Ngân hàng

10 sự kiện nổi bật ngành ngân hàng năm 2021

(VNF) - Năm 2021, ngành ngân hàng Việt Nam chứng kiến nhiều sự kiện đáng chú ý cả trên khía cạnh chính sách lẫn hoạt động của các ngân hàng thương mại. Cùng VietnamFinance điểm lại 10 sự kiện nổi bật nhất của ngành ngân hàng trong 1 năm qua.

Lãnh đạo xuất thân ngân hàng làm Ủy viên Trung ương Đảng

Tháng 1/2021, Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam công bố danh sách các đại biểu trúng cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Trong số 180 đại biểu trúng cử có 6 đại biểu xuất thân từ ngành ngân hàng bao gồm: ông Lê Minh Hưng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN); bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc NHNN; ông Nghiêm Xuân Thành - nguyên Chủ tịch Vietcombank; ông Lê Đức Thọ - nguyên Chủ tịch VietinBank; ông Nguyễn Văn Thắng - Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Điện Biên, nguyên chủ tịch VietinBank và ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó chánh thanh tra NHNN.

Phê duyệt "Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"

Tháng 5/2021, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã ký Quyết định phê duyệt Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo chiến lược này, đến năm 2025, sẽ có 100% các dịch vụ công của NHNN đủ điều kiện được nâng cấp lên mức độ 4; 100% dịch vụ công mức độ 4 được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 90% hồ sơ công việc tại NHNN được xử lý và lưu trữ trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); ít nhất 50% hoạt động kiểm tra, giám sát của NHNN được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của NHNN.

Đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ có tối thiểu 50% các nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số, tối thiểu 50% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử và tối thiểu 70% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số (kênh tiếp xúc giữa khách hàng với ngân hàng có kết nối mạng internet).

Chiến lược cũng đặt kỳ vọng tối thiểu 60% tổ chức tín dụng có tỷ trọng doanh thu từ kênh số đạt trên 30%; tối thiểu 50% quyết định giải ngân, cho vay của ngân hàng thương mại, công ty tài chính đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân được thực hiện theo hướng số hóa, tự động và tối thiểu 70% hồ sơ công việc tại tổ chức tín dụng được xử lý và lưu trữ trên môi trường số (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước);

Mục tiêu cơ bản đến năm 2030 của chiến lược này sẽ có ít nhất 70% hoạt động kiểm tra, giám sát của NHNN được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của NHNN và đối với tổ chức tín dụng sẽ có ít nhất 70% các nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số.

Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 11/5/2021.

Mỹ rút Việt Nam khỏi danh sách thao túng tiền tệ

Hồi tháng 12/2020, trong báo cáo “Chính sách hối đoái và kinh tế vĩ mô của các đối tác thương mại chủ chốt của Mỹ”, Bộ Tài chính Mỹ đã dán nhãn “thao túng tiền tệ” cho Việt Nam và Thụy Sĩ dựa theo 3 tiêu chí: thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất 20 tỷ USD; thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng.

Tới ngày 16/4/2021, Bộ Tài chính Mỹ đã gửi báo cáo định kỳ 6 tháng 1 lần về các chính sách ngoại hối và kinh tế vĩ mô của 20 đối tác thương mại lớn của Mỹ, bao gồm cả Việt Nam, lên Quốc hội nước này. Báo cáo nêu rõ không có đủ bằng chứng để kết luận Việt Nam thao túng tiền tệ nhằm tạo lợi thế cạnh tranh lẫn thương mại. Báo cáo cũng kết luận rằng hiện không có nước nào nằm trong các tiêu chí của Mỹ để bị coi là quốc gia thao túng tiền tệ.

Sau đó, thông cáo của Bộ Tài chính Mỹ ngày 19/7 cho biết Bộ trưởng Janet Yellen ngày 19/7 đã có cuộc gặp trực tuyến với Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng và hai bên đã đạt được thỏa thuận về các hoạt động tiền tệ.

