9 tháng đầu năm, MB tiếp tục khẳng định lợi thế tiên phong chuyển đổi số

Thu Hà - 16/10/2020 10:50 (GMT+7)

(VNF) - Ngân hàng Quân Đội (MB) vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2020 với những con số khả quan trong bối cảnh thích ứng với trạng thái “bình thường mới”. Chiến lược chuyển đổi số tiếp tục được đẩy mạnh. Các ứng dụng ngân hàng số App MBBank (dành cho khách hàng cá nhân) và Biz MBBank (dành cho khách hàng doanh nghiệp) được cải tiến không ngừng.

VNF
9 tháng đầu năm, MB tiếp tục khẳng định lợi thế tiên phong chuyển đổi số.

Tăng trưởng ổn định, bước đà cho quý IV/2020

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận riêng ngân hàng tính đến hết ngày 30/09/2020 đạt gần 7.400 tỷ, tăng không đáng kể so với cùng kỳ. Các công ty con của MB có sự phục hồi sau Covid-19, đóng góp hơn 1.000 tỷ vào lợi nhuận chung của tập đoàn. Tổng lợi nhuận trước thuế các công ty con tăng hơn 20% so với cùng kỳ. Đặc biệt, công ty bảo hiểm nhân thọ MB Ageas có sự bứt phá mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng gần 1,8 lần so với cùng kỳ, đạt gần 280 tỷ lợi nhuận trước thuế.

Dư nợ tín dụng riêng ngân hàng tăng 12,4% so với thời điểm 31/12/2019, trong khi tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,36%. Bên cạnh đó, tỷ lệ quỹ dự phòng tín dụng/nợ xấu của MB tại thời điểm 30/09/2020 ở mức 131%.

Chuyển đổi số - lợi thế bứt phá sau dịch

“MB là một trong những ngân hàng có bước chuyển dịch số nổi bật nhất tại Việt Nam” – đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trong buổi làm việc với lãnh đạo cấp cao MB về chuyên đề Chuyển đổi số cuối tháng 9 vừa qua.

Xác định ngân hàng số là hạt nhân cho sự phát triển bền vững, lâu dài với tầm nhìn trở thành “Ngân hàng thuận tiện nhất” vào năm 2021, MB đã liên tục ra mắt và cải tiến nhiều sản phẩm số như App MBBank, Biz MBBank, các sản phẩm cho vay trên kênh số, tạo sự thuận tiện cho khách hàng. Việc đẩy mạnh phát triển hai ứng dụng số này đã góp phần không nhỏ vào việc tăng casa từ khách hàng. Tính đến 30/09/2020, casa của MB đã vượt 100.000 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 10% so với thời điểm cuối quý II năm 2020 và tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với lợi thế tiên phong chuyển đổi số, tính đến hết tháng 9 năm 2020, tỷ lệ giao dịch qua kênh số tại MB đạt mức 80%, số lượng khách hàng giao dịch qua App MBBank đạt trên 2,2 triệu user. Đáng chú ý, liên tiếp trong vài ngày cuối tháng 06/2020, App MBBank đã vươn lên đứng đầu các ứng dụng miễn phí được download tại App Store Việt Nam, vượt qua nhiều tên tuổi lớn của thế giới như Facebook, Google hay Tiktok. Đây là minh chứng rất rõ ràng về mức độ khả thi trong việc thực hiện hóa các mục tiêu chiến lược giai đoạn 2017-2021.

Không chỉ thực hiện hợp tác với nhiều tập đoàn công nghệ hiện đại của Việt Nam cũng như thế giới nhằm tối ưu dịch vụ số, MB còn ưu tiên tạo ra một “văn hóa số” xuyên suốt trong môi trường làm việc với nhiều hình thức đa dạng, biến số hóa trở thành hơi thở tự nhiên của mỗi cán bộ nhân viên.

Trụ sở mới, vươn tầm cao mới

Với triết lý kinh doanh “Tận tâm tạo ra giá trị gia tăng cho khách hàng, đối tác, cổ đông, cán bộ nhân viên và cộng đồng – xã hội”, đánh dấu sự phát triển không ngừng của MB sau gần 26 năm, MB chuyển trụ sở làm việc mới tại tòa nhà MB Grand Tower - 63 Lê Văn Lương, Hà Nội. Với tổng diện tích gần 5.000 mét vuông gồm 25 tầng nổi và 4 tầng hầm, hội sở mới đáp ứng quy mô phát triển đang ngày càng nhanh của MB trong hiện tại và những giai đoạn phát triển tiếp theo.

Được bình chọn là một trong những nơi làm việc tốt nhất Việt Nam ngành ngân hàng, MB tập trung xây dựng môi trường làm việc thuận tiện, an toàn và thân thiện. Không chỉ có văn phòng hạng A với đầy đủ tiện ích, cây xanh, tòa nhà làm việc của MB còn thiết kế khu chăm sóc sức khỏe “MB Fitness Centre” dành riêng cho cán bộ nhân viên, tích hợp nhiều tính năng khác nhau với nhiều máy móc hiện đại, đảm bảo mỗi cán bộ nhân viên đều được rèn luyện sức khỏe một cách tốt nhất, tăng cường sự tinh thần gắn kết cao trong nội bộ.

“Vượt bão” thành công, sẵn sàng bứt phá

Trải qua 9 tháng với bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng đến mọi ngành nghề, lĩnh vực của xã hội, song với sự chủ động, linh hoạt và những nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ nhân viên, MB đã nhanh chóng thích ứng với tình trạng “bình thường mới” sau đại dịch.

Nói về kinh nghiệm “vượt bão” của MB, Chủ tịch HĐAT MB – ông Lê Hữu Đức khẳng định: “Ngay khi dịch nổ ra, MB đã nhanh chóng xây dựng và áp dụng 3 nhóm giải pháp, bao gồm: Đảm bảo hoạt động liên tục, thực thi trách nhiệm với cộng đồng và thích ứng với sự thay đổi. Nhờ tầm nhìn chiến lược đúng đắn với phương châm củng cố nền tảng, chuyển dịch số, tăng trưởng toàn diện, hiệu quả và bền vững trong chiến lược 2017-2021, MB đã biến đại dịch thành cơ hội kiểm tra sức bền và lấy đà tiếp tục vươn lên”.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Hình dáng cầu vượt biển dài nhất miền Trung vươn mình qua cửa Thuận An

Hình dáng cầu vượt biển dài nhất miền Trung vươn mình qua cửa Thuận An

(VNF) - Cầu vượt qua cửa biển Thuận An đang dần được hoàn thành, trên vùng cửa biển mênh mông, cây cầu và tuyến đường nổi lên như 1 nét chấm phá tuyệt đẹp. Công trình cũng được kỳ vọng là động lực thúc đẩy phát triển vùng ven biển Thừa Thiên Huế. Xin giới thiệu những hình ảnh mới nhất về cầu vượt biển dài nhất miền Trung của tác giả Minh Tú tham dự cuộc thi 'Đánh thức những miền đất'.