Afiex muốn huy động 30 triệu USD từ nước ngoài

Duy Bắc - 21/03/2023 07:36 (GMT+7)

CTCP Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (Afiex, mã AFX - UPCoM) thông qua kế hoạch huy động 30 triệu USD từ tổ chức, cá nhân nước ngoài với lãi suất tối đa 9%/năm.

VNF
Afiex muốn huy động 30 triệu USD từ nước ngoài.

Cụ thể, Afiex vừa thông qua việc huy động tối đa 30 triệu USD, thời gian huy động từ 5 đến 7 năm, lãi suất huy động tối đa 9%/năm và đối tượng huy động dự kiến là tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Hình thức huy động dự kiến là thông qua hợp đồng hợp tác/vay vốn/thỏa thuận … phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

Số tiền huy động, công ty dự kiến dùng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chưa bổ sung hồ sơ, HoSE dừng xem xét hồ sơ niêm yết của Afiex

Ở một thông tin đáng chú ý khác, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) dừng xem xét hồ sơ đăng ký niêm yết của CTCP Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang.

Lý do được HoSE đưa ra do đến ngày 28/02/2023, HoSE vẫn chưa nhận được hồ sơ chỉnh sửa bổ sung hoàn chỉnh và các tài liệu phát sinh của công ty theo yêu cầu tại công văn số 2334/SGDHCM-NY ngày 09/12/2022 và quy định tại khoản 8 Điều 6 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020.

Được biết, ngày 30/11/2022, Afiex đăng ký niêm yết 35 triệu cổ phiếu AFX trên sàn HoSE.

Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý IV/2022, Afiex ghi nhận doanh thu đạt 622,55 tỷ đồng, tăng 152,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 1,37 tỷ đồng, giảm 91,9% so với cùng kỳ.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 322,6% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 9,29 tỷ đồng lên 12,17 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 56,7%, tương ứng giảm 15,26 tỷ đồng về 11,63 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 182,8%, tương ứng tăng thêm 6,58 tỷ đồng lên 10,18 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 28,3%, tương ứng tăng thêm 2,53 tỷ đồng lên 11,46 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Như vậy, trong kỳ mặc dù lợi nhuận gộp tăng nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn giảm mạnh, chủ yếu do hụt doanh thu tài chính, đồng thời chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng cao.

Không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2022

Luỹ kế trong năm 2022, Afiex ghi nhận doanh thu đạt 1.612,06 tỷ đồng, tăng 110,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 28,52 tỷ đồng, tăng 35,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm 2022, Afiex đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 2.194,48 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 52,49 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm 2022 với lợi nhuận trước thuế đạt 35,2 tỷ đồng, công ty chỉ hoàn thành được 67,1% kế hoạch lợi nhuận năm.

Xét về dòng tiền, trong năm 2022, dòng tiền kinh doanh chính của Afiex ghi nhận âm 321,1 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 191,3 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư ghi nhận dương 48,5 tỷ đồng và dòng tiền tài chính ghi nhận dương 339,8 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.

Như vậy, trong năm 2022, công ty tăng vay nợ để bù đắp dòng tiền kinh doanh.

Tính tới 31/12/2022, tổng tài sản của Afiex tăng 70,3% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 451,6 tỷ đồng, lên 1.094,1 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 699,6 tỷ đồng, chiếm 63,9% tổng nguồn vốn; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 143 tỷ đồng, chiếm 13,1% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận 110,8 tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Trong năm, tài sản biến động mạnh chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn tăng 149,9% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 419,7 tỷ đồng lên 699,6 tỷ đồng; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn tăng 111,9% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 75,5 tỷ đồng lên 143 tỷ đồng.

Công ty thuyết minh, các khoản phải thu tăng chủ yếu do phát sinh tăng phải thu khách hàng. Trong đó, đáng chú ý phải thu 55,4 tỷ đồng Công ty TNHH TM và Hợp tác Quốc tế Đông Dương; 45,9 tỷ đồng Công ty TNHH Green Buy Vietnam; 41,3 tỷ đồng CTCP Đầu tư Ego Việt Nam…

Ngoài ra, tính tới cuối năm 2022, tổng nợ vay ngắn hạn tăng 151,5% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 339,8 tỷ đồng lên 564,1 tỷ đồng, chiếm 51,6% tổng nguồn vốn (đầu năm chiếm 34,9% tổng nguồn vốn).

Thay đổi cổ đông lớn, không thay đổi ban lãnh đạo

Đầu năm 2021, SCIC thực hiện thoái ra 51% vốn và đồng thời Quỹ Đầu tư hạ tầng PVI mua vào 51%, trở thành cổ đông lớn chi phối tại Afiex. Tuy nhiên, trong năm 2022, Quỹ Đầu tư Hạ tầng PVI đã thoái toàn bộ.

Được biết, Quỹ Đầu tư hạ tầng PVI trở thành cổ đông lớn của Afiex năm 2021, đơn vị này ngay lập tức miễn nhiệm toàn bộ thành viên HĐQT, bầu mới 7 thành viên. Trong đó, ông Đặng Quang Thái là Chủ tịch HĐQT và ông Hứa Minh Trí là Tổng giám đốc.

Tuy nhiên, sau khi Quỹ Đầu tư Hạ tầng PVI thoái toàn bộ 51% vốn, ông Đặng Quang Thái vẫn là Chủ tịch HĐQT, ông Hứa Minh Trí giữ vị trí Phó Chủ tịch HĐQT và đồng thời bổ nhiệm ông Tăng Vũ Giang làm Tổng giám đốc từ ngày 26/10/2022.

Có thể thấy, việc thay đổi nhóm cổ đông lớn tại Afiex không làm thay đổi ban lãnh đạo, nhóm ban lãnh đạo đứng đầu vẫn là ông Đặng Quang Thái. Điều này cho thấy động thái thoái vốn của Quỹ Đầu tư Hạ tầng PVI giống thay nhóm cổ đông đứng tên hơn là thay đổi sang một nhóm cổ đông mới.

Theo tìm hiểu, trước khi tham gia vào Afiex, ông Đặng Quang Thái từng giữ chức Tổng giám đốc tại CTCP Đầu tư Tài chính Hoàng Minh (mã KPF) từ tháng 10/2017-8/2019, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Điện tử Ảnh màu – Nha Trang từ tháng 12/2019 tới nay.

Được biết, Afiex đang sử dụng và quản lý một số lô đất có diện tích và giá trị lớn, như số 34-36 Hai Bà Trưng, phường Mỹ Long (309 m2), phường Bình Khánh (1.030 m2), xã Mỹ Khánh (5.900 m2), xã An Hòa (2.730 m2), thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn (2.341 m2), phường Mỹ Thạnh (761 m2), ấp Long Hòa, xã Long Giang (37.888 m2), ấp Bình Tây 1, Phú Bình (24.959 m2), xã Hòa An (455 m2) và 2 khu đất ấp Vĩnh Mỹ, TP. Cần Thơ (tổng diện tích 26.332 m2). Ngoài ra, Công ty cũng sở hữu hơn 10 khu đất thuê với tổng diện tích gần 500.000 m2 trên địa bàn tỉnh An Giang.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/3, cổ phiếu AFX đóng cửa giá tham chiếu 9.900 đồng/cổ phiếu.

Theo Đầu tư
Cùng chuyên mục
Tin khác