Theo tuyên bố chung sau cuộc gặp, hai bên cho biết tâm điểm của khung chính sách tiền tệ của NHNN nhằm thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. NHNN cũng cam kết sẽ tiếp tục cung cấp thông tin cần thiết để Bộ Tài chính Mỹ tiến hành phân tích kỹ lưỡng và báo cáo về hoạt động của NHNN trên thị trường ngoại hối trong Báo cáo định kỳ 6 tháng của Bộ này trước Quốc hội. Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh Mỹ và Việt Nam là các đối tác tin cậy trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau đồng thời cam kết duy trì hợp tác chặt chẽ giữa Bộ Tài chính Mỹ và NHNN.

Ngày 3/12/2021, Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục công bố báo cáo “Chính sách hối đoái và kinh tế vĩ mô của các đối tác thương mại chủ chốt của Mỹ”. Tại đây, Bộ Tài chính Mỹ tái khẳng định không dán nhãn “thao túng tiền tệ” cho Việt Nam giống như kết luận đưa ra ngày 16/4. Bản báo cáo nêu rõ không có đối tác thương mại lớn nào của Mỹ thao túng tiền tệ để có lợi thế thương mại hoặc để ngăn chặn các điều chỉnh cán cân thanh toán hiệu quả theo Đạo luật Cạnh tranh và Thương mại Omnibus năm 1988 (Đạo luật 1988).

Loạt ngân hàng "thay máu"

Thời gian qua, vấn đề nhân sự cao cấp, cổ đông lớn của Kienlongbank, NCB, LienVietPostBank,… đã nhận được sự quan tâm của giới đầu tư, cổ đông và thị trường. Trong đó, Kienlongbank gây chú ý khi có sự hiện diện của hàng loạt nhân sự liên quan đến Sunshine Group nắm giữ các chức vụ quan trọng tại ngân hàng.

Cụ thể, tại ĐHĐCĐ thường niên 2021 của KienlongBank, HĐQT ngân hàng này đã nhất trí bầu bà Trần Thị Thu Hằng - Phó chủ tịch HĐQT, giữ chức danh Chủ tịch HĐQT KienlongBank nhiệm kỳ 2018 - 2022 kể từ ngày 26/5/2021. Đáng chú ý, bà Trần Thị Thu Hằng lại đang giữ cương vị Tổng giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunshine (Sunshine Group) và Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư SIPT. Cũng liên quan đến nhân sự của Sunshine Group tại Kienlongbank là tân Phó tổng giám đốc KienLongBank Nguyễn Văn Minh lại là Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Sunshine Tech - Công ty phát triển công nghệ thuộc Sunshine Group.

Đặc biệt, ĐHĐCĐ Kienlongbank cũng đã thông qua tờ trình về việc bổ sung tên viết tắt bằng tiếng Anh là KSBank. Hồi tháng 2, logo KSBank đã xuất hiện trên biển hiệu quảng cáo của tòa nhà Tập đoàn Sunshine Group, sau khi bà Trần Thị Thu Hằng được bầu bổ sung vào HĐQT của KienlongBank. Tuy nhiên sau đó, Kienlongbank đã dừng kế hoạch bổ sung tên này do không được NHNN chấp thuận.

Chủ tịch Tập đoàn Sunshine Đỗ Anh Tuấn hiện đang giữ cương vị Phó tổng giám đốc Kienlongbank.

Ở một diễn biến có phần tương tự, cuối tháng 7 – đầu tháng 8/2021, NCB cũng công bố thông tin về việc thay Chủ tịch HĐQT và bổ nhiệm một loạt nhân sự cấp cao nhằm tăng nguồn lực cho quá trình tái cơ cấu ngân hàng. Theo đó, bà Bùi Thị Thanh Hương, từng là CEO của Sungroup đã được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị NCB. Bên cạnh bà Hương, các cổ đông NCB cũng bầu bổ sung bà Trương Lệ Hiền - cựu lãnh đạo của Vietcombank vào Hội đồng quản trị ngân hàng. Sau khi thay đổi Chủ tịch HĐQT, NCB tiếp tục công bố thay đổi tổng giám đốc và bổ nhiệm 2 phó tổng giám đốc mới. Cụ thể, bà Dương Thị Lệ Hà đảm nhận vị trí quyền Tổng giám đốc, bà Nguyễn Thị Thùy Dương và bà Hoàng Thu Trang được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc.

