Ngân hàng

Mất cân đối tín dụng – huy động: Dễ có sốc thanh khoản vào cuối năm

(VNF) – Tín dụng trong nửa đầu năm 2017 có tốc độ tăng trưởng nhanh khiến chênh lệch huy động - tín dụng bị đẩy lên cao. Dù thanh khoản vẫn đang dồi dào song theo nhận định của các chuyên gia, hệ thống vẫn đối mặt với nguy cơ sốc thanh khoản khi quá trình giải ngân được dự báo sẽ tăng mạnh vào cuối năm.

Mất cân đối tín dụng – huy động: Dễ có sốc thanh khoản vào cuối năm

Thanh khoản ngân hàng vẫn dồi dào nhờ nguồn tiền gửi của Kho bạc Nhà nước vào hệ thống tăng mạnh

Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2017 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố cho biết tính tới thời điểm 20/6/2017, tăng trưởng tín dụng đạt mức 7,54% so với tháng 12/2016, cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. 

Trong khi đó, tăng trưởng huy động lại giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2016, chỉ đạt 5,89% (cùng kỳ năm 2016 là 8,23%). Tín dụng tăng nhanh trong khi huy động thấp tạo ra tình trạng chênh lệch giữa cung và cầu vốn vay.

Tuy nhiên, trái ngược với những gì diễn ra trong năm 2015, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng thậm chí vẫn giảm mạnh trong quý II/2017. Cụ thể, lãi suất qua đêm bình quân đạt 1,47% trong tháng 6, giảm 3,24 điểm % so với cuối quý trước; lãi suất kỳ hạn một tuần cũng giảm xuống còn 1,84%.

Lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước vào hệ thống ngân hàng tăng mạnh được cho là nguyên nhân chính giúp thanh khoản trên thị trường dồi dào. Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tính đến cuối tháng 4 đạt 122 nghìn tỷ đồng, tăng 28,4% so với đầu năm. 

Mất cân đối tín dụng – huy động: Dễ có sốc thanh khoản vào cuối năm ảnh 1

Tăng trưởng tín dụng - huy động đã có sự đổi chiều trong năm 2017

Theo nhận định của TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR, thanh khoản dồi dào của hệ thống hiện nay chỉ là ngắn hạn. Bời vì lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước vào hệ thống tăng mạnh phản ánh thực tế giải ngân chậm vốn đầu tư công trong thời gian qua.

"Từ nay đến cuối năm, Chính phủ sẽ đẩy mạnh giải ngân để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, từ đó tạo ra cú sốc thanh khoản nếu không có điều chỉnh kịp thời", TS Thành nói.

Đồng tình với quan điểm trên, TS Cấn Văn Lực – chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng hệ số LDR (cho vay/vốn huy động) của hệ thống ngân hàng hiện vẫn đang được đảm bảo, vào khoảng 88% - cao hơn một chút so với cuối năm ngoái.

"Tuy nhiên, tôi đồng ý chúng ta cần cảnh báo nếu tăng trưởng tín dụng ở mức độ quá cao (với tôi trên 18% là cao và bắt đầu gây nóng). Tín dụng tăng trưởng với tốc độ cao mà huy động không đảm bảo thì cuối năm thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ phức tạp hơn. Bởi khi đó, áp lực từ việc tăng giải ngân và chi tiêu cuối năm tăng lên sẽ khiến bài toán thanh khoản sẽ khó khăn hơn nhiều", TS Lực nhận xét.

Bình luận thêm về tăng trưởng tín dụng, TS Cấn Văn Lực cho rằng, quan niệm tăng trưởng tín dụng cao sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế không hẳn chính xác.

"Chúng tôi đã chạy phân tích mô hình 52 nước thu nhập trung bình thấp (trong đó có Việt Nam) trong 10 năm thì thấy rằng: tín dụng tăng trưởng 10% thì GDP tăng thêm 0,5%, tức là sự tác động gần như ko đáng kể. Và khi tính toán lại số liệu của năm 2016 thì tôi nhận thấy tín dụng chiếm từ 58 – 60% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Vậy nếu nguồn vốn tín dụng năm nay tăng trưởng nóng (trên 18%) mà không hiệu quả thì không những không hỗ trợ cho tăng trưởng mà còn gây ra hệ lụy".

"Nên nhớ trong một nền kinh tế, đầu tư chỉ là một trong 3 cấu phần của tăng trưởng. Vốn chỉ đóng góp 45 – 48% tăng trưởng GDP. Chúng ta cần có thông điệp rõ ràng với Chính phủ là: nếu Chính phủ vẫn nâng tỷ lệ đầu tư lên 34 - 35% GDP, tín dụng tăng trưởng hơi nóng như vậy thì chúng ta không nhất thiết ủng hộ phương án đó, bởi vì nó sẽ để lại hệ lụy về lâu dài", TS Lực khẳng định.

Được biết, báo cáo mới đây của IMF đã chỉ ra rằng tín dụng của Việt Nam vào cuối năm 2016 đã tương đương với 124% GDP, cao hơn so với các nước ASEAN-5, các nước thu nhập trung bình khác và đặc biệt là các quốc gia có trình độ phát triển tương đồng. 

Tỷ lệ này hiện đang tiến gần tới mức của thời kỳ bất ổn trước đó, do vậy có thể dẫn đến những rủi ro đối với cân đối tài chính của hệ thống ngân hàng và lạm phát. Bên cạnh đó, việc mở rộng cung tiền quá nhanh trong giai đoạn vừa qua đã khiến tỷ lệ M2/GDP đã tăng lên 146% năm 2016, so với  tỷ lệ 80% năm 2006 và 114% năm 2010. 

"Do đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn cần thận trọng với khả năng lạm phát có thể tăng trong thời gian tới, khi chinh sách nới lỏng tiền tệ ảnh hưởng tới nền kinh tế", VEPR khuyến nghị.

Tin mới lên