Tiêu điểm

Thủ tướng: 'Năm năm tới phải tăng trưởng 6,5% - 7% mỗi năm'

(VNF) - Thủ tướng Chính phủ khẳng định việc cải cách thể chế kinh tế thị trường là mục tiêu hàng đầu để huy động các nguồn lực cho phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020.

Thủ tướng: 'Năm năm tới phải tăng trưởng 6,5% - 7% mỗi năm'

Phát biểu tại Diễn đàn Đối tác phát triển (VDPF) 2015 sáng ngày 5/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết tăng trưởng GDP 2015 ước đạt 6,5%, cao nhất trong 5 năm qua, vượt kế hoạch đề ra (6,2%), bình quân 5 năm (giai đoạn 2011-2015) đạt 5,9%. Lạm phát cũng được duy trì ở mức thấp. Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, từ 18,13% năm 2011 xuống còn khoảng 2% vào năm 2015, thấp nhất trong vòng 15 năm qua.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn thừa nhận rằng nền kinh tế tồn tại nhiều hạn chế, khó khăn, yếu kém như kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc, năng suất lao động thấp, thể chế kinh tế thị trường chưa thực sự là động lực tạo đột phá để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, kinh tế phục hồi chậm, khó khăn từ kinh tế thế giới. 

"Chúng tôi nghiêm túc nhìn nhận rằng những hạn chế về quản trị của Nhà nước với nền kinh tế, thể chế, đột phá cơ chế chính sách chưa đáp ứng kịp yêu cầu cho sự phát triển và hội nhập quốc tế và yêu cầu huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực", Thủ tướng nói.

Về kế hoạch phát triển cho giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng cho biết: "Nếu như năm năm 2011 - 2015 tăng trưởng bình quân 6%, thì mục tiêu năm năm tới phải là 6,5% - 7% bình quân mỗi năm".

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho hay, Việt Nam sẽ giữ bội chi ngân sách ở mức dưới 4% trong 5 năm tới, bảo đảm nợ công trong giới hạn an toàn và gắn liền sử dụng hiệu quả đầu tư công, Thủ tướng phát biểu. "Tôi xin nhấn mạnh rằng Việt Nam nhất quyết đảm bảo an tinh tài chính quốc gia, bảo đảm nợ công", Thủ tướng cam kết trước các nhà tài trợ, các đối tác phát triển trong diễn đàn.

Theo người đứng đầu Chính phủ, hiện nay Việt Nam đã, đang và sắp ký 14 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với 55 quốc gia trong đó có 15 nước thuộc Nhóm nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20). Đồng thời, đã có hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.

Để nền kinh tế phát triển và hội nhập sâu hơn, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định vĩ mô, không ngừng nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh, tập trung vào tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và cải cách hệ thống tài chính. Luật pháp, môi trường kinh doanh cũng được hoàn thiện theo hướng tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp được tự do sáng tạo, đầu tư kinh doanh.

Tin mới lên