Tài chính quốc tế

Bị chính phủ Trung Quốc ‘sờ gáy’, Tencent mất 62 tỷ USD vốn hóa

(VNF) - Tiếp đà sụt giảm từ cuối tuần trước, cổ phiếu Tencent tiếp tục lao dốc trong phiên giao dịch hôm nay (15/3). Tổng cộng cả hai phiên, vốn hóa đại gia công nghệ Trung Quốc đã “bốc hơi” 62 tỷ USD.

Bị chính phủ Trung Quốc ‘sờ gáy’, Tencent mất 62 tỷ USD vốn hóa

Bị chính phủ Trung Quốc ‘sờ gáy’, Tencent mất 62 tỷ USD vốn hóa.

Cụ thể, trong phiên giao dịch vào thứ Sáu tuần trước (12/3), cổ phiếu Tencent sụt giảm 4,4, tới thứ Hai tuần này (15/3), cổ phiếu hãng này lại giảm 4%.

Theo ước tính của các chuyên gia phân tích tại Bernstein, mảng tài chính trực tuyến của Tencent có giá trị vào khoảng 105 đến 120 tỷ USD. Trong đó, mảng thanh toán được định giá 70-80 tỷ USD, 35-40 tỷ USD còn lại là giá trị mảng bảo hiểm và quản lý tài sản.

"Do đó với 62 tỷ USD giá trị vốn hóa bị thổi bay, có thể nói Tencent đã mất đi mảng kinh doanh tài chính trực tuyến", các chuyên gia phân tích của Bernstein nhận định.

Việc giá trị cổ phiếu của Tencent sụt giảm xảy ra trong bối cảnh các nhà đầu tư đang bán tháo cổ phiếu của tập đoàn này do lo ngại Tencent sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo của các nhà quản lý Trung Quốc sau Alibaba.

Trước đó, Tencent cùng 11 tập đoàn công nghệ Trung Quốc đã bị Cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc (SAMR) xử phạt vì liên quan đến 10 thương vụ thể hiện hành vi độc quyền bất hợp pháp. Mỗi công ty phải chịu khoản phạt lên tới 500.000 NDT, tương đương 77.000 USD.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh mở rộng chiến dịch rà soát, lập lại trật tự trong ngành công nghệ tài chính (Fintech).

Hãng tin Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho biết hình phạt tài chính với Tencent vì lợi dụng vị thế độc quyền có thể sẽ chỉ là bước khởi đầu. Tencent tới đây sẽ là mục tiêu tiếp theo trong nỗ lực tăng cường giám sát với các tập đoàn công nghệ tài chính.

Bước đi này đánh dấu bước hành động quyết liệt của Bắc Kinh trong chiến dịch kiểm soát ảnh hưởng của các ông lớn công nghệ. Nó diễn ra chỉ ít ngày sau khi Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố chính quyền sẽ mở rộng giám sát đối với lĩnh vực công nghệ tài chính, tăng cường chống độc quyền, ngăn chặn bùng nổ vốn “mất kiểm soát”.

Trước đó, Ant Group, công ty con của Alibaba là "nạn nhân" điển hình cho làn sóng kiểm soát mạnh mẽ từ giới chức Trung Quốc đại lục.

Hồi cuối năm ngoái, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cùng cơ quan giám sát ngoại hối cũng yêu cầu Ant Group phải tuân thủ các quy tắc mới về mảng tín dụng vi mô (micro-lending) trong nỗ lực kìm hãm quy mô đang ngày càng phình to của gã khổng lồ này.

Các quy định mới từ chính quyền đại lục cũng khiến kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng trị giá 37 tỷ USD của Ant Group, vốn được kỳ vọng trở thành đợt IPO lớn nhất thế giới, phải gác lại.

Tuy nhiên, các chuyên gia của Bernstein cho rằng số phận của Tencent sẽ không giống như Alibaba bởi các nhà lãnh đạo của Tencent khá kín tiếng, cũng chưa từng có những phát ngôn chỉ trích cơ quan quản lý như ông chủ Alibaba Jack Ma. Đồng thời, vị thế cạnh tranh trong mảng kinh doanh chính của Tencent hiện rất vững chắc