Còn với LienVietPostBank, hồi tháng 4/2021, tại đại hội đồng cổ đông thường niên Sacombank, ông Dương Công Minh đã nói về việc LienVietPostBank đã đổi chủ. "LienVietPostBank là "con đẻ" của tôi. Còn Sacombank là "con dâu" của tôi. Con nào tôi cũng yêu hết. Con đẻ thì tôi gả chồng rồi, cháu nó đã về nhà người ta. Còn con dâu thì mới về nhà mình nên mình phải thương hơn, phải quý hơn", ông Minh chia sẻ.

Ngày 6/5/2021, trong phiên họp đầu tiên của HĐQT LienVietPostBank tổ chức ngay sau đại hội đồng cổ đông năm 2021, ông Nguyễn Đức Thụy (hay còn gọi là “bầu Thụy”) đã được HĐQT thống nhất bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank.

Ông Nguyễn Đức Thụy (phải) cùng em trai Nguyễn Xuân Thủy - hiện cũng đang là cổ đông của LienVietPostBank.

VPBank bán 49% cổ phần FE Credit

Ngày 28/4/2021, VPBank đã ký kết thỏa thuận với Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (SMBC) bán 49% vốn điều lệ tại Công ty Tài chính TNHH MTV Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) cho công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBCCF) – công ty con do SMBC sở hữu 100% vốn. Trong thương vụ này, FE Credit được định giá 2,8 tỷ USD.

FE Credit từ nhiều năm qua được ví là "con gà đẻ trứng vàng" của VPBank. Hiện FE Credit là công ty tài chính tiêu dùng dẫn đầu tại Việt Nam với khoảng 50% thị phần, 20.000 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc và trên 13.000 nhân viên. Đến nay, FE Credit đã phục vụ gần 11 triệu người dân Việt Nam thông qua các sản phẩm và dịch vụ cho vay tín chấp.

Trong khi đó, Tập đoàn SMBC là một trong ba tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất tại Nhật Bản, với tổng tài sản trên 2.100 tỷ USD tại thời điểm 31/12/2020, đồng thời là công ty tài chính tiêu dùng dẫn đầu thị trường Nhật Bản với hơn 900 chi nhánh trên toàn quốc.

Không chỉ VPBank mà trong năm qua, SHB cũng bán cổ phần tại công ty tài chính do ngân hàng này sở hữu.

Cụ thể, ngày 25/8/2021, SHB đã ký kết các thỏa thuận chuyển nhượng vốn điều lệ tại Công ty Tài Chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB Finance) cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan – thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG – Nhật Bản. Theo đó, khi hai bên đáp ứng các yêu cầu theo quy định pháp luật và đạt được sự chấp thuận của NHNN cũng như cơ quan quản lý có liên quan của Việt Nam, Thái Lan và Nhật Bản; SHB sẽ chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của SHB Finance cho Krungsri và sẽ tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn còn lại sau 3 năm.

NHNN có 2 phó thống đốc mới

Ông Phạm Tiến Dũng (trái) và ông Phạm Thanh Hà

Đầu tháng 11/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký 2 quyết định bổ nhiệm có thời hạn 2 Phó Thống đốc NHNN là ông Phạm Tiến Dũng và ông Phạm Thanh Hà.

Ông Phạm Tiến Dũng có 30 năm kinh nghiệm làm việc tại NHNN trong lĩnh vực công nghệ thông tin ngân hàng. Ông từng công tác tại phòng Phát triển Phần mềm – Cục Công nghệ Tin học, tham gia phát triển các phần mềm thanh toán bù trừ, thanh toán liên ngân hàng; tham gia triển khai hệ thống CA cho NHNN áp dụng cho các tổ chức tín dụng; triển khai Tuxedo cho hệ thống NHNN.

Từ tháng 4/2014, ông được bổ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chuyển mạch tài chính Quốc gia Việt Nam (Banknetvn) và giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Banknetvn nhiệm kỳ 2015 – 2020. Từ tháng 6/2017, ông Phạm Tiến Dũng giữ cương vị Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN.

Ông Phạm Thanh Hà là Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh - Đại học George Washington - Mỹ. Ông được tiếp nhận và bổ nhiệm giữ chức Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN từ ngày 21/8/2017. Ông Hà đã công tác tại Vietcombank 23 năm, trong đó từng giữ các chức vụ trưởng phòng các đề án công nghệ, phòng kinh doanh ngoại tệ, phòng quản lý và kinh doanh vốn trước khi được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Vietcombank năm 2010.

Đổi thẻ từ sang thẻ chip

Theo Thông tư 41 ban hành năm 2018, hạn chót đến 31/12/2021, 100% thẻ nội địa phát hành phải là thẻ chip. Việc chuyển từ thẻ từ sang thẻ chip nhằm đảm bảo quyền lợi cho chủ thẻ, giúp giao dịch trở nên an toàn và bảo mật hơn.

Trong thời gian qua, các ngân hàng, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) và các đơn vị có liên quan theo đó đã phối hợp chặt chẽ, tích cực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi thẻ chip nội địa. Hiện, các ngân hàng vẫn trong lộ trình chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip với chi phí 0 đồng và đã dừng phát hành thẻ từ mới sau ngày 31/3/2021.

Nhiều người chưa kịp đổi thẻ cũng lo lắng sau thời gian trên, toàn bộ thẻ ATM từ sẽ không được chấp nhận tại các điểm giao dịch trên toàn quốc. Ngay sau đó, các chuyên gia cũng có ý kiến kiến nghị NHNN xem xét gia hạn thời gian chuyển đổi để giảm bớt áp lực cho ngân hàng thương mại.

Liên quan đến vấn đề này, NHNN đã ban hành văn bản số 8458/NHNN-TT về việc triển khai áp dụng tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa. Theo đó, NHNN cho biết sau ngày 31/12/2021 vẫn có thể sử dụng thẻ từ để thực hiện các giao dịch thẻ tại ATM, POS, kênh Internet Banking, di động (Mobile Banking), quầy giao dịch theo đúng quy định pháp luật.

NHNN cho hay để tránh hiểu lầm, gây hoang mang ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, uy tín của hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động thẻ ngân hàng nói riêng, các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ cần tăng cường chính sách khuyến khích, hỗ trợ khách hàng thực hiện chuyển đổi từ thẻ từ nội địa sang thẻ chip nội địa; tuyên truyền các tiện ích, tính năng ưu việt, an toàn của thẻ chip nội địa và rủi ro liên quan đến việc tiếp tục sử dụng thẻ từ nội địa; đồng thời hướng dẫn khách hàng là chủ thẻ sử dụng các kênh thanh toán điện tử khác như Internet Banking, Mobile Banking, QR Code... từ đó có cách tiếp cận, biện pháp phù hợp để chủ thẻ sớm thực hiện chuyển đổi sang thẻ chip nội địa. 

Ngoài ra, phối hợp với Chi hội Thẻ ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) và NAPAS xây dựng và ban hành Quy định chuyển đổi trách nhiệm trong việc thực hiện chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip nội địa, chính thức áp dụng từ ngày 1/1/2022.

NHNN cho phép mở thẻ ngân hàng online

NHNN đã ban hành Thông tư 17/2021/TT-NHNN ngày 16/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 19/2016/TT-NHNN về hoạt động thẻ ngân hàng. Thông tư 17/2021/TT-NHNN quy định: tổ chức phát hành thẻ phải xây dựng, ban hành, công khai quy trình, thủ tục phát hành thẻ của cá nhân bằng phương thức điện tử phù hợp với quy định, pháp luật về phòng, chống rửa tiền, pháp luật về giao dịch điện tử, các quy định pháp luật liên quan về bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin khách hàng và an toàn hoạt động của tổ chức phát hành thẻ.

Các bước tối thiểu gồm: Thu thập thông tin, giấy tờ cần thiết trước khi giao kết hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ với khách hàng nhằm nhận biết khách hàng và xác định hạn mức giao dịch của thẻ ghi nợ, thẻ trả trước định danh, thẻ tín dụng theo quy định; Thực hiện kiểm tra, đối chiếu và xác minh thông tin nhận biết khách hàng; Cảnh báo cho khách hàng về các hành vi không được thực hiện trong quá trình mở và sử dụng thẻ được phát hành bằng phương thức điện tử; Cung cấp cho khách hàng hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ theo các nội dung quy định và thực hiện giao kết hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ với khách hàng bảo đảm quy định về pháp luật giao dịch điện tử.

Cùng với đó, thông báo tên tổ chức phát hành thẻ, tên hoặc nhãn hiệu thương mại của thẻ, số thẻ, thời hạn hiệu lực (hoặc thời điểm bắt đầu có hiệu lực) của thẻ, tên chủ thẻ, phạm vi và chức năng sử dụng của thẻ, các điều cấm theo quy định pháp luật khi sử dụng thẻ cho khách hàng.

Theo NHNN, tổ chức phát hành thẻ được quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ để nhận biết và xác minh khách hàng phục vụ việc phát hành thẻ bằng phương thức điện tử; chịu trách nhiệm về rủi ro phát sinh (nếu có) và phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu quy định. Tổ chức phát hành thẻ căn cứ điều kiện công nghệ áp dụng khi nhận biết và xác minh khách hàng để đánh giá rủi ro, quyết định áp dụng hạn mức giao dịch của khách hàng mở bằng phương thức điện tử nhưng phải bảo đảm tổng hạn mức giao dịch (bao gồm rút tiền mặt, chuyển khoản, thanh toán) của thẻ ghi nợ hoặc thẻ trả trước định danh hoặc thẻ tín dụng của một khách hàng không vượt quá 100 triệu đồng Việt Nam trong một tháng và không thực hiện rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài, thanh toán quốc tế.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Đại hội cổ đông Eximbank liên tục bất thành

Ngày 17/4/2021, Eximbank đã tổ chức họp ĐHCĐ thường niên năm 2021 lần 1. Tuy nhiên, cuộc họp không đủ điều kiện tiến hành do không đủ số cổ đông tham dự.

Sau đó, Eximbank dự kiến tổ chức họp ĐHCĐ thường niên năm 2021 lần thứ 2 vào ngày 29/07/2021 và ĐHCĐ bất thường vào ngày 30/07/2021 tại Hà Nội. Tuy nhiên, gần tới ngày tổ chức, Eximbank đã ra thông báo do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sẽ dời cả 2 cuộc họp này sang thời điểm thích hợp khi đảm bảo đủ điều kiện theo quy định.

Trong thông báo mới đây, HĐQT Eximbank cho biết dự kiến sẽ tổ chức họp ĐHCĐ thường niên 2021 vào ngày 15/3/2022 để tiến hành bầu thành viên HĐQT và Ban kiểm soát sau khi trình hồ sơ nhân sự được đề cử lên NHNN vào ngày 24/1/2022.

Tính từ năm 2019 đến nay, Eximbank đã phải hoãn, dời, tổ chức bất thành hơn 10 ĐHCĐ, tính cả ĐHCĐ thường niên lẫn bất thường vì hàng loạt lý do: tranh chấp giữa các nhóm cổ đông, do dịch bệnh Covid-19, do cần có thêm thời gian để hoàn thiện kỹ lưỡng công tác tổ chức,...

Ngân hàng quốc doanh tăng vốn điều lệ

Việc Chính phủ đã ban hành Nghị định 121/2020/NĐ-CP đã mở đường cho các ngân hàng quốc doanh được tăng vốn điều lệ bằng hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Ngày 24/12/2021, BIDV đã chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 2% và chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25,77%.

Tại Vietcombank, ngân hàng chốt danh sách cổ đông ngày 23/12/2021 để trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 12%, cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 27,6%.

Trước đó vào tháng 7/2021, VietinBank đã phát hành hơn 1,08 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 29%. Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận để lại sau trích quỹ và chia cổ tức tiền mặt năm 2017, 2018 và 2019.

Ngoài 3 ngân hàng quốc doanh cổ phần trên, Agribank cũng được "đặc cách" tăng vốn điều lệ bằng tiền ngân sách sau khi được Quốc hội đồng ý vào năm 2020. Báo cáo tài chính năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy, việc tăng vốn điều lệ này đã được thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2021 với mức tăng khoảng 3.500 tỷ đồng.

Tin mới lên