Ngân hàng

ACB và bài toán tăng trưởng lợi nhuận năm 2020

(VNF) - ACB hiện không có nhiều dư địa để gia cố tốc độ tăng trưởng lợi nhuận. Yếu tố được giới đầu tư trông chờ nhất đang là hợp đồng bancassurance độc quyền, tuy nhiên, hiệu quả thực sự còn phải đong đếm lại khi triển khai bởi trên thực tế, phương thức hợp tác bancassurance hiện nay của ACB vẫn đang cho kết quả rất tốt.

ACB và bài toán tăng trưởng lợi nhuận năm 2020

ACB hiện không có nhiều dư địa để gia cố tốc độ tăng trưởng lợi nhuận

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2019 vừa công bố, ACB ghi nhận lợi nhuận trước thuế cả năm 2019 đạt 7.515 tỷ đồng, tăng 17,6% so với năm 2018.

Mức tăng trưởng lợi nhuận này mặc dù thấp nhất 4 năm nhưng so với mặt bằng chung cũng là con số tương đối tốt.

Tuy nhiên, tình hình kém khả quan hơn khi đi sâu vào từng cấu phần hình thành nên lợi nhuận. Đầu tiên phải kể đến yếu tố trích lập dự phòng.

Một trong những yếu tố lớn nhất giúp ACB ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận trước thuế tương đối tốt trong năm 2019 là việc giảm trích lập dự phòng. Theo đó, quy mô trích lập giảm tới 71%, trong khi nếu tính theo tỷ lệ so với lợi nhuận thuần, trích lập dự phòng năm 2019 chỉ chiếm vỏn vẹn 3,5% (năm 2018 là 12,7%).

Điều này hàm ý rằng trong tương lai, ACB gần như không còn dư địa để giảm đáng kể trích lập dự phòng. Nôm na, yếu tố trích lập dự phòng chỉ có thể làm tăng trưởng lợi nhuận "xấu đi" chứ khó lòng thúc đẩy "tốt lên".

Thứ hai, nếu không tính trích lập dự phòng, lợi nhuận thuần năm 2019 của ACB chỉ tăng 6,4% so với năm 2018, cho thấy lực đẩy tương đối yếu từ hoạt động kinh doanh lõi mà cụ thể là sự suy giảm lãi thuần ở các hoạt động khác (phần lớn là thu nhập lãi thuần từ các khoản cho vay đã xử lý bằng dự phòng) và chi phí hoạt động tăng mạnh.

Đi sâu hơn, năm qua, mảng tín dụng ghi nhận thu nhập lãi thuần tăng trưởng 16,9%, thấp nhất trong 5 năm trở lại đây, dù vậy, không phải là mức thấp so với mặt bằng chung.

Trong khi đó, các mảng phi tín dụng ghi nhận tăng trưởng tổng lãi thuần chỉ 8,6% trong năm 2019, chủ yếu do lãi thuần hoạt động khác suy giảm. Hoạt động dịch vụ vẫn duy trì đà tăng trưởng cao ổn định, ở mức 26,6% (bình quân 4 năm qua là 26,3%/năm).

Tựu trung, năm 2019, tổng thu nhập hoạt động của ACB tăng 14,7% so với năm 2018. Tuy nhiên, do chi phí hoạt động tăng tới 23,8% nên sau khi trừ đi chi phí này, lợi nhuận thuần của ACB chỉ tăng vỏn vẹn 6,4%.

Năm 2020, tăng trưởng lợi nhuận thuần của ACB chịu tác động đan xen.

Xét theo chiều nghịch, hai yếu tố tác động tiêu cực đến tăng trưởng lợi nhuận thuần năm 2019 của ACB là "thu nhập lãi thuần từ các khoản cho vay đã xử lý bằng dự phòng" và "chi phí hoạt động" khó lòng cải thiện, thậm chí có thể tiếp tục kém đi.

Tính toán của VietnamFinance cho thấy năm 2019, lượng nợ xấu được ACB xóa bằng dự phòng rất ít, nghĩa là có rất ít nợ xấu được bổ sung ra ngoại bảng, cũng nghĩa là nguồn thu từ nhóm tài sản này có thể sẽ ngày càng "teo tóp" dần.

Thêm vào đó, tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu nhập hoạt động (CIR) của ACB mặc dù tăng đáng kể trong năm 2019, đạt 51,6% nhưng mức CIR này vẫn là mức rất thấp, chỉ cao hơn mức đáy 47,8% của năm 2018, xét theo dữ liệu từ năm 2012 trở lại đây. Nghĩa là CIR tăng trong năm 2019 không có nghĩa rằng sẽ khó tăng tiếp trong năm 2020, do CIR hiện vẫn thấp hơn nền CIR của ACB 8 năm qua.

Xét theo chiều thuận, thu nhập lãi thuần từ mảng tín dụng của ACB vẫn có thể được cải thiện nhờ dư địa LDR (tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động) được nới từ 80% lên 85%. Tuy nhiên, ngân hàng này sẽ phải rất dè xẻn và tính toán trong việc dùng bao nhiêu dư địa được nới thêm để hỗ trợ lợi nhuận.

Xưa nay, ACB vẫn kiên định theo định hướng đảm bảo danh mục tài sản ít rủi ro nên không có nhiều dư địa để cải thiện sức sinh lời của danh mục tài sản. Chia sẻ tại của lãnh đạo ACB tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư hồi đầu năm 2020 tiếp tục khẳng định hướng đi này.

Nhìn chung, mặc dù chịu tác động đan xen nhưng tăng trưởng lợi nhuận năm 2020 của ACB, nếu không tính đến yếu tố đột biến được kỳ vọng sẽ đến từ hợp đồng bancassurance độc quyền, nhiều khả năng sẽ thấp hơn năm 2019.

Cụ thể, nếu giả định tăng trưởng tổng thu nhập hoạt động giữ nguyên, CIR giữ nguyên và tỷ lệ trích lập dự phòng/lợi nhuận thuần giữ nguyên thì lợi nhuận trước thuế năm 2020 của ACB chỉ tăng 10,7% so với năm 2019.

Hợp đồng bancassurance độc quyền có thể giúp ACB thu về nguồn tiền trả trước lớn, tạm thời khiến tăng trưởng lợi nhuận vượt lên nhưng hiệu quả thực sự còn phải đong đếm lại khi triển khai, bởi trên thực tế, phương thức hợp tác bancassurance hiện nay của ACB vẫn đang cho kết quả rất tốt.

Tin mới lên