Ngân hàng

Xử lý nợ xấu: Không chỉ đặt trên vai NHNN

Để xử lý nợ xấu hiện nay mình NHNN là không đủ mà rất cần sự chung tay, phối hợp giữa các bộ, ngành.

Xử lý nợ xấu: Không chỉ đặt trên vai NHNN

Gánh nặng xử lý nợ xấu không thể chỉ đặt trên vai NHNN

Trong thời gian qua, ngành NH đã chủ động và tích cực triển khai Ðề án Cơ cấu lại các TCTD giai đoạn 2011-2015. Tuy vẫn còn nhiều việc phải tiếp tục với những nỗ lực không ngơi nghỉ, song điều ấn tượng và thành công nhất trong mấy năm qua là NHNN đã cơ bản thực hiện được một mục tiêu quan trọng, đó là ổn định hệ thống.

Nợ xấu, thanh khoản và những lan tỏa xấu có thể có của một số TCTD yếu kém, dù nhỏ, đã được khống chế. Một số NH được sáp nhập, hoạt động tốt lên, ít gây xáo trộn tâm lý thị trường và người dân. Qua đó đã tạo dựng thêm lòng tin vào quyết tâm và khả năng ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Những phần "to" cơ bản đã làm được, giờ là lúc đi vào giải quyết thấu đáo, triệt để những phần "nhỏ" và cụ thể hơn. Đó là xử lý triệt để nợ xấu.

Thực trạng tái cấu trúc hệ thống NH, xử lý nợ xấu

Thực tế ai cũng biết, nợ xấu lớn có nguy cơ gây đổ vỡ hệ thống NH. Trường hợp không có sự can thiệp từ các nguồn lực khác nhau mà để tự các NHTM xử lý thì vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là không thể. Cho nên nước nào cũng vậy, nếu phải đối mặt với tình trạng nợ xấu nghiêm trọng đều cần có tác nhân bên ngoài hệ thống, chẳng hạn như thành lập tổ chức chuyên biệt nào đó để xử lý nợ xấu (XLNX).

Một cơ quan như vậy trước hết phải có đủ quyền lực, nguồn lực (tất nhiên, có sự giám sát chặt chẽ); thứ hai, cơ quan đó đóng vai trò quan trọng trong thị trường mua bán nợ (được hình thành và phát triển). Ở Việt Nam, do nguồn lực hạn hẹp nên một điều khá đặc thù là XLNX còn chịu ảnh hưởng rất đáng kể của sự hồi phục kinh tế và đặc biệt là sự hồi phục của thị trường bất động sản.

Cho đến thời điểm này, nhìn vào quá trình XLNX của Việt Nam thì thấy đó là một bức tranh hai màu sáng, xám. Bên cạnh những việc Chính phủ, NHNN và cả hệ thống NH đã làm được thì cũng còn không ít thách thức phải đối mặt. VAMC đã được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 7/2013.

NHNN cũng ban hành một số văn bản tăng cường chức năng, quyền hạn cho VAMC. Dù có những ý kiến chưa hài lòng về kết quả hoạt động của VAMC, nhưng thực tế ít nhiều VAMC cũng có tác động tích cực. Việc mua nợ xấu của các NH giúp giảm áp lực gánh nặng chi phí. Thay vì phải trích 50-100% dự phòng rủi ro trong năm, NH có thể "chia đều" cho 5 năm và tối đa lên tới 10 năm.

Một việc làm tích cực nữa, dù còn trong phạm vi khá hạn hẹp, là VAMC phối hợp với các NH tạo điều kiện thuận lợi cho DN tái cơ cấu, thoát khỏi cơn hoạn nạn. Ví dụ, có thể đánh giá lại khoản nợ xấu của DN, tạm thời khoanh lại nợ cũ cho vay mới, theo đó làm tăng khả năng cho vay đối với DN.

Giải pháp lớn nhất có thể giúp DN "thoát nạn", còn NH xử lý mạnh nợ xấu, nhưng lại đang là bất cập nhất, đó là làm sao vượt qua được một loạt vướng mắc về pháp lý. Trong bối cảnh niềm tin thị trường chưa cao, nguồn vốn hạn hẹp thì rõ ràng việc mở rộng cánh cửa cho các nhà đầu tư (NĐT), kể cả NĐT nước ngoài, có ý nghĩa rất quan trọng.

Nhưng những vướng mắc về pháp lý như quyền sở hữu và quyền tài sản, chuyển đổi sở hữu, room cổ phần… đang trở thành rào cản rất lớn đối với các NĐT. Thị trường mua bán nợ vẫn chưa được định hình, vì vậy nợ VAMC mua về vẫn khó xử lý được. Và điều này dễ khiến các NH nản lòng, không muốn bán tiếp nợ xấu cho VAMC. Đấy là còn chưa nói đến nợ xấu, cũng rất lớn, của DNNN.

Nhiều khoản nợ không có tài sản đảm bảo. Việc XLNX ở đây gắn chặt với tái cơ cấu DNNN, thoái vốn, xử lý vấn đề sở hữu chéo… và đòi hỏi DATC (Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN) và Bộ Tài chính phải có những bước triển khai quyết liệt hơn. Nếu không giải quyết mạnh mẽ những vấn đề trên thì nợ xấu khó có thể thuyên giảm.

