90 CEO Mỹ cùng kiến nghị Tổng thống Joe Biden tăng tốc viện trợ vắc xin cho Việt Nam
Anh Phan -
15/08/2021 20:38 (GMT+7)
(VNF) - Theo thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), 90 CEO của các nhãn hàng hàng đầu Mỹ như: Adidas, Coach, Gap, Hanebrands, Nike, VF, Under Amour… mới đây đã cùng ký vào một bức thư chung kiến nghị Tổng thống Mỹ Joe Biden tăng tốc viện trợ vắc xin cho Việt Nam.
Lá thư nhấn mạnh, Việt Nam là một đối tác kinh tế và chuỗi cung ứng quan trọng của Mỹ, là nhà cung cấp hàng may mặc, giày dép lớn thứ hai cho thị trường Mỹ. Hiện tại, Việt Nam đang trải qua một đợt bùng phát dịch nghiêm trọng.
Nội dung lá thư cũng khẳng định việc kết nối giữa những ngành sản xuất của Việt Nam trong vai trò cung ứng với các ngành sản xuất hàng hóa có liên quan đang sử dụng 3 triệu lao động tại Mỹ. Ngành này phụ thuộc trực tiếp và rất lớn vào "sức khoẻ" của công nghiệp Việt Nam bởi tính liên thông từ chuỗi giá trị. Do đó, nếu khôi phục nhanh chóng các ngành sản xuất công nghiệp trọng yếu của Việt Nam, thông qua chương trình cung cấp vắc xin, sẽ làm giảm thiểu các ảnh hưởng đang tác động trực tiếp, gây nên nguy cơ phá vỡ chuỗi cung ứng ở những lĩnh vực, ngành hàng có liên quan đến thị trường và doanh nghiệp Mỹ.
Các nhãn hàng này đều là thành viên của Hiệp hội May mặc và giày dép Mỹ (AAFA), một hiệp hội với hơn 1.000 thành viên là các nhãn hàng, doanh nghiệp, các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực dệt may, giày dép của Mỹ.
Bà Hoàng Ngọc Ánh, Tổng Thư ký VITAS chia sẻ, hưởng ứng lời kêu gọi của VITAS và LEFASO, trước đó ngày 09/06/2021, AAFA cũng đã gửi bức thư thứ nhất tới Tổng thống Biden để kêu gọi chính quyền Tổng thống Biden kêu gọi chia sẻ vắc xin tới các quốc gia đối tác chính trong chuỗi cung ứng dệt may và giầy dép của Mỹ, trong đó có Việt Nam.
Ngày 27/07/2021, AAFA đã gửi tiếp tục gửi 02 bức thư tới Tổng thống Biden và Thủ tướng Phạm Minh Chính để tiếp tục yêu cầu chính phủ Mỹ viện trợ vắc xin COVID-19 cho Việt Nam, liên tục nhấn mạnh vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng hàng hóa cho thị trường Mỹ, đồng thời kiến nghị chính phủ Việt Nam có những hành động ứng phó với Covid.
Ngày 10/08/2021, VITAS- LEFASO đã có buổi họp cùng hơn 60 CEO của các nhãn hàng Mỹ bàn về cách thức vận động vắc xin và hỗ trợ y tế nhiều hơn cho Việt Nam, các giải pháp phục hồi từng bước cho sản xuất của các nhà máy.
Bà Hoàng Ngọc Ánh cho hay: “Các nhãn hàng rất lo lắng về nguy cơ đơn hàng và chuỗi cung ứng bị đứt gãnh trong các tháng cuối năm khi mà vắc xin chưa về kịp, việc giãn cách gây ảnh hưởng trầm trọng tới việc quay trở lại sản xuất khi mà việc thực hiện 3 tại chỗ là không khả thi đối với các doanh nghiệp sử dụng lượng lớn công nhân”.
Tổng Thư ký VITAS cũng cho biết đã kiến nghị các nhãn hàng có các hành động đồng hành phối hợp cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch, linh hoạt liên kết với các doanh nghiệp tại khu vực miền Trung và miền Bắc để thực hiện đơn hàng trước mắt, chia sẻ các kinh nghiệm về tăng năng suất lao động trong các nhà máy trong bối cảnh phải cắt giảm lao động và thêm nữa phối hợp để cùng giải quyền vấn đề khủng hoảng container đang diễn ra trên toàn cầu.
Trong thông cáo phát ra ngày 4/8, Nhà Trắng cho hay bắt đầu từ cuối tháng 8, Mỹ sẽ bắt đầu vận chuyển nửa tỷ liều Pfizer mà Mỹ đã cam kết mua và tặng cho 100 quốc gia thu nhập thấp đang cần vắc xin.
Dựa trên danh sách mà Nhà Trắng đính kèm thông cáo, Việt Nam xếp thứ 7 trong danh sách các nước và vùng lãnh thổ nhận nhiều vắc xin viện trợ từ Mỹ nhất với 5 triệu liều, sau Indonesia (8 triệu), Philippines (hơn 6,2 triệu), Colombia (6 triệu liều), Nam Phi (hơn 5,6 triệu liều), Pakistan (5,5 triệu liều) và Bangladesh (5,5 triệu liều).
Thông cáo của Nhà Trắng nêu rõ mục tiêu của Mỹ là tăng tỷ lệ bao phủ tiêm chủng Covid-19 trên toàn cầu, ưu tiên cho nhân viên y tế cũng như các nhóm dân cư dễ bị tổn thương.
Đặc biệt, Nhà Trắng khẳng định "Mỹ không và sẽ không sử dụng vắc xin của mình để đổi lấy sự ủng hộ từ các quốc gia khác. Mục đích của chúng tôi là cứu sống mọi người”.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone