Nhân vật

Bà mối ‘kén chọn’ nhất Việt Nam và khát vọng nâng tầm lĩnh vực hẹn hò

(VNF) - Từng nếm trải thất bại vì thiếu kinh nghiệm, phải “kéo cày trả nợ” trong suốt 4 năm, Founder & CEO Rudicaf Vũ Nguyệt Ánh vẫn quyết tâm xây dựng một thương hiệu hẹn hò uy tín và chất lượng, tạo môi trường kết nối văn minh, tích cực cho những người độc thân.

Bà mối ‘kén chọn’ nhất Việt Nam và khát vọng nâng tầm lĩnh vực hẹn hò

Founder & CEO Rudicaf Vũ Nguyệt Ánh.

Được đánh giá là thương hiệu uy tín số 1 Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ hẹn hò và kết nối con người, Rudicaf hướng tới việc thay đổi quan niệm cũ và định hướng tư duy mới cho xã hội Việt Nam về thị trường dịch vụ hẹn hò.

Tất nhiên, để kiên định theo đuổi, duy trì được mục tiêu và hướng đi mình đã chọn, trước hết Rudicaf cần phải “sống sót”, vượt qua những khó khăn, thử thách thuở ban đầu.

Trong những ngày đầu xuân, VietnamFinance đã có buổi "hẹn hò" với CEO Rudicaf Vũ Nguyệt Ánh để cùng trao đổi về “hẹn hò” và “dịch vụ hẹn hò”.

- Rudicaf được đánh giá là “app hẹn hò kén chọn nhất Việt Nam”, vậy bạn có ý tưởng thành lập Rudicaf từ đâu và có học hỏi theo mô hình nào không?

CEO Rudicaf Vũ Nguyệt Ánh: Năm 2011, mình đọc 1 cuốn tiểu thuyết Best Seller nổi tiếng của Mỹ có tên “Match me if you can” của Susan Elizabeth PhillipsM với bức tranh đầy màu sắc và hấp dẫn về thị trường dịch vụ hẹn hò tại đất nước phát triển nhất thế giới.

Cuốn sách kể về câu chuyện một cô gái tiếp quản công ty mai mối của bà ngoại. Cô đã quyết định phục hồi công ty bằng cách mai mối những người thuộc tầng lớp “siêp Vip”, là những người có ngoại hình, học thức, sự nghiệp. Mọi người thường cho rằng những người này sẽ có rất nhiều đối tượng để hẹn hò nhưng trên thực tế có rất nhiều người đã phải tìm đến công ty mai mối bởi họ không có nhiều thời gian để tìm hiểu và lựa chọn những đối tượng phù hợp với tiêu chuẩn và tương xứng với mình.

Sự hào hứng về câu chuyện ấy cùng với sự quan sát và trải nghiệm thực tế đã cho mình thấy rằng ở thị trường Việt Nam chưa có đơn vị nào cung cấp các dịch vụ hẹn hò thực sự chuyên nghiệp và “có tâm”, đặc biệt là chưa có công ty nào phục vụ đối tượng ở phân khúc cao đó, chính những điều đó đã tạo động lực để mình quyết tâm bắt tay theo đuổi lĩnh vực đầy mới mẻ và thú vị này.

Sau 1 thời gian cân nhắc và quyết định, mình đã xin nghỉ công việc phó giám đốc điều hành một công ty trong TP. HCM để ra Hà Nội mở công ty với hai bàn tay trắng. Vì không nhận được sự ủng hộ của gia đình nên mình đã vay tiền ngân hàng để bắt đầu công ty của riêng mình với suy nghĩ “nếu thất bại thì đi làm thuê vài năm để trả nợ”.

Năm 2011, mình đã thành lập Ericamoon, một công ty mai mối chuyên tổ chức các "single party", tiệc kết nối những người độc thân

Mặc dù những buổi single party của mình khi ấy nhận được rất nhiều sự ủng hộ và lời khen ngợi của mọi người về chất lượng và sự tinh tế, tuy nhiên, công ty vẫn phải đóng cửa sau 1 năm rưỡi do “cạn vốn”.

Thực tế thương trường đã dạy cho mình bài học đầu tiên về kinh doanh: “Chỉ có đam mê và nhiệt tình thôi thì chưa đủ”.

Khách quan nhìn nhận lại, rõ ràng mình đã quá thiếu kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp, quản lí tài chính và vận hành để có thể duy trì được 1 doanh nghiệp đúng nghĩa.

“Mọi sai lầm đều phải trả giá bằng tiền mặt”, mình đã mất 4 năm sau đó miệt mài đi làm thuê cho các công ty khác để “kéo cày trả nợ”, đồng thời vẫn tiếp tục ấp ủ và nuôi dưỡng “giấc mơ hẹn hò”.

Năm 2016, khi khoản nợ đã “tạm hòm hòm”, bản thân đã cứng cáp hơn, tích luỹ kinh nghiệm dày dặn hơn và có “insights” thị trường tốt hơn, mình đã quyết định “tái xuất”.

Quyết tâm đứng lên từ chính nơi mình đã vấp ngã, mình ra mắt thương hiệu hẹn hò thứ 2 của mình là Rudicaf đúng vào ngày Lễ Độc thân (11/11/2016).

Tất cả thông tin của khách hàng đều được xác thực bởi Rudicaf.

Nói 1 chút về cái tên Rudicaf, lúc đầu nhiều người nghe vẫn nghĩ là 1 cái tên lấy từ “tiếng nước ngoài”, nhưng thực tế chỉ đơn giản là “Rủ đi café” thôi. Mình lấy nó làm thương hiệu bởi vì đây là 1 cụm từ rất thông dụng, tạo cảm giác “kết nối” rất gần gũi trong cuộc sống.

May mắn là ngay từ những giai đoạn đầu ra mắt, Rudicaf đã nhận được sự đón nhận và quan tâm của đông đảo giới truyền thông, đặc biệt là các khách hàng độc thân mọi độ tuổi, thậm chí cả những vị phụ huynh vốn “rất thận trọng và khó tính” của những người độc thân nữa.

Có điều, vì muốn tạo dấu ấn và sự khác biệt nhất định cho thương hiệu của mình, nên sản phẩm chiến lược của Rudicaf trong giai đoạn đầu tiên lại không phải 1 sản phẩm bất kì ai cũng có thể sử dụng được.

RUDICAF Dating là dịch vụ hẹn hò chất lượng cao dành cho 1 nhóm đối tượng cụ thể, là những người độc thân có trình độ học vấn tốt, công việc và mức thu nhập tốt, độ tuổi “đẹp” và ngoại hình ưa nhìn trở lên.

Slogan của RUDICAF Dating là “hẹn hò kiểu KÉN”, nghĩa là những khách hàng sử dụng dịch vụ này là những người KÉN CHỌN, chứ không hề phải là những người “BỊ Ế”.

Quyết định đánh vào phân khúc “thị trường ngách” với 1 tập khách hàng nhỏ, Rudicaf muốn trước hết là từng bước phá bỏ những “rào cản định kiến xã hội” về việc sử dụng dịch vụ hẹn hò (chỉ dành cho người Ế, không đáng tin cậy, toàn thông tin ảo, người dùng ảo, toàn các dịch vụ đen, one night stand, friend with benefits…).

Trong 2 năm 2018, 2019, Rudicaf tiếp tục lần lượt cho ra mắt Ứng dụng xác thực thông tin và book lịch hẹn hò Tilani (dành cho phân khúc thị trường đại chúng, hướng tới đông đảo các bạn trẻ độc thân); dịch vụ tìm kiếm đối tượng hẹn hò RUDICAF Premium Matching (dành cho phân khúc thị trường cao cấp, hướng tới những doanh nhân, những người “đặc biệt kén chọn”); Câu lạc bộ Hạnh phúc tuổi trung niên (dành cho những đối tượng độc thân từ 40 tuổi trở lên, những người đã li hôn, single mom/single dad, goá vợ/goá chồng…).

Vũ Nguyệt Ánh giành danh hiệu "Phụ nữ khởi nghiệp của năm" trong Giải thưởng “Khát vọng tiên phong 2016” do VTV và Bộ Khoa học & Công nghệ phối hợp tổ chức.

Tất cả các ứng dụng của Rudicaf đều không có công cụ chat, bởi vì Rudicaf muốn khuyến khích tối đa mọi người gặp gỡ nhau trực tiếp thay vì quá phụ thuộc vào những tương tác online.

Các sản phẩm, dịch vụ của Rudicaf đều được xây dựng và phát triển dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về tâm lí và hành vi người dùng độc thân nhằm hướng họ tới những phương thức kết nối, tương tác chất lượng, văn minh, bền vững.

- Bạn từng chia sẻ rằng bạn đã từ chối cơ hội đi du học sau khi tốt nghiệp cấp III. Ở thời điểm hiện tại, bạn có cảm thấy tiếc nuối về điều này không?

Mình học lớp chuyên Pháp suốt 7 năm. Ngay từ nhỏ, mình đã được gia đình khuyến khích, thậm chí thúc giục đi du học theo đúng con đường mà hầu hết các học sinh chuyên Pháp thời điểm đó đều đang theo đuổi.

Tuy nhiên, mình đã từ chối cơ hội mà nhiều người mơ ước này để ở lại Việt Nam. Mình đã nói với mẹ mình rằng mình sẽ không đi du học “theo mốt” mà muốn trước hết phải xác định được định hướng phát triển sự nghiệp của mình rồi mới quyết định học gì và học ở đâu để phù hợp với những mục tiêu phát triển đó.

Mình có duyên với truyền hình từ rất sớm, đã làm MC trên các chương trình thiếu nhi của Đài Truyền hình Việt Nam từ cuối cấp II.

Sau khi tốt nghiệp Á khoa chuyên ngành Đạo diễn Truyền hình tại Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội, mình đã thử sức với nhiều vị trí của ngành truyền hình như phóng viên, biên tập viên, giám đốc sản xuất, biên kịch phim truyền hình…

Mình từng làm Giám đốc sản xuất kiêm Phó Giám đốc Điều hành tại StyleTV, Đại diện và Quản lí Văn phòng YanTV tại Hà Nội, Phó Giám đốc Stylish Media (TP. HCM) và từng làm việc tại nhiều công ty, tổ chức có uy tín khác như Vingroup, VTV, VFC, VietnamnetTV...

Vũ Nguyệt Ánh là tác giả cuốn sách “Hẹn hò kiểu KÉN” - Top 20 Best Sellers Alpha Books 2017.

Công việc quả thực có khá nhiều thuận lợi cho một người mới ra trường với mức lương có thể coi là cao so với mặt bằng chung của bạn bè cùng lứa thời điểm đó. Mình nghĩ đó cũng là một minh chứng cho thấy du học không phải là con đường tốt nhất và duy nhất, dù chúng ta học ngành gì và ở đâu, chỉ cần chúng ta học nghiêm túc, chăm chỉ, kết hợp trải nghiệm làm việc thực tế để tích luỹ kinh nghiệm, hoàn thiện kĩ năng và không ngừng nỗ lực hết mình thì mình vẫn có thể phát triển công việc và cuộc sống rất tốt.

Mình hiểu rằng việc du học giúp mở mang tư duy, giúp có thêm nhiều trải nghiệm cuộc sống ở những nước văn minh cũng rất hay, tuy nhiên không có nghĩa là du học là sự lựa chọn duy nhất và tốt nhất để hướng đến thành công.

Mới đây, mình vừa hoàn thành bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA) của trường ĐH Andrews (Mỹ) trong khuôn khổ chương trình liên kết Đào tạo giữa ĐH Andrews và ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội.

Việc học này không chỉ với mục đích trang bị 1 tấm bằng cho “sang” mà xuất phát từ thực tế là từ khi mở công ty, mình đã tự nhận thấy rằng mình thiếu rất nhiều kiến thức về kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, quản lí tài chính, nhân sự… và cần bổ sung thêm một cách cơ bản và chính thống từ trường lớp.

