Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được mua tín phiếu NHNN trên thị trường thứ cấp

Minh Tâm - 26/11/2018 10:49 (GMT+7)

(VNF) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành dự thảo Thông tư Quy định về phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước với nhiều điểm đáng chú ý. Theo dự thảo, NHNN đã bổ sung thêm đối tượng áp dụng là Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, bên cạnh NHNN và các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi tắt là TCTD) được thành lập và hoạt động theo Luật các TCTD.

VNF
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được mua tín phiếu NHNN trên thị trường thứ cấp

NHNN cho biết, dự thảo Thông tư bổ sung thêm đối tượng áp dụng là Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam do Luật Bảo hiểm tiền gửi (Điều 31 về hoạt động đầu tư) quy định: Tổ chức bảo hiểm tiền gửi được sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi để mua trái phiếu Chính phủ, tín phiếu NHNN và gửi tiền tại NHNN.

Về phương thức phát hành tín phiếu tín phiếu NHNN, dự thảo Thông tư quy định hai phương thức phát hành tín phiếu NHNN.

Thứ nhất là phát hành theo phương thức đấu thầu. Cụ thể, việc phát hành tín phiếu NHNN theo phương thức đấu thầu được thực hiện theo quy định về đấu thầu qua nghiệp vụ thị trường mở.

Thứ hai là phát hành theo phương thức bắt buộc. Theo đó, căn cứ vào mục tiêu chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ và tình hình thực tế, NHNN quyết định phát hành tín phiếu bắt buộc đối với các TCTD. TCTD thực hiện mua tín phiếu NHNN bắt buộc theo Quyết định của Thống đốc NHNN.

NHNN lý giải rằng tín phiếu NHNN bắt buộc là công cụ trong điều hành chính sách tiền tệ được sử dụng khi cần thiết nên dự thảo Thông tư giữ nguyên phương thức phát hành tín phiếu NHNN bắt buộc trong dự thảo Thông tư như quy định tại Quyết định số 362.

Về hình thức của tín phiếu NHNN, dự thảo Thông tư quy định tín phiếu NHNN được phát hành dưới hình thức ghi sổ.

"Việc quy định tín phiếu NHNN được phát hành dưới hình thức ghi sổ sẽ đảm bảo thuận tiện trong quá trình lưu ký, chuyển giao quyền sở hữu và mua, bán tín phiếu NHNN. Hiện nay, các loại giấy tờ có giá khác như trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Kho bạc, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương... cũng đang được phát hành dưới hình thức ghi sổ", NHNN cho hay.

Thêm vào đó, dự thảo Thông tư cũng quy định: Tín phiếu NHNN được mua, bán lại; chuyển nhượng; cầm cố giữa các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được mua tín phiếu NHNN từ các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam.

NHNN thông tin, hiện nay, NHNN thực hiện phát hành tín phiếu NHNN cho các TCTD theo hình thức đấu thầu qua nghiệp vụ thị trường mở. Theo quy định tại Luật NHNN năm 2010 và quy định hiện hành về nghiệp vụ thị trường mở (Thông tư số 42/2015/TT-NHNN ngày 31/12/2015 của Thống đốc NHNN quy định về nghiệp vụ thị trường mở) thì nghiệp vụ thị trường mở là việc NHNN thực hiện mua, bán giấy tờ có giá với các TCTD. Đối tượng mua tín phiếu NHNN là các TCTD, không phải là Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Theo đó, dự thảo Thông tư quy định Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện mua tín phiếu NHNN trên thị trường thứ cấp.

Về xử lý vi phạm, dự thảo Thông tư bổ sung quy định về xử lý vi phạm. Theo đó, việc xử lý vi phạm trong trường hợp phát hành tín phiếu NHNN theo phương thức đấu thầu được thực hiện theo quy định về nghiệp vụ thị trường mở.

Cùng với đó, trường hợp phát hành theo phương thức bắt buộc, nếu các TCTD không thực hiện mua tín phiếu NHNN hoặc thanh toán không đủ số tiền mua tín phiếu NHNN, NHNN tự động trích nợ tài khoản thanh toán của tổ chức đó tại NHNN cho đến khi thu hồi đủ số tiền còn thiếu trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày phát hành và thông báo cho tổ chức biết về việc trích nợ tài khoản.

Nếu quá thời hạn trích nợ nêu trên vẫn không thu hồi đủ số tiền mua tín phiếu Ngân hàng Nhà nước bắt buộc, tổ chức tín dụng sẽ bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng theo các quy định hiện hành.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Đột nhập Làng Đại học Đà Nẵng quy hoạch 'treo' suốt 27 năm

Đột nhập Làng Đại học Đà Nẵng quy hoạch 'treo' suốt 27 năm

(VNF) - Dự án ở địa phần Đà Nẵng đến nay đã được giải phóng mặt bằng trên một diện tích lớn và vẫn còn một số hộ dân. Những căn hộ dời đi mặt bằng đã được đập để bàn giao mặt bằng sạch.