Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, BIDV báo lãi riêng lẻ quý I giảm 27% xuống 1.646 tỷ đồng

Minh Tâm - 28/04/2020 18:05 (GMT+7)

(VNF) - Theo giải trình từ phía BIDV, lợi nhuận suy giảm là do kết quả kinh doanh chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19; đồng thời, ngân hàng tăng trích lập dự phòng rủi ro để tất toán trước hạn toàn bộ trái phiếu VAMC.

VNF
Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, BIDV báo lãi riêng lẻ quý I giảm 27% xuống 1.646 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố báo cáo tài chính riêng lẻ quý I/2020 với lợi nhuận trước thuế đạt 1.646 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo giải trình từ phía BIDV, lợi nhuận suy giảm là do kết quả kinh doanh chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19; đồng thời, ngân hàng tăng trích lập dự phòng rủi ro để tất toán trước hạn toàn bộ trái phiếu VAMC.

Thực tế thì quý vừa qua, BIDV vẫn ghi nhận tăng trưởng ở các hoạt động kinh chính. Cụ thể, mảng tín dụng đem về 8.763 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng trưởng gần 7%. Trong khi đó, mảng tín dụng đem về 901 tỷ đồng lãi thuần, tăng trưởng 20%.

Bên cạnh đó, mảng ngoại hối ghi nhận 407 tỷ đồng lãi thuần, tăng trưởng 31%. Mảng mua bán chứng khoán kinh doanh ghi nhận 270 tỷ đồng lãi thuần, tăng gấp 13 lần.

Trái lại, mảng mua bán chứng khoán đầu tư lỗ thuần 128 tỷ đồng, dù vậy vẫn cải thiện hơn mức lỗ thuần 388 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, các hoạt động khác đem về cho BIDV 560 tỷ đồng lãi thuần, giảm 55%.

Chốt quý, tổng thu nhập hoạt động (gồm cả tín dụng và phi tín dụng) của ngân hàng này ở mức trên 10.700 tỷ đồng, tăng trưởng 6,4%. Tuy nhiên do chi phí hoạt động tăng tới 17% nên lợi nhuận trước dự phòng chỉ tăng 2,5%, đạt trên 7.500 tỷ đồng.

Trong kỳ, chi phí dự phòng rủi ro của BIDV là 5.927 tỷ đồng, tăng 16%. Sau khi trừ chi phí này, số dư lợi nhuận còn lại là 1.646 tỷ đồng, giảm 27%, như đã đề cập phía trên.

Tính đến hết ngày 31/3/2020, dư nợ cho vay của BIDV là trên 1,07 triệu tỷ đồng, giảm 1% sau 3 tháng. Tiền gửi khách hàng giảm 1,3%.

Đáng chú ý, nợ xấu có sự cải thiện khá rõ rệt. Cụ thể, mặc dù tỷ lệ nợ xấu nội bảng thay đổi không đáng kể (1,65% so với mức 1,66% hồi cuối năm ngoái) nhưng nợ xấu tại VAMC nhiều khả năng đã giảm đáng kể khi số dư chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn giảm gần 3.200 tỷ đồng, tương đương hơn 21%.

 

 

 

Cùng chuyên mục
Tin khác