Thị trường

Tăng "lực" vào nông nghiệp

(VNF) - Cách đây hơn 10 năm, tổng đầu tư xã hội vào nông nghiệp Việt Nam đạt trên 10% thì gần đây đã giảm xuống chỉ còn khoảng 5%; đầu tư tư nhân vào ngành này xoay quanh mức 4%, trong khi FDI trong nông nghiệp giảm từ 2 - 3% trước đây xuống còn khoảng 1%. Nhưng với những chuyển biến tích cực mới đây về các dòng đầu tư vào lĩnh vực này cho thấy đang có sự "nhìn nhận lại".

Tăng "lực" vào nông nghiệp

Nông nghiệp đang được các nhà đầu tư quan tâm. (Ảnh: TL)

Thay đổi nhận thức

Ngành nông nghiệp Việt Nam hiện đóng góp 20% GDP với kim ngạch xuất khẩu trên 31 tỷ USD/năm, với hơn 70% dân số gắn bó với nông nghiệp. 

Tính đến tháng 4/2015, cả nước có 530 dự án FDI còn hiệu lực trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 3,7 tỷ USD, chiếm 2,9% tổng số dự án và 1,4% tổng vốn đầu tư FDI của cả nước; quy mô vốn trung bình của một dự án trong ngành nông nghiệp khoảng 7 triệu USD.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư, mặc dù có nhiều tiềm năng và lợi thế nhưng dòng vốn FDI vào ngành nông, lâm, ngư nghiệp còn tương đối hạn chế so với nhu cầu của ngành. Trong khi đầu tư nước ngoài của cả nước có xu hướng tăng thì dòng vốn này vào lĩnh vực nông nghiệp lại quá nhỏ về số dự án và tỷ trọng vốn đầu tư so với tổng đầu tư FDI của cả nước.

Nguyên nhân khiến cho nguồn vốn FDI vào nông nghiệp trong thời gian dài vừa qua hạn chế là do đầu tư vào nông nghiệp không có lợi nhuận nhanh như các ngành hàng khác, rủi ro về thiên tai và biến động thị trường cao. Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp Việt Nam còn nhỏ lẻ, cơ sở hạ tầng và dịch vụ phụ trợ còn thiếu và yếu trong khi chất lượng và năng suất lao động thấp.

Theo ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, vai trò của nông nghiệp ngày càng quan trọng trong bối cảnh tỷ lệ đói nghèo, thiếu lương thực và khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, dinh dưỡng cũng được đặt ra.

Những năm trước đây, nông nghiệp được nhìn nhận là nơi đầu tư có mức độ sinh lời không bằng những lĩnh vực khác, như ở lĩnh vực công nghiệp từ 7 - 8%, dịch vụ từ 9 - 10% trong khi tăng trưởng nông nghiệp chỉ 3 - 4% là cao. Do vậy, nông nghiệp bị "đè nén", giá cả thấp và nhiều khi phải chịu hy sinh để thực hiện công nghiệp hóa.

Nhưng khoảng 7 năm trở lại đây, trước những biến động của kinh tế, thị trường và thiên tai trên toàn cầu, giá lương thực, thực phẩm đã tăng mạnh và sản phẩm nông nghiệp được nhìn nhận theo chuỗi giá trị của sản phẩm, bao gồm nghiên cứu (R&D), giống, cách thức và phương tiện trồng, sơ chế, bảo quản, chế biến, phân phối... cho thấy có thể tạo ra giá trị gia tăng cao, đầu tư mang lại những kết quả bền vững.

Đồng thời, Việt Nam là quốc gia có nhiều điều kiện thuận lợi về điều kiện tự nhiên, kinh nghiệm và trình độ nguồn nhân lực làm nông nghiệp, nên thời gian gần đây hàng loạt các dự án phát triển nông nghiệp lớn đã được các doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm và quyết định đầu tư.

Thương hiệu nông sản Việt Nam

Không riêng gì các doanh nghiệp trong nước mà nhiều doanh nghiệp nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng đã quan tâm tìm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam.

