Ai thực sự là người theo đuổi việc mở rộng cảng hàng không Tân Sơn Nhất?

Đinh Tịnh - 26/02/2019 07:30 (GMT+7)

(VNF) - Còn nhớ, năm 2014, trong một buổi Hội thảo về sân bay Long Thành, ông Lại Xuân Thanh lúc đó là Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (hiện là Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV) tuyên bố: Không cần mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, mà sẽ biến Long Thành trở thành một thành phố sân bay hiện đại. Tại cuộc hội thảo khác ngày 30/10/2015 cũng về sân bay Long Thành, ông Thanh tiếp tục tuyên bố: Sẽ “đóng băng” công suất sân bay Tân Sơn Nhất.

VNF
Vietstar là đơn vị đã theo đuổi mục tiêu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất trong 10 năm qua

Nhưng theo tìm hiểu của VietnamFinance, trước đó nhiều năm, Công ty cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (sau đây gọi tắt là Vietstar) đã dày công chuẩn bị nguồn đất, nguồn vốn, lập quy hoạch, thiết kế chi tiết Nhà ga hàng không lưỡng dụng T3 nhằm giảm tải, tăng công suất thông qua cho sân bay Tân Sơn Nhất.

Chuẩn bị nhiều năm…

Minh chứng rõ nét nhất thể hiện tầm nhìn chiến lược của Vietstar bắt đầu từ các bước nghiên cứu, xây dựng đề án hợp tác, liên doanh liên kết với Quân chủng Phòng không – Không quân (PK-KQ) từ những năm 2008-2009, với kết quả được thể hiện tại Quyết định số 882/QĐ-BQP ngày 24/3/2010 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt phương án sử dụng đất quốc phòng thuộc Quân chủng  PK-KQ tại sân bay Tân Sơn Nhất chưa sử dụng ngay cho nhiệm vụ quốc phòng vào đầu tư kinh doanh dịch vụ hàng không lưỡng dụng.

Tháng 3/2011, Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ có văn bản số 610/QĐ – BTL phê duyệt Quy hoạch mặt bằng tổng thể cho Vietstar để đầu tư xây dựng khu hàng không lưỡng dụng tại sân bay Tân Sơn Nhất,  Phường 12, Quận Tân Bình, Tp. HCM.

Văn bản nêu rõ: “Diện tích khu đất được giao là 100.000m2, trong đó, có điều chỉnh khu nhà ga quân sự do f370 quản lý là 2.450m2; Trung đoàn 918 quản lý là 1.078 m2”.

Khu vực đất để xây dựng nhà ga T3, Tân Sơn Nhất

7 tháng sau đó, Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ có văn bản số 3646/BTL – TM về việc phê duyệt “Dự án đầu tư Cảng hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt tại Tân Sơn Nhất”.

2 năm sau, Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ tiếp tục có văn bản số 2112/QĐ – BTL về việc bàn giao 10ha đất quốc phòng sân bay Tân Sơn Nhất cho Vietstar.

Cụ thể, khu đất này phía Bắc giáp khu sân đỗ quân sự và đường lăn; phía Đông giáp với khu Hangar e917; phía Nam giáp đất quốc phòng Trung đoàn 918 và đường nội bộ; phía Tây giáp với đường vành đai sân bay (sơ đồ kèm theo).

Nên nhớ, đây là thời điểm mà ông Lại Xuân Thanh, lúc đó là Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam, còn chưa đề cập đến mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Cả Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) khi đó chỉ tập trung vào một mục tiêu duy nhất:  “Siêu dự án” sân bay Long Thành.

Không ai, không cơ quan dân dụng nào, đoái hoài đến việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Rất may, sự chủ động trong việc này đã xuất phát từ Bộ Quốc phòng

Các Bộ, ngành “giục” xây nhà ga lưỡng dụng…

Tại văn bản số 2143/BQP-TM ngày 20/7/2012 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi Bộ GTVT tham gia góp ý đối với điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Bộ Quốc phòng đã đề xuất đưa vào quy hoạch khu vực hàng không lưỡng dụng với quỹ đất khá lớn, bao gồm các công trình: sân đỗ máy bay lưỡng dụng, nhà ga hàng không lưỡng dụng, cơ sở bảo dưỡng máy bay (hangar), các công trình phụ trợ.

Tiếp thu các nội dung đề xuất của Bộ Quốc phòng, ngày 7/9/2015, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký ban hành Quyết định số 3193/QĐ-BGTVT “Về việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”.

Theo đó, khu vực hàng không lưỡng dụng do Bộ Quốc phòng đề xuất chính thức được đưa vào quy hoạch phát triển sân bay Tân Sơn Nhất của Bộ GTVT, với đầy đủ các hạng mục nêu trên, kể cả nhà ga lưỡng dụng T3.

Theo Quyết định số 3193/QĐ-BGTVT, sân bay Tân Sơn Nhất được nâng cấp sân bay đạt chuẩn 4E (theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không Quốc tế (ICAO) và sân bay quân sự cấp 1. Việc xây dựng nhà ga lưỡng dụng giai đoạn 1 nằm trên khu đất 10 đã được Bộ Quốc phòng bàn giao cho Vietstar, tiếp giáp với sân đỗ máy bay lưỡng dụng 21ha. Sân bay được xác định là “dùng chung dân dụng và quân sự”.

