Thị trường

Phanh phui hàng loạt vi phạm tại ACV, đề nghị xử lý kinh tế 117 tỷ đồng

(VNF) – Bộ Giao thông vận tải đã có kết luận thanh tra về trách nhiệm trong huy động, quản lý, sử dụng các nguồn vốn đầu tư do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) quản lý. Kết luận đã chỉ ra một loạt vi phạm, thiếu sót của ACV tại các dự án do Tổng công ty này đầu tư.

Phanh phui hàng loạt vi phạm tại ACV, đề nghị xử lý kinh tế 117 tỷ đồng

Hàng loạt vi phạm, thiếu sót

Theo báo cáo, trong giai đoạn từ tháng 3/2012 đến tháng 12/2016, ACV đã đầu tư xây dựng 85 dự án với tổng mức đầu tư các dự án là 42.140 tỷ đồng (gồm: ngân sách nhà nước 1.420,8 tỷ đồng, vốn trái phiếu chính phủ 4.221 tỷ đồng, vốn ODA 12.432 tỷ đồng, vốn của ACV 24.074 tỷ đồng).

Trong số các dự án nêu trên, có dự án giá trị giải ngân lớn hơn kế hoạch vốn; có dự án giá trị giải ngân thấp hơn kế hoạch vốn; có dự án có kế hoạch vốn nhưng chưa thực hiện giải ngân.

Cụ thể, có 5/85 dự án giá trị giải ngân lớn hơn kế hoạch vốn (dự án mở rộng nhà ga hành khách sân bay Phú Quốc, dự án sửa chữa đường HCC 1A sân bay Nội Bài, dự án nhà ga hàng hóa và văn phòng làm việc sân bay Phú Quốc…), có 72/85 dự án giá trị giải ngân thấp hơn kế hoạch vốn (dự án nhà ga hành khách sân bay Phù Cát, hệ thống thiết bị hỗ trợ hạ cánh chính xác ILS sân bay Chu Lai, dự án nhà điều hành VAC…), có 1 dự án có kế hoạch vốn nhưng chưa giải ngân (dự án sửa chữa nhà ga hành khách T1 sân bay Nội Bài).

Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, công tác quy hoạch cảng hàng không do ACV quản lý, khai thác chưa dự báo sát tốc độ tăng trưởng, lưu lượng hành khách và hàng hóa dẫn đến một số cảng hàng không bị quá tải, một số cảng hàng không chưa đạt công suất theo quy hoạch. Các nội dung quy hoạch không còn phù hợp với thực tế khai thác dẫn đến phải điều chỉnh quy hoạch cụ bộ một số cảng. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.

Bên cạnh đó, chất lượng một số dự án còn hạn chế nên trong quá trình thực hiện phải thay đổi thiết kế cơ sở, bổ sung hạng mục, điều chỉnh hạng mục tổng mức đầu tư, thời gian thực hiện. Một số dự án vừa đầu tư xong đã phải nâng cấp mở rộng.

Tại một số dự án, chất lượng công tác khảo sát, lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán chưa cao, chưa sát với thực tế nên trong quá trình thi công phải điều chính thiết kế, bổ sung hạng mục, khối lượng phát sinh, thay đổi vật liệu, điều chỉnh đơn giá, thiết bị... cho phù hợp với thực tế;

Thiết kế kỹ thuật (bước 2) thiếu chi tiết gây khó khăn cho việc kiểm soát khối lượng, chất lượng; thiết kế kỹ thuật thay đổi so với thiết kế cơ sở nhưng chưa tiến hành điều chỉnh thiết kế cơ sở theo quy định; tính sai đơn giá, tính trùng chi phí, biện pháp thi công chưa đúng.

Các tiêu chuẩn thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật sử dụng chủ yếu tiêu chuẩn Anh, Mỹ. Tuy nhiên trong quá trình thì công nghiệm thu chủ đầu tư đã phê duyệt điều chỉnh, bổ sung danh mục tiêu chuẩn, quy chuẩn xẩy dựng theo tiêu chuẩn Việt Nam (dự án Nhà ga hành khách Phú Quốc, dự án Nhà ga hành khách Vinh ...) trong khi hồ sơ mời thầu theo chỉ dẫn kỹ thuật là chưa phù hợp.

Về công tác đấu thầu, hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu, Bộ Giao thông vận tải nhận định về cơ bản tuân thủ theo quy định của Luật Đấu thầu. Tuy nhiên, có nhiều gói thầu đến khi chấm thầu chỉ còn lại một nhà thầu tham gia (gói 4, gói 5, gói 5a dự án Nhà ga hành khách Phú Quốc) hoặc có nhiều nhà thầu tham gia dự thầu nhưng chỉ có 01 nhà thầu đạt hồ sơ về đề xuất kỹ thuật (gói 5b Phú Quốc; gói 6, gói 6B, gói 6C dự án Nhà ga hành khách Vinh). Đế giải quyết tình huống trong đấu thầu, chủ đầu tư có văn bản xử lý tình huống cho phép mở thầu, nhưng tình huống này chưa có sự cạnh tranh về giá.