Như chúng ta biết, bất cứ một nước nào đều phải trả giá khi xử lý khủng hoảng. Giá đắt hay rẻ còn tùy thuộc tính chất nghiêm trọng cũng như vị thế của nước đó. Trong khi đó ở Việt Nam, thị trường mua bán nợ chưa phát triển, VAMC có rất ít "tiền tươi thóc thật" để mua nợ, thì vị thế "mặc cả" của NH, DN hay chính VAMC sẽ yếu. Và đó là một nguyên nhân làm cho các khoản nợ xấu khó được mua với giá thích hợp.

Tất nhiên không vì thế mà chúng ta phải "bán tống bán tháo" các khoản nợ xấu, và cái gốc chính là việc phối hợp chung tay loại trừ các rào cản đối với quá trình XLNX đã nêu. Bên cạnh đó cũng cần có những giao dịch trên thị trường, như thị trường chứng khoán, bất động sản, mua bán nợ rất cần chất xúc tác để kích hoạt. Giao dịch thực là một xúc tác như thế, khi có giao dịch thì thanh khoản tăng dần lên, thị trường mua bán nợ mới hấp dẫn, tạo thêm sự tham gia của các NĐT. Nếu không, cam kết chỉ là cam kết và nhiều khi còn làm nản thêm các NĐT vốn quan tâm.

Câu chuyện tiếp theo…

Muốn hay không thì XLNX cũng là một công đoạn hết sức thiết yếu của quá trình tái cấu trúc hệ thống NH. Như đã nêu ở trên, để XLNX hiện nay mình NH là không đủ mà rất cần sự chung tay, phối hợp giữa các bộ, ngành. Ðể đẩy nhanh XLNX, bên cạnh sự phục hồi kinh tế còn rất cần nâng cao năng lực cho VAMC để công ty này đẩy nhanh hơn quá trình XLNX và xử lý một cách triệt để (cả về pháp lực, năng lực, nguồn lực, và quyền lực; trong đó quyền lực và pháp lực là quan trọng nhất); đồng thời tạo dựng những tiền đề cần thiết cho việc vận hành thị trường mua bán nợ.

Bên cạnh đó, cần xác định vấn đề giải quyết nợ xấu là một việc làm không chỉ đặt trên vai NHNN, dù NHNN rất quan trọng, mà còn cả nhiều bộ, ngành liên quan. Thí dụ rõ nhất là quan hệ giữa giải quyết nợ xấu và những vấn đề pháp lý về sở hữu, giao dịch trên thị trường bất động sản. Nó cũng liên quan không nhỏ đến khả năng phục hồi kinh tế nói chung.

Và cần lưu ý là vấn đề nợ xấu có tương tác đa chiều, không chỉ xét ở khía cạnh sức khỏe hệ thống NH. Nó gắn liền với tổng thể quá trình cải cách hệ thống NH, từ minh bạch hóa, tăng cường năng lực quản trị rủi ro, đáp ứng Basel II, các chuẩn mực kiểm toán kế toán, xử lý sở hữu chéo, đến tăng cường năng lực giám sát tài chính, tái cấu trúc từng NH… XLNX cũng có tác động mạnh đến dòng tín dụng và việc đảm bảo chất lượng tín dụng. Bài toán khó khăn đối với NH là làm sao đáp ứng được yêu cầu vốn cho DN mà lại đảm bảo rằng nợ xấu không tăng.

Vấn đề nợ xấu và cách xử lý còn liên quan đến ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách thể chế, củng cố lòng tin thị trường… Tức là, các vấn đề liên quan và có tác động qua lại với nhau. Ví như, nếu không tiếp tục lành mạnh hóa theo các tiêu chuẩn tốt nhất thì sẽ không thể có khả năng chống đỡ với các cú sốc. Hay không tăng cường năng lực quản trị, giám sát thì làm sao lành mạnh hóa hệ thống NH... Nói như vậy để thấy tầm quan trọng và cả tính phức tạp, khó khăn của việc XLNX.

Tuy thách thức, khó khăn còn nhiều và XLNX chắc còn đòi hỏi thời gian và lộ trình thích hợp, song hy vọng với những cơ sở để XLNX nêu trên được giải quyết đồng bộ, NHNN cùng sự phối hợp của các bộ, ngành khác sẽ giải quyết bài toán nợ xấu hiệu quả hơn, nhanh hơn trong thời gian tới đây.

Tóm lại, dù kết quả tái cơ cấu chưa hoàn hảo nhưng hai điểm được cơ bản là: Khá bài bản ngay từ đầu và có lộ trình, gắn với ổn định kinh tế vĩ mô. Trong quá trình thực hiện tái cơ cấu, NHNN còn linh hoạt để điều chỉnh khi có những tình huống thực tế phát sinh. Đây chính là điểm quan trọng giữa cái nhìn dài hạn của chính sách kinh tế và cái nhìn trước mắt để giải quyết tình huống.

Hai bài học lớn, dù rất truyền thống, của công cuộc tái cấu trúc hệ thống NH và XLNX thời gian qua vẫn còn nguyên giá trị. Đó là: ngay trong quá trình triển khai, cần có sự tổng kết kịp thời cả về kinh nghiệm và những vướng mắc thể chế, qua đó tìm ra biện pháp tháo gỡ phù hợp. Và rất cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan thực thi, nhất là trong tái cấu trúc khu vực DNNN, đầu tư công và hệ thống tài chính - NH.

Tin mới lên