Tư vấn Pháp đề xuất xây dựng nhà ga hành khách lớn T3 trên 10ha đất Dự án nhà ga hàng không lưỡng dụng và khu đất 16ha bên cạnh

Chỉ sau đó 9 tháng, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa có văn bản 6856/BGTVT-KHĐT ngày 17/6/2016 gửi Bộ Quốc Phòng về vấn đề mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Tại văn bản này, nguyên Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh: “Dự kiến, năm 2016 dự kiến lượng hành khác thông qua sân bay Tân Sơn Nhất là 31 triệu hành khách, trong khi tổng công suất thiết kế nhà ga T1 và T2 là 25 triệu hành khách. Vì thế, đề nghị Bộ Quốc phòng chuyển hoạt động bay quân sự ra khỏi TSN, ưu tiên hoạt động hàng không dân dụng”.

“Đối với đất quân sự quản lý đã được Bộ Quốc phòng dự kiến xây dựng nhà ga lưỡng dụng với công suất 9-10 triệu khách/năm. Đề nghị Bộ Quốc phòng sớm chấp thuận chủ trương và yêu cầu Chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ga lưỡng dụng, phấn đấu khởi công trong năm 2016-2017”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đề nghị.

Những nội dung trên cho thấy Bộ GTVT biết rõ về dự án nhà ga lưỡng dụng của Vietstar và biết rằng đây là phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất nhanh nhất, tiết kiệm nhất, phù hợp hoàn toàn với quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất mới được Bộ trưởng Bộ GTVT ký ban hành vào cuối năm 2015 tại Quyết định số 3193.

Nhà ga Lưỡng dụng “trùng” với thiết kế tư vấn Pháp

VietnamFinance có trong tay bản đề án tái cơ cấu Vietstar được đề xuất vào giữa năm 2016 với Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật và Thượng tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam Võ Văn Tuấn. Bản đề án này bao gồm cả phương án quy hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.

Điều ngạc nhiên là, phương án mở rộng sân bay của Vietstar năm 2016 trùng khớp hoàn toàn với phương án của tư vấn Pháp ADPi đề xuất với Chính phủ đầu năm 2018. Trùng khớp đến từng vị trí nhà ga, công suất nhà ga, từng đường giao thông kết nối khu sân bay mới với thành phố.

Vậy ai là tác giả thực sự của phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất? Chúng tôi sẽ đi đến tận cùng vấn đề để cùng độc giả trả lời câu hỏi này.

Từ năm 2010 đến nay, Vietstar đã chi hơn 632 tỷ VND cho dự án nhà ga hàng không lưỡng dụng T3. Đáng chú ý, tổng dự toán xây dựng nhà ga lưỡng dụng với công suất 9,8  triệu hành khách/năm của Vietstar chỉ 2.126 tỷ VND (đã được Viện Kinh tế xây dựng – Bộ Xây dựng thẩm định).

Nếu được phê duyệt, Vietstar sẽ hoàn thành xây dựng và đưa nhà ga vào hoạt động trong cuối năm trong 2020 nhờ đã có đất sạch, bộ máy quản lý dự án, nguồn vốn, hồ sơ thiết kế.

Trong khi đó, theo báo cáo của ACV, tổng đầu tư các hạng mục do ACV chủ trì đầu tư mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất lên tới 13.000 - 15.000 tỷ (riêng nhà ga là 7.600 tỷ đồng), thời gian thực hiện lên tới 4 năm.

Thậm chí có thể lâu hơn, vì khu đất 16ha mà ACV dự kiến xây dựng nhà ga hành khách T3 vẫn đang được các đơn vị quân đội sử dụng và nguồn vốn một phần từ ACV, một phần dự kiến kêu gọi đầu tư xã hội hóa..

Điều làm dư luận không kém phần ngạc nhiên là ACV và cá nhân ông Lại Xuân Thanh, nguyên Cục trưởng Cục Hàng không và tân Chủ tịch HĐQT ACV, vốn có quan điểm rất bảo thủ đối trong vấn đề mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất chỉ hơn 2 năm trước đây, nay lại đề xuất đóng vai trò chủ đạo đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T3. Tại sao có sự thay đổi quan điểm đột ngột như vậy?

Rõ ràng, Quyết định số 1942/QĐ-BGTVT điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn 2020 định hướng đến 2030 do Thứ trưởng Lê Đình Thọ ký không chỉ đi ngược lại đề xuất của tư vấn ADPi trước đó, mà còn đi ngược cả quyết định phê duyệt của Thủ tướng vào tháng 3/2018 và của Bộ GTVT vào các năm 2015, 2016.

Văn bản 1942 do Thứ trưởng Lê Đình Thọ ký "đi ngược" với thiết kế của Pháp mà Thủ tướng đã phê duyệt trước đó

Vậy tại sao Quyết định số 1942/QĐ-BGTVT do Thứ trưởng Lê Đình Thọ ký lại dẫn dắt đến một phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất với tổng chi phí quá cao, thời gian thực hiện quá lâu, phần đền bù giải phóng mặt bằng đất chưa thực hiện, trong khi có đất sạch nằm sát bên cạnh và hoàn toàn khớp với phương án quy hoạch do ADPi đề xuất?

Đó là chưa kể đến tính khả thi, hiệu quả lâu dài của dự án khi quỹ đất để xây nhà ga hành khách T3 quá nhỏ, không đủ xây một nhà ga đạt tiêu chuẩn quốc tế một công trình có tính biểu tượng cho thành phố mang tên Bác.

Cùng chuyên mục
Tin khác