Thị trường

Bão giá vật liệu xây dựng: Nhà thầu 'vừa làm vừa khóc'

Từ đầu năm đến nay, giá vật liệu xây dựng như: sắt, thép trải qua nhiều đợt tăng giá, kéo theo các vật liệu xây dựng khác như xi măng, cát, gạch… tăng giá theo. Còn từ đầu tháng 10, vật liệu xây dựng bước vào đợt tăng giá mới, có những lần điều chỉnh hằng tuần, khiến nhiều chủ đầu tư các dự án nhà ở “trở tay không kịp”.

Bão giá vật liệu xây dựng: Nhà thầu 'vừa làm vừa khóc'

Bão giá vật liệu xây dựng: Nhà thầu 'vừa làm vừa khóc'

Giá nhà tăng, người mua gánh chịu

Một giám đốc doanh nghiệp địa ốc đang thi công dự án tòa nhà 25 tầng tại Gia Lâm (Hà Nội) chia sẻ, khi giá vật liệu tăng, dự án mới xây đến phần thân nên việc tăng giá liên tục khiến doanh nghiệp xoay xở không kịp. Vì vậy, sau lần bán nhà đợt 1, chúng tôi phải ngừng bán hàng để cân đối tăng giá bán. Nếu không tăng giá bán, doanh nghiệp chịu lỗ nặng vì vật liệu chiếm tới 40% giá thành nhà.

Theo vị này, hiện nay giá sắt thép tăng lên 40-50% còn các vật liệu khác như xi măng, gạch, cát cũng tăng 10%, buộc chủ đầu tư phải điều chỉnh giá bán nhà thêm 15-20%, thậm chí 25%.

Ông Nguyễn Minh Khiêm, Tổng giám đốc Tổng công ty 319, một nhà thầu chuyên về các công trình xây dựng nhà ở và giao thông cho biết, chi phí nguyên vật liệu của công trình thường chiếm 40 - 70% tổng giá trị dự toán công trình. Chỉ riêng sự thay đổi giá của 5 loại vật liệu chủ yếu là xi măng, thép xây dựng, đá, cát và gạch đã đẩy chi phí xây dựng tăng 1,25 - 1,4 lần, khiến một số nhà thầu bị lỗ nặng, một số khác không thể tiếp tục thi công, buộc phải chọn giải pháp chấp nhận bị phạt thầu hoặc mất bảo lãnh thực hiện hợp đồng.

Theo ông Khiêm, quy định của Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và một số nghị định về quản lý dự án, quản lý chi phí đầu tư xây dựng… các dự án hợp đồng trọn gói (quy mô đầu tư dưới 20% tổng mức dự án) không thể điều chỉnh tổng mức đầu tư trong quá trình triển khai. Vì thế, khi thay đổi mức giá vật liệu xây dựng dự án bị đội giá, doanh nghiệp buộc phải chịu lỗ.

“Hợp đồng trọn gói phải thực hiện thi công trong suốt thời gian thực hiện dự án với một đơn giá cố định. Điều này đã được quy định tại các điều luật liên quan nên việc điều chỉnh tổng mức đầu tư công trình khi đơn giá tăng lên là không thể thực hiện được”, ông Khiêm nói.

Nguyên vật liệu đầu vào tăng

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, đợt tăng giá vật liệu xây dựng lần này do nhiều yếu tố đầu vào tăng. Cụ thể, than chiếm 40 - 45% giá thành sản xuất xi măng, nên giá than trong nước tăng 7 - 10%, cùng với giá dầu và một số phụ gia khác dùng trong sản xuất xi măng tăng giá là lý do khiến giá xi măng gần đây tăng.

Ngoài ra, các vật liệu khác cũng tăng khoảng 10% như gạch, cát… đặc biệt với giá thép tăng tới 40%, doanh nghiệp xây dựng chịu nhiều ảnh hưởng.

Theo ông Bắc, mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi cơ quan liên quan và các địa phương với đề nghị: UBND cấp tỉnh chỉ đạo các sở xây dựng thường xuyên theo dõi kịp thời và cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp; các cơ quan liên quan đánh giá tác động của COVID-19 và biến động giá vật liệu xây dựng chủ yếu là thép xây dựng, để từ đó đề xuất các giải pháp khắc phục, giảm thiểu tác động tiêu cực từ tăng giá thép để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu thi công xây dựng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, cho biết, hiện tại, nhiều chủ đầu tư không phải dùng vốn ngân sách nhà nước và đa số đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định và không điều chỉnh ở thời điểm ký, trừ trường hợp bất khả kháng. Vì vậy, đứng trước việc giá vật liệu liên tục leo thang, nhà thầu trên cả nước đang đứng trước nguy cơ “vỡ trận”.

Điều đáng nói là việc các nhà cung cấp nguyên vật liệu từ sắt thép, xi măng… đồng loạt tăng giá đã khiến nhiều công trình xây dựng, dự án bất động sản phải thi công cầm chừng, thậm chí đang phải đứng trước nguy cơ “đắp chiếu”.

Theo thống kê của Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, chỉ riêng tháng 10/2021, nhiều doanh nghiệp thép đã điều chỉnh mức tăng giá bán khoảng 17.000 -192.000 đồng/kg thép tùy từng loại…. Trước đó, giá các loại kính cũng tăng hơn 30% so với đầu năm 2021; giá xi măng tăng trung bình từ 80.000 - 100.000 đồng/tấn.

Xem thêm: Vật liệu xây dựng tăng giá 'sốc'

Tin mới lên