- Thành công lớn nhất của bạn trong thập kỷ qua và kế hoạch trong thập kỷ tới?

Thành công lớn nhất của mình trong thập kỷ qua là giữ cho Rudicaf “sống sót” và vẫn còn tồn tại cho đến thời điểm này. Hiện tại, mặc dù Rudicaf đã từng bước có những bước phát triển thuận lợi hơn một chút nhưng dịch Covid-19 trong năm qua đã khiến công ty bị ảnh hưởng khá nặng nề.

Giai đoạn năm thứ 4 của một start-up thực sự là giai đoạn sống-còn vô cùng căng thẳng, chưa nói đến thời điểm đó lại rơi đúng vào năm khủng hoảng toàn thế giới vì dịch bệnh. Từ nửa đầu năm 2020 cho tới tháng 8 là giai đoạn cực kỳ khó khăn. Sau đợt cách ly toàn xã hội hồi tháng 5, Rudicaf đã đứng trên bờ vực phá sản thậm chí nhiều người khuyên mình nên đóng cửa.

Ngày đầu tiên sau khi quay lại văn phòng làm việc, mình đã ngồi lặng trong phòng làm việc khóc một mình rất lâu vì không biết nên tiếp tục con đường mà mình vẫn rất đam mê, tin tưởng và đặt nhiều kì vọng hay dừng lại để quay về sự lựa chọn an toàn là đi làm thuê cho một công ty nào đó với mức lương cao đều đặn hàng tháng.

Quyết định lựa chọn thì như bạn đã thấy, mình và Rudicaf vẫn đang bước tiếp dù biết sẽ còn nhiều khó khăn cần phải đối mặt ở phía trước nhưng mình vẫn có niềm tin vào tiềm năng phát triển của lĩnh vực đặc biệt này.

Thật may là trong 3 tháng cuối năm thì dòng tiền của công ty bắt đầu dương nhờ vào những nỗ lực tăng doanh thu song song với các quyết định cắt giảm gần như toàn bộ nhân sự, và hạn chế tối đa chi phí với mục tiêu duy nhất chỉ là 2 chữ “tồn tại”.

Mình nhận thấy rằng “trong nguy có cơ”, trong lúc mình xuống đáy, nếu mình đủ can đảm vượt qua giây phút ấy thì biết đâu cánh cửa mới sẽ mở ra.

Trong thời gian tới mình ấp ủ rất nhiều kế hoạch cho Rudicaf, sẽ vẫn tập trung vào việc xây dựng sản phẩm dịch vụ dành cho người độc thân nhưng sẽ mở rộng ra nhiều đối tượng hơn nữa.

Các sản phẩm cũng đa dạng hơn, không chỉ là app kết nối mà mình còn phải xây dựng 1 hệ sinh thái các sản phẩm dịch vụ cho người độc thân, đồng thời tiếp tục kiên trì với mục tiêu xoá bỏ rào cản định kiến của xã hội với lĩnh vực hẹn hò và dịch vụ hẹn hò. Mình ra sách chia sẻ, định hướng tư duy hẹn hò, làm bộ quà tặng cho người độc thân, lì xì hạt giống gieo duyên…

Cuối năm tới, mình cũng đang chuẩn bị kế hoạch mở quán cà phê và nhà hàng cho người độc thân theo mô hình tham khảo ở Nhật và Trung Quốc với những ý tưởng mới mẻ và thú vị.

Mình vẫn luôn tin tưởng rằng, chỉ cần chúng mình kiên trì với con đường mà mình đi, duy trì được những giá trị và mục tiêu tốt đẹp của việc kết nối con người theo định hướng văn minh, lịch sự và tích cực, thì có thể là sẽ không nhanh chóng, nhưng rồi cũng sẽ đến 1 ngày, chúng mình sẽ thực sự THÀNH CÔNG.

Tin mới lên