Bất động sản ì ạch, chứng khoán lao đao: Người giàu mua vàng để giữ tiền

Khánh Tú - 27/01/2024 00:04 (GMT+7)

(VNF) - Nhu cầu vàng của Trung Quốc đã tăng lên mức cao chưa từng thấy trong năm 2023 khi tầng lớp trung lưu ở nước này cố gắng bảo toàn tài sản trong bối cảnh đồng nhân dân tệ suy yếu, bất động sản sụp đổ và thị trường chứng khoán suy thoái.

VNF
Ảnh minh họa.

Theo Tổng cục Hải quan, số lượng vàng Trung Quốc nhập khẩu trong năm 2023 đạt mức 1.447 tấn với giá trị tương đương 90 tỷ USD, phá vỡ kỷ lục trước đó là 1.427 tấn vào năm 2018.

Xét về trọng lượng, lượng vàng nhập khẩu trong năm 2023 của Trung Quốc tăng gấp 7 lần so với năm 2020 trong khi xét về giá trị, con số này tăng gấp 9 lần so với 3 năm trước.

Theo Hiệp hội Vàng Trung Quốc, doanh số bán vàng tại thị trường nội địa cũng đạt 1.090 tấn vào năm ngoái. Trong đó, mức tiêu thụ vàng tăng 7,97% so với cùng kỳ năm trước đó và lượng mua vàng miếng tăng 15,7%.

Cơn sốt vàng cũng đã đẩy giá vàng tại Trung Quốc lên mức cao nhất trong 13 năm vào năm ngoái và kéo rộng mức chênh lệch với thị trường nước ngoài lên mức lớn nhất trong một thập kỷ trở lại đây.

Nắm bắt được nhu cầu của người dân, các doanh nghiệp trang sức cũng mở rộng chuỗi cửa hàng tại nhiều thành phố cấp ba và cấp bốn để tiếp cận với nhiều khách hàng hơn.

Theo CCTV, dọc theo một con phố dài chưa đầy 200 mét ở Cù Châu, một thành phố cấp tỉnh ở phía đông tỉnh Chiết Giang, đã có tới 15 cửa hàng vàng được mở trong vòng 2 đến 3 năm qua. Số cửa hàng vàng tại Trung Quốc đã tăng ctừ 3.835 cửa hàng vào tháng 3 năm 2020 lên 7.699 cửa hàng vào cuối tháng 9/2023.

Lượng tiêu thụ vàng của người dân Trung Quốc tăng đột biến.

Theo SCMP, khi cơ hội tiếp cận tài sản ở nước ngoài bị hạn chế, ở trong nước thì thị trường bất động sản ảm đạm, tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc đang cố gắng tìm mọi cách để bảo toàn tài sản của mình và vàng là kênh đầu tư an toàn nhất.

Ông Peng Peng, Chủ tịch điều hành của Hiệp hội Quảng Đông cho biết: “Đối mặt với sự sụp đổ của thị trường bất động sản và chứng khoán cùng với bất ổn địa chính trị và đồng NDT suy yếu, mua vàng hiện là cách tốt nhất để người dân Trung Quốc bảo toàn tài sản của mình”.

Ông Gary Ng, nhà kinh tế cấp cao phụ trách nghiên cứu chuyên đề châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis, cho biết: “Ngoài nhu cầu bị dồn nén từ việc mở cửa trở lại, các yếu tố như đồng nhân dân tệ suy yếu và thiếu tài sản đầu tư đã thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ vàng của người dân Trung Quốc trong những năm gần đây”, ông nói.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã phải đối mặt với các đợt bán tháo kéo dài trong năm qua và chứng kiến khoản lỗ tổng cộng hơn 6,3 nghìn tỷ USD vốn hóa thị trường. Cùng với đó là rủi ro giảm phát, sự suy yếu của bất động sản và sự sụt giảm của dòng vốn FDI khiến chỉ số CSI 300 chạm mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

Vàng trở thành kênh đầu tư an toàn.

Đồng NDT của Trung Quốc cũng đã mất giá gần 3% vào năm 2023. Khi đồng NDT mất giá mà hầu hết các cá nhân Trung Quốc không thể mua USD hoặc các sản phẩm bằng USD, nghĩa là mua vàng – bao gồm cả vàng miếng và đồ trang sức – là phương tiện dễ tiếp cận nhất để bảo vệ giá trị tài sản của người dân Trung Quốc.

Không chỉ người dân, ngay cả Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng tăng cường mua vàng tích trữ trong năm 2023. Chỉ tính riêng trong 3 quý năm 2023, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã mua ròng hơn 800 tấn vàng, đứng đầu danh sách các quốc gia mua vàng tích trữ.

Theo Hội đồng Vàng thế giới, tới cuối tháng 10/2023, tổng dự trữ vàng của chính phủ Trung Quốc đạt 2.215 tấn với tổng giá trị hơn 140 tỷ USD và trở thành một trong những nước tích trữ vàng lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, ông Dominic Frisby, chuyên gia phân tích vàng và người sáng lập tạp chí The Flying Frisby, cho rằng lượng vàng mà Trung Quốc nắm giữ cao gấp hàng chục lần so với con số được công bố công khai.

“Số vàng thực tế mà Trung Quốc nắm giữ có thể lớn hơn gấp nhiều lần so với số vàng mà Mỹ đang nắm giữ. Nếu căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ gia tăng, Trung Quốc sẽ biến vàng thành vũ khí hóa", vị chuyên gia này lo ngại.

Cùng chuyên mục
Tin khác