M&A

Thương vụ FWD mua lại GEV: Quy tụ 'dàn sao' nhân sự bảo hiểm

(VNF) - Sau nhiều năm rò rỉ thông tin cuối cùng thì Tập đoàn Great Eastern đã thức bán Great Eastern Việt Nam (GVN) cho Tập đoàn FWD, doanh nghiệp bảo hiểm thuộc Tập đoàn Pacific Century (Châu Á), với giá trị 48,2 triệu đô la Singapore hôm 7/6.

Thương vụ FWD mua lại GEV: Quy tụ 'dàn sao' nhân sự bảo hiểm

Ông Huỳnh Thanh Phong, Tổng Giám đốc Điều hành Tập đoàn FWD. (Nguồn: FWD)

Không gây chú ý về giá trị chuyển nhượng, thương vụ này lại trở nên hấp dẫn bởi quy tụ được một "dàn sao" nhân sự trong ngành.

Ông Anantharaman Sridharan sẽ ngồi ghế CEO FWD Việt Nam

Đó là những người đã từng gắn bó với thị trường bảo hiểm Việt Nam trên các cương vị cấp cao nhất về điều hành và quản lý tại Prudential Việt Nam và AIA Việt Nam, từng làm nên thành công của Prudential, AIA, Manulife. Trong đó, dấu ấn của Prudential tại FWD là nổi bật hơn cả.

Cụ thể, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn FWD, ông Huỳnh Thanh Phong, không phải là cái tên xa lạ với thị trường bảo hiểm Việt Nam. 

Ông Phong từng là Tổng giám đốc đầu tiên của Prudential Việt Nam từ năm 1999, đưa công ty bảo hiểm nhân thọ này thuộc Top đầu về thị phần. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành của Prudential châu Á, đặc trách các công ty hoạt động tại các thị trường các nước trong khu vực.

Trước đó, ông còn là người có công hỗ trợ Manulife mở văn phòng đại diện và trở thành công ty bảo hiểm nhân thọ đầu tiên tại Việt Nam. Sau đó, ông Phong còn đảm nhận vị trí Tổng giám đốc điều hành khu vực của Tập đoàn AIA, kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên AIA Việt Nam.

Một người khác từng gắn bó với thị trường bảo hiểm Việt trên cương vị Tổng giám đốc AIA Việt Nam, ông Stephen Clark cũng đang nắm giữ vị trí lãnh đạo cấp cao tại Tập đoàn FWD.

Còn tại Great Eastern Việt Nam mới (sau khi đổi tên thành FWD, tạm gọi là FWD Việt Nam), theo ông Phong, ngoài duy trì và phát triển đội ngũ hiện có thì sẽ tuyển dụng đội ngũ quản lý giỏi, giàu kinh nghiệm về thị trường Việt Nam để điều hành Công ty, cùng với việc tuyển dụng nhân sự thích hợp ở các cấp.

Dẫu vậy, theo nguồn tin riêng của người viết, công tác chuẩn bị cho nhân sự cấp cao đã được chuẩn bị từ lâu, về cơ bản Công ty mới này đã "xếp chỗ" xong các vị trí nhân sự cấp cao, dù ngày 21/6 tới dự kiến mới hoàn tất thương vụ và tiến hành đổi tên.

Theo đó, ghế CEO FWD Việt Nam gần như đã có chủ. Ông Anantharaman Sridharan (người Ấn Độ), từng làm Phó tổng giám đốc phụ trách chiến lược kinh doanh Prudential Việt Nam, dự kiến sẽ ngồi vào ghế này và sẽ được chính thức hóa sau khi được sự chấp thuận của các cơ quan liên quan. 

Dấu ấn Prudential càng trở nên nổi bật khi Phó Tổng giám đốc của Great Eastern Việt Nam hiện tại, ông Lương Quang Ban cũng từng là Phó Tổng giám đốc Prudential Việt Nam.