Tập đoàn Showa Denko hiện có 21 nhà máy trồng rau sạch theo công nghệ đèn Led tại Nhật Bản. Tháng 4 năm nay, tập đoàn này đã quyết định đầu tư 1 triệu USD xây dựng nhà máy rau sạch tại tỉnh Hà Nam bằng công nghệ đèn Led. Công nghệ này giúp rau có mức tăng trưởng cao gấp 2,5 lần so với trồng trong ánh sáng thường.

Dự án sẽ được thực hiện thí điểm tại KCN Đồng Văn 2, thu hoạch vào cuối năm nay và nếu thành công, mô hình sẽ được nhân rộng trên toàn tỉnh này.

Nhiều công ty Nhật cũng xúc tiến nhiều hoạt động đầu tư nông nghiệp tại nhiều địa phương khác trong cả nước, như tại TP.HCM, Tập đoàn ISE Food muốn hợp tác chuyển giao kỹ thuật nuôi gà đẻ trứng hiệu quả cao.

Tỉnh Saitama của Nhật là địa phương có nhiều doanh nghiệp chuyên sản xuất rau sạch, đóng gói thực phẩm... đã làm việc với lãnh đạo TP.HCM để tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Tỉnh Wakayama của Nhật cũng có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng cây ăn trái, công nghệ bảo quản, chế biến trong nông nghiệp... cũng đang muốn hợp tác, chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp Việt.

Đầu năm nay, ở cuộc gặp trao đổi kế hoạch làm rau an toàn tại Đà Lạt, nhiều nhà đầu tư Nhật cho biết họ muốn đưa vùng rau sạch, an toàn của Đà Lạt trở thành vựa rau sạch trong tương lai của châu Á.

Dự án làng rau thần kỳ kiểu Nhật tại Đà Lạt do Công ty An Phú Đà Lạt liên doanh với nhà đầu tư Nhật đã được triển khai cách đây hơn 1 năm, sản phẩm đã được cung cấp cho nhiều siêu thị tại TP.HCM và doanh nghiệp này đang chuẩn bị mở rộng diện tích trồng rau từ 4 ha lên 8 ha.

Cho rằng doanh nghiệp là tác nhân năng động nhất trong chuỗi giá trị và hình thức đầu tư tất yếu là hình thức đối tác công – tư (PPP), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát khẳng định chỉ có chủ thể này hội đủ các điều kiện để giải quyết 3 điểm nghẽn lớn nhất của nông nghiệp Việt Nam hiện nay.

Đó là tăng cường đầu tư cho nông nghiệp quy mô lớn và hiệu quả; nhanh nhạy nắm bắt thị trường, giúp kết nối thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản trong nước và quốc tế; có tiềm lực ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao vào sản xuất, chế biến giúp nâng cao giá trị gia tăng, tăng năng lực cạnh tranh cho nông sản.

Đã có nhiều động thái mạnh mẽ ở tầm vĩ mô nhằm phát triển nền nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập, như giữa tháng 4 vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo liên ngành về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 - 2020.

Gần đây, việc xuất khẩu trái vải, nhãn, thanh long, chôm chôm của Việt Nam sang thị trường Australia và Mỹ cùng với những kế hoạch tiếp tục đưa các loại đặc sản như vú sữa, thanh long, chôm chôm, vải và xoài thâm nhập vào nhiều thị trường khó tính khác như Nhật Bản, New Zealand, Đài Loan... được xem là bước ngoặt lớn, là tiền đề để các loại nông sản khác của Việt Nam chinh phục thị trường thế giới.

Tuy vậy, để Việt Nam có thể xuất khẩu trái cây lẫn các loại nông sản khác thì cần nhiều hoạt động mang tầm chiến lược, bao gồm phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm, khắc phục quy mô sản xuất nhỏ và phân tán; đặc biệt tập trung cho công nghệ bảo quản sau thu hoạch - khâu hiện đang yếu nhất trong chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa...

Bên cạnh đó, một lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay là xây dựng được hình ảnh uy tín cho sản phẩm nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, để thu hút được các nguồn FDI lớn vào nông nghiệp Việt Nam rất cần có cơ chế khuyến khích đặc biệt cho dòng vốn này vào lĩnh vực chế biến để tạo nên các sản phẩm nông sản mang thương hiệu quốc gia, có thể chen chân vào chuỗi giá trị nông sản trên thị trường thế giới.

Tin mới lên