Bộ Giao thông cũng chỉ ra rằng quá trình phân chia gói thầu chưa thực sự hợp lý. Gói thầu có giá trị lớn, nhiều hạng mục có tính chất khác nhau: xây lắp kèm với thiết bị (cầu ống lồng), thi công bê tông cốt thép, kết cấu thép, mái, kính nền cơ bản là ít nhà thầu đủ năng lực tham gia.

Về công tác quản lý chất lượng công trình, mặc dù ACV đã thuê đơn vị tư vấn giám sát nhưng chất lượng công tác giám sát về chất lượng, khối lượng chưa cao. Cụ thể, một số công tác chưa tuân thủ theo quy định phải nghiệm thu theo quy trình để kiểm soát khối lượng, chất lượng; một số công tác, thiết bị lắp đặt thực hiện không đúng với hồ sơ thiết kế hoặc điều kiện hợp đồng, yêu cầu kỹ thuật của dự án nhưng vẫn được nghiệm thu, thanh toán; nghiệm thu còn trùng lắp; không đúng khối lượng; nhật ký giám sát chưa ghi chép đầy đủ theo quy định.

Về quản lý tiến độ hợp đồng, dự án, nhìn chung ACV đã thực hiện khá tốt việc quản lý, chỉ đạo, điều hành, đôn đốc tiến độ thực hiện hợp đồng, thực hiện dự án, kịp thời đưa các dự án vào khai thác sử dụng. Tuy nhiên, một số dự án còn chậm tiến độ thi công.

Về công tác giải phóng mặt bằng các dự án do ACV quản lý, các tài liệu, báo cáo do ACV cung cấp còn chưa làm rõ nguyên nhân hộ dân không chấp thuận nhận tiền đền bù, nguyên nhân chậm thu hồi tiền của một số hộ dân theo quyết định thu hồi.

Ở giai đoạn kết thúc đầu tư, thời gian lập quyết toán A-B, báo cáo quyết toán, kiểm toán quyết toán, trình cấp có thẩm quyền thẩm tra, phê duyệt còn chậm so với thời gian quy định tại Thông tư số 19/2011/TT-BTC ngày 14/02/2011 và Thông tư số 09/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 của Bộ Tài chính.

“ACV là doanh nghiệp cổ phần, vốn nhà nước chiếm 95,4% vốn điều lệ; vốn đầu tư của ACV chủ yếu là vốn nhà nước, vì vậy với các dự án ACV vừa là cấp quyết định đầu tư, chủ đầu tư thực hiện dự án, vừa là đơn vị tiếp nhận dự án trong giai đoạn khai thác có thể dẫn đến thiếu khách quan trong quản lý đầu tư xây dựng công trình”, Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.

Đề nghị xử lý về kinh tế 117 tỷ đồng

Với các kết luận nêu trên, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu ACV thực hiện xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý 117 tỷ đồng.

Số tiền này bao gồm các khoản: thu hồi về tài khoản ACV tại dự án Nhà ga hành khách - Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc 67,7 tỷ đồng; Giảm trừ khi thanh quyết toán số tiền 1,8 tỷ đồng (dự án mở rộng nhà ga quốc tế T2 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Giai đoạn I là 343 triệu đồng; dự án đường tầng và sân đỗ ô tô Cảng hàng không Vinh là 85 triệu đồng; dự án đầu tư xây dựng công trình sửa chữa đường HCC 25R - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là 1,4 tỷ đồng).

Đồng thời rà soát để quyết toán hai hồ sơ: Một là hồ sơ thiết kế, dự toán duyệt, biện pháp tổ chức thi công dự án mở rộng nhà ga quốc tế T2 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Giai đoạn 1 để xác định chính xác giá trị dự toán duyệt, chịu trách nhiệm về số liệu rà soát và báo cáo Bộ Giao thông vận tải kết quả rà soát.

Sau khi rà soát, ACV phê duyệt điều chỉnh giá trị dự toán dự án (nếu phát hiện sai sót); nếu giá trúng thầu vượt giá gói thầu sau rà soát thì tiến hành thương thảo với nhà thầu, ký hợp đồng điều chính giảm giá trúng thầu, đảm bảo giá ký trúng thầu hợp đồng điều chỉnh không được vượt giá gói thầu sau rà soát, tránh làm thất thoát vốn nhà nước, doanh nghiệp.

Hai là hồ sơ thiết kế, dự toán thầu, biện pháp tổ chức thì được duyệt một số hạng mục dự án Mở rộng nhà ga quốc tế T2 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Giai đoạn 1 để nghiệm thu, thanh toán theo đúng quy định với số tiên phải rà soát là 47,4 tỷ đồng.

Tin mới lên