Ngoài ra, sẽ có thêm làn sóng nhân sự cấp kế dưới từ "bộ ba" Prudential Việt Nam, AIA Việt Nam và Manulife Việt Nam đầu quân cho Công ty mới này cùng nhiều diễn biến mới khác.

Về chính sách giành cho nhân sự hiện tại của GVN, tại cuộc họp cách đây 3 ngày, ông Anantharaman. Sridharan khẳng định bên cạnh việc giữ lại toàn bộ nhân viên thì còn duy trì chính sách lương thưởng như hiện tại.

Thương vụ gần như không có lời

Được biết, thương vụ trên cũng giống như các hợp đồng chuyển giao khác, quyền lợi và các khoản đền bù trong hợp đồng bảo hiểm đã ký kết với GVN theo ông Khor Hock Seng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Great Eastern sẽ được FWD tuân thủ và không bị ảnh hưởng do việc chuyển đổi quyền sở hữu này.

Tuy nhiên, một điểm khác biệt so với các thương vụ tài chính - bảo hiểm, vụ chuyển nhượng trên chỉ mang tính chất "bán sang tay", mà theo ghi nhận của người viết từ GVN thì gần như không có lời. Nói như ông Khor Hock Seng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Great Eastern, "Giao dịch chuyển nhượng này không nhằm mục đích mang lại nguồn lợi tài chính cho Tập đoàn".

Bởi một thực tế, sau gần 9 năm hiện diện tại Việt Nam, Great Eastern Việt Nam chưa thực sự ghi dấu ấn về mặt doanh thu (doanh thu bảo hiểm, doanh thu đầu tư), số lượng khách hàng cũng như lợi nhuận, ngoại trừ nỗ lực hiện thực hóa sứ mệnh giúp khách hàng sống tốt hơn, khỏe mạnh hơn hay các giá trị khác liên quan đến tạo công ăn việc làm hay nghĩa vụ đóng thuế đầy đủ.

Con số tăng trưởng ấn tượng 126% trong 5 tháng đầu năm 2016 về tổng doanh thu phí khai thác mới có thể giúp DN này hoàn thành mục tiêu đạt mức tăng trưởng 30% trong năm 2016 nhưng chưa thể giúp Great Eastern Việt Nam có lãi được ngay. Trong khi đó, tại thị trường Singapore và Malaysia, Tập đoàn bảo hiểm nhân thọ lâu đời nhất này đạt giá trị tài sản 68,1 tỷ SGD (đô la Singapore) và trên 4 triệu chủ hợp đồng. 

Cùng với "dàn sao" từng gây ấn tượng mạnh trong phát triển kênh phân phối, FWD Việt Nam cũng được dự liệu sẽ phát triển mạnh mô hình tổng đại lý từng được tiên phong và ghi dấu ấn nhất định bởi Prudential Việt Nam. Thị trường cũng kỳ vọng Công ty mới sau sáp nhập sẽ được khoác lên một tấm áo mới sau nhiều năm liền còn ì ạch.

Kết quả cuối cùng còn phải chờ và trước mắt thị trường đang phải phải đối diện thêm với những cạnh tranh khốc liệt về nhân sự bảo hiểm khi FWD chính thức bước chân vào thị trường Việt Nam.

Được thành lập tại châu Á vào năm 2013, FWD là một công ty bảo hiểm thuộc tập đoàn đầu tư Pacific Century Group.

Đây cũng là lần thứ hai FWD tham gia vào thị trường mới trong năm nay. Tháng 4 vừa qua, FWD đã mua lại phần lớn cổ phần của Shenton Insurance - Tập đoàn cung cấp các dịch vụ bảo hiểm y tế tại SingaporeĐ.

FWD hiện đã mở rộng hoạt động và có mặt tại Hồng Kông, Macau, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Singapore, cung cấp các dịch vụ về bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm y tế, bảo hiểm cho người lao động, và các dịch vụ bảo hiểm khác tại các thị trường trên.

Tin mới lên