xỉ 23.300 VND/USD, tiến sát mức trần 23.323 VND/USD.

Giá USD ngân hàng tăng vọt lên sát trần

Giá USD ngân hàng tăng vọt lên sát trần.

Tại Vietcombank, giá bán USD đã lên đến 23.260 VND/USD lúc 14h00; trong khi giá bán USD tại VietinBank vẫn giữ ở mức khá thấp 23.220 VND/USD. Con số này ở BIDV là 23.235 VND/USD.

Các ngân hàng tư nhân cũng giữ USD ở mức giá cao. Giá USD tại Eximbank giao dịch chiều bán ra ở mức 23.240 VND/USD; trong khi con số này ở Techcombank và HSBC Việt Nam lần lượt là 23.270 VND/USD và 23.280 VND/USD.

Cao nhất hiện nay là giá USD Sacombank khi giữ ở mức 23.300 VND/USD, chỉ còn cách trần theo quy định của Ngân hàng Nhà nước vỏn vẹn 23 VND. Mức giá này cũng đã ngang với thị trường tự do.

Trước đó, liên tiếp trong 5 ngày từ 13/7 đến 19/7, Ngân hàng Nhà nước đã bán tổng cộng 1,77 tỷ USD cho các ngân hàng thương mại nhằm chặn đà tăng giá của đồng USD.

Tuy nhiên, tỷ giá vẫn gặp áp lực tăng, không chỉ đến từ diễn biến tiêu cực trên thị trường thế giới mà tâm điểm là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang leo thang, thậm chí có thể dẫn đến chiến tranh tiền tệ, mà còn đến từ vấn đề chênh lệch lãi suất giữa USD và VND.

 “Sự chênh lệch giữa lãi suất cho vay qua đêm bằng đồng VND và USD trên thị trường liên ngân hàng đang tạo sức ép lên tỷ giá VND/USD. Mức chênh lệch âm giữa hai lãi suất kể trên đang thúc đẩy các nhà băng nắm giữ ngoại tệ. Điều này có thể tạo ra tình trạng đầu cơ và áp lực lên tỷ giá”, Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định.

Trả lời VietnamFinance, một thành viên interbank (liên ngân hàng) nhận xét: giữ USD có lợi hơn là một trong những lý do để các ngân hàng vẫn muốn nắm giữ USD thay vì VND. 

Điều này lý giải vì sao, những ngày gần đây, khi có hiện tượng găm giữ trên interbank, phía doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ cũng đã “ngửi thấy mùi” và hạn chế bán ra cho các ngân hàng.

Và, một khi hiện tượng găm giữ này tiếp tục “thi gan” với Ngân hàng Nhà nước như từng xảy ra ở thời điểm 2007 – 2008, thì tỷ giá sẽ thêm phần áp lực.

Ngoài ra, một yếu tố nữa sẽ tác động sâu đến tỷ giá, chính là Trung Quốc có thể phá giá sâu thêm đồng Nhân dân tệ (CNY).

Khi CNY giảm giá, sẽ làm cho các đồng tiền quan hệ với CNY bị giảm giá theo. Với VND cũng vậy. Bởi vì tương quan tỷ giá giữa VND và CNY được xác lập ở một ngưỡng nhất định, khi CNY phá giá so với đồng tiền chủ chốt là USD thì tỷ giá cặp VND/CNY không thể đứng yên như trước.

Tin mới lên