Ba Lan kiên quyết giá 30 USD/thùng, kế hoạch áp giá trần dầu Nga của EU sẽ thất bại?

Minh Đăng - 29/11/2022 11:07 (GMT+7)

(VNF) - Đã qua nhiều lần thảo luận, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cho tới nay vẫn không đạt được đồng thuận về mức giá trần áp lên dầu thô của Nga được vận chuyển bằng đường biển. Trong đó, Ba Lan là nước phản đối mạnh mẽ nhất khi chỉ đồng ý với mức giá bằng một nửa so với đề xuất của của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7).

VNF
Nga hiện cung cấp 10% lượng dầu của thế giới.

"Không đạt được thỏa thuận nào. Các bên đã thống nhất về văn bản pháp lý, nhưng Ba Lan vẫn không đồng ý với mức giá trần", một nhà ngoại giao EU cho biết sau cuộc họp về vấn đề áp giá trần với dầu thô Nga hôm 28/11.

Các nhà ngoại giao cũng cho biết ngày tổ chức cuộc đàm phán tiếp theo vẫn chưa được ấn định, mặc dù cơ chế áp giá trần dự kiến có hiệu lực từ ngày 5/12.

Trước đó, G7 đã đề xuất ấn định mức áp trần giá dầu Nga trong khoảng 65-70 USD/thùng và các nước EU đã tiến hành các cuộc họp để đưa ra thống nhất về mức giá này.

Trong khi các quốc gia nhận được một phần thu nhập đáng kể từ hoạt động vận chuyển dầu trên biển như Hy Lạp, Cyprus và Malta cho rằng ngưỡng này quá thấp và có nguy cơ làm suy yếu thương mại dầu mỏ thế giới thì các nước như Ba Lan, Litva và Estonia cho rằng mức 65-70 USD/thùng không làm tổn hại đến Moscow vì chi phí sản xuất chỉ vào khoảng 20 USD/thùng.

“Ba Lan muốn giới hạn thấp hơn nhiều là 30 USD/thùng”, tờ Politico dẫn lời bốn nhà ngoại giao châu Âu cho hay.

Hiện dầu thô Urals của Nga bán cho khách hàng Tây Âu đang giao dịch ở mức 62-63 USD/thùng, và giá bán cho khách ở khu vực Địa Trung Hải nhỉnh hơn, trong khoảng 67-68 USD/thùng, theo dữ liệu từ Refinitiv.

Nếu không có thỏa thuận nào đạt được trước ngày 5/12, EU sẽ thực hiện các biện pháp cứng rắn hơn vốn đã được thống nhất từ hồi tháng 5, theo đó cấm nhập khẩu dầu thô của Nga từ ngày 5/12 và các sản phẩm dầu mỏ của Nga từ ngày 5/2/2023.

Hungary và hai quốc gia Trung Âu không giáp biển khác được miễn trừ và được tiếp tục nhập khẩu dầu của Nga qua hệ thống đường ống.

Bình luận về ý tưởng của phương Tây nhằm hạn chế giá đối với các nguồn năng lượng của Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần tuyên bố rằng Nga sẽ không cung cấp bất cứ thứ gì ra nước ngoài nếu điều này trái với lợi ích của Nga.

Phó thủ tướng Alexander Novak cũng nhấn mạnh rằng Nga sẽ không cung cấp dầu cho các quốc gia đặt giá trần, không phải ở mức 60 USD/thùng hay bất kỳ mức giá nào khác.

Xem thêm >> Châu Âu nói Mỹ là ‘ngư ông đắc lợi’ từ xung đột Nga-Ukraine

Theo Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác