Ngân hàng

4 năm chính sách tiền tệ và những ‘lát cắt’ (kỳ 4): Tỷ giá

(VNF) - Cùng VietnamFinance nhìn lại chính sách tiền tệ của Việt Nam từ năm 2014 tới nay – giai đoạn chuyển giao giữa 2 nhiệm kỳ Thống đốc. "Lát cắt" thứ tư chúng tôi muốn đề cập đến là tỷ giá.

4 năm chính sách tiền tệ và những ‘lát cắt’ (kỳ 4): Tỷ giá

Diễn biến tỷ giá khá "bình yên" trong năm 2014, 2017 và khá "giằng co" trong năm 2015, 2016

Dù chưa hết năm nhưng 2017 có thể nhìn nhận là một năm "bình yên" của tỷ giá. Số liệu tháng 10/2017 cho thấy, tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng thương mại (NHTM) và trên thị trường tự do ổn định so với tháng trước và tiếp tục xu hướng giảm so với đầu năm trong khi tỷ giá trung tâm tiếp tục được điều chỉnh tăng.

Tính đến ngày 20/10/2017, tỷ giá trung tâm ở mức 22.465 VND/USD, tăng 1,39% so với đầu năm. Trong khi đó, tỷ giá NHTM giảm 0,19%, tỷ giá thị trường tự do giảm 1,49% so với đầu năm.

Thị trường ngoại hối hiện vẫn đang được hỗ trợ từ nhiều yếu tố như áp lực từ phía cầu ngoại tệ được giảm thiểu khi cán cân thương mại trở lại xuất siêu; chênh lệch giữa lãi suất huy động VND và USD vẫn nghiêng về việc nắm giữ VND (chênh lệch khoảng 6,8%/năm); cùng với đó là dự trữ ngoại hối tăng lên mức kỷ lục 46 tỷ USD, tạo dư địa khá tốt trong việc ổn định tỷ giá.

Nhìn lại 4 năm qua, năm 2014 cũng là một năm mà tỷ giá diễn biến "bình yên". Trong năm 2014, tỷ giá USD/VND về cơ bản ổn định, tỷ giá bình quân liên ngân hàng tăng 1%, tỷ giá liên ngân hàng và tỷ giá niêm yết của NHTM tăng khoảng 1,4% so với cuối năm 2013, nằm trong phạm vi định hướng tăng 1-2% của Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm.

Tỷ giá diễn biến khá "bình yên" trong năm 2014 và năm 2017

Trái ngược với năm 2014 và năm 2017, chính sách tỷ giá năm 2015 và năm 2016 đối mặt với đầy khó khăn.

Ngay từ đầu năm 2015, để ổn định tâm lý và chủ động dẫn dắt thị trường ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra mức dự kiến biến động tỷ giá cả năm không quá 2%.

Tuy nhiên, trong năm 2015, thị trường tài chính, tiền tệ thế giới có nhiều yếu tố đột biến như Trung Quốc đột ngột phá giá đồng CNY vào tháng 8/2015, FED đến cuối năm 2015 mới điều chỉnh tăng lãi suất thay vì kỳ vọng tăng ngay từ đầu năm là những yếu tố đã khiến đồng USD biến động phức tạp, kéo theo các biến động trên thị trường trong nước. Điều này đặt ra khó khăn, thách thức lớn cho công tác điều hành tỷ giá, ổn định thị trường ngoại tệ năm 2015.

Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã phải áp dụng hàng loạt giải pháp nhằm giải tỏa các áp lực trên thị trường ngoại tệ, ứng phó với những diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế.

Biện pháp đầu tiên phải kể đến là việc Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng tăng 3%, cao hơn dự kiến đầu năm, đồng thời nới rộng biên độ tỷ giá từ 1% lên 3% tạo điều kiện cho tỷ giá linh hoạt hơn để ứng phó với các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế.

Đồng thời thực hiện can thiệp mua/bán ngoại tệ, đảm bảo thanh khoản cho thị trường, giúp cung cầu thông suốt, giảm áp lực lên tỷ giá.

Tiếp nữa là ban hành Thông tư 15 ngày 2/10/2015 quy định chặt chẽ hơn về giao dịch ngoại tệ nhằm góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ.

Thứ tư, đặc biệt nhất, mang tính bước ngoặt nhất là việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 2730 ngày 31/12/2015 về việc công bố tỷ giá trung tâm của VND với USD, tỷ giá tính chéo của VND đối với một số ngoại tệ khác.

Theo đó, tỷ giá trung tâm của VND với USD được xác định trên cơ sở tham chiếu diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của một số đồng tiền của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Tỷ giá trung tâm có thể coi là chính sách tiền tệ mang tính bước ngoặt trong vòng 4 năm trở lại đây

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước lần đầu tiên thực hiện bán ngoại tệ kỳ hạn có hủy ngang cho các TCTD với tỷ giá xác định trước và đáo hạn vào cuối quý I/2016, nhằm giúp nhà đầu tư yên tâm vào nguồn cung ngoại tệ trên thị trường, ngầm định hướng vùng tỷ giá mục tiêu và hạn chế tâm lý kỳ vọng, đầu cơ, găm giữ ngoại tệ, giảm bớt việc sử dụng Dự trữ ngoại hối Nhà nước để can thiệp thị trường.

Đến cuối năm, tỷ giá bình quân liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố tăng 3%, tỷ giá liên ngân hàng và tỷ giá niêm yết của NHTM tăng khoảng 5% so với cuối năm 2014.

Bước sang năm 2016, thị trường ngoại hối mặc dù không biến động khó lường như năm 2015 nhưng cũng phải chịu ảnh hưởng nhẹ từ sự kiện Brexit hồi giữa năm; đặc biệt là cuối năm khi tỷ giá chịu tác động lớn bởi nhu cầu thanh toán về cuối năm, tâm lý đón đầu khả năng FED tăng lãi suất vào tháng 12 và việc USD tăng giá trên thị trường thế giới sau kết quả bầu Tổng thống Mỹ.

Tỷ giá trung tâm tính đến cuối tháng 11/2016 tăng khoảng hơn 1% so với đầu năm. Tỷ giá ngân hàng thương mại và thị trường phi chính thức cũng tăng trở lại, phổ biến ở mức 22.700 VND/USD vào cuối tháng 11, tăng khoảng 0,22% so với đầu năm.

Tin mới lên