3 điểm nghẽn trong hoạt động tư vấn tài chính ở Việt Nam

Hải Đường - 15/06/2024 16:15 (GMT+7)

(VNF) - Theo ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc FIDT, Việt Nam đang có 3 điểm nghẽn lớn trong hoạt động tư vấn tài chính. Một là chênh lệch về cán cân năng lực. Hai là thiếu tiêu chuẩn hành nghề phù hợp với giai đoạn thúc đẩy tư vấn tài chính cá nhân và ba là việc trì hoãn giải quyết vấn đề cốt lõi.

Chia sẻ về thực trạng chất lượng tư vấn của ngành bảo hiểm nhân thọ hiện nay, TS. Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA), nhấn mạnh: "Thực tế hiện nay, chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận phần đông chất lượng dịch vụ tư vấn tài chính trong ngành bảo hiểm nhân thọ dù có cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn rất nhiều điểm trừ trong mắt người dân, vẫn còn lượng lớn người tư vấn chỉ xem đây là công việc ngắn hạn, tận dụng tối đa các mối quan hệ để bán bằng được hợp đồng, hoặc không đủ năng lực đánh giá tài chính và bán các hợp đồng giá trị quá lớn hoặc sản phẩm không phù hợp dẫn đến khách hàng không thể theo hợp đồng khi gặp các áp lực tài chính”.

TS Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch VFCA

Theo TS Lê Minh Nghĩa, các chương trình đào tạo người tư vấn tài chính hiện nay đang giải quyết về mặt kỹ năng là chính, chưa đảm bảo đủ chất lượng theo thông lệ quốc tế trong khi thị trường bảo hiểm đang phát triển nhanh chóng trong vài năm trước 2022. Nghề tư vấn tài chính trong bảo hiểm cần hài hòa lợi ích của bản thân và cả phía người mua. Để làm được điều đó, người tư vấn phải có chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp được chuẩn hóa và thẩm định, chứ không phải tự hô hào.

Tiếp nối nhận định từ Hiệp hội VFCA, ông Ngô Thành Huấn, Thạc sĩ ngành Hoạch định tài chính cá nhân (Financial Planning) tại Úc, đồng thời là Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư và quản lý tài sản FIDT, cho biết ngành bảo hiểm nhân thọ trên thế giới cơ bản được chia thành 3 giai đoạn với phương thức và chất lượng tư vấn được nâng cấp khác nhau.

Cụ thể, giai đoạn 1 - thuần sản phẩm là giai đoạn người tư vấn chỉ thuần tập trung vào lợi ích sản phẩm cho người dùng, đóng vai trò giải thích tính năng sản phẩm, do đó không thể kỳ vọng nhiều vì ở giai đoạn này thị trường tài chính và nhu cầu quản lý tài chính của người dân chưa phát triển. Phần lớn các quốc gia tại châu Phi hay tại Đông Nam Á là Campuchia, Lào và Myanmar được xếp ở giai đoạn 1.

Giai đoạn 2 - bán sản phẩm có tư vấn tài chính, là giai đoạn sản phẩm cần đi cùng với bức tranh tài chính cá nhân toàn diện của khách hàng, được người tư vấn nêu ra và là một phần tất yếu của dịch vụ tư vấn. Để làm được điều này, ông Ngô Thành Huấn cho rằng năng lực của người đại lý bảo hiểm cần được nâng lên một tầm cao mới với tên gọi chuyên viên tư vấn tài chính.

Khi đó, người tư vấn được trang bị kiến thức, kỹ năng về hoạch định tài chính cá nhân để giúp khách hàng xây dựng kế hoạch bảo vệ tài chính phức tạp hơn trong mối tương quan với đầu tư, quản lý dòng tiền. Khi nhu cầu từ thị trường cao hơn thì các yếu tố về đạo đức nghề nghiệp cũng sẽ được thiết lập ở mức nghiêm ngặt.

Ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc FIDT

Việt Nam được các định chế bảo hiểm hàng đầu thế giới như Prudential xếp vào giai đoạn 2 kể từ năm 2021, so với Singapore hay Đài Loan đã vào giai đoạn 2 trong vài chục năm qua.

Sau cùng, giai đoạn 3 - bảo hiểm được phân phối từ các nhà hoạch định tài chính cá nhân chuyên nghiệp (tiếng Anh là Financial Planner), các cường quốc như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản,... là đang trong giai đoạn này. Ở giai đoạn 3, các sản phẩm bảo hiểm sẽ tự chảy trong dòng chảy của tài chính theo nhu cầu của người dân.

Theo ông Ngô Thành Huấn, Việt Nam đang có 3 điểm nghẽn lớn trong hoạt động tư vấn tài chính. Một là chênh lệch về cán cân năng lực. Theo đó, Giám đốc FIDT cho răng đang có một sự mất đối xứng trong đào tạo chuyên môn và nghiệp vụ, các chương trình đào tạo đang nghiêng về người bán hơn là người mua. Ngoài ra, vẫn tồn tại nhiều khoảng cách giữa tiêu chuẩn đầu vào của đại lý bảo hiểm so với khung năng lực của tư vấn tài chính (Financial Planner).

Điểm nghẽn thứ hai là thiếu tiêu chuẩn hành nghề phù hợp với giai đoạn thúc đẩy tư vấn tài chính cá nhân, đơn cử như chứng chỉ kiến thức tài chính cá nhân, khung năng lực và đạo đức hành nghề, hành lang pháp lý,…

Thứ ba là điểm nghẽn về trì hoãn giải quyết vấn đề cốt lõi. Theo đó, ông Ngô Thành Huấn cho biết tâm lý khai thác giai đoạn 1 đang trì hoãn việc thúc đẩy thị trường lên giai đoạn 2. Ngoài ra, vấn đề còn nằm ở việc trì hoãn xây dựng chính sách và năng lực tư vấn tài chính cá nhân cho đội ngũ nhân lực.

'Đã đến lúc nâng tầm chất lượng tư vấn bảo hiểm nhân thọ'

'Đã đến lúc nâng tầm chất lượng tư vấn bảo hiểm nhân thọ'

Tài chính tiêu dùng
(VNF) - Theo TS Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch VFCA, nguyên nhân chính cho sự thăng trầm của thị trường bảo hiểm nhân thọ năm 2023-2024 chính là niềm tin bị đánh tráo bởi cả người bán lẫn người mua và người thụ hưởng.
Tầm quan trọng của hoạch định tài chính cá nhân cho người hành nghề tư vấn bảo hiểm

Tầm quan trọng của hoạch định tài chính cá nhân cho người hành nghề tư vấn bảo hiểm

Tài chính tiêu dùng
(VNF) - Nhận thức tầm quan trọng của hoạch định tài chính cá nhân và ứng dụng được kiến thức đó trong hoạt động tư vấn bảo hiểm đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như xây dựng sự phát triển bền vững của nghề nghiệp của người tư vấn bảo hiểm nói riêng và cho cả ngành bảo hiểm nói chung.
Thiếu thông tin, người dân dễ hiểu lầm về bảo hiểm

Thiếu thông tin, người dân dễ hiểu lầm về bảo hiểm

Tài chính tiêu dùng
(VNF) - Nhiều người dân Việt Nam vẫn còn những hiểu lầm về bảo hiểm, dẫn đến việc chưa tận dụng được hết những lợi ích mà bảo hiểm mang lại.
Từng bước phục hồi ngành bảo hiểm nhân thọ

Từng bước phục hồi ngành bảo hiểm nhân thọ

Tài chính tiêu dùng
(VNF) - Sau khủng hoảng năm 2023, cả Chính phủ và các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã thực hiện nhiều biện pháp để phục hồi ngành.
Cùng chuyên mục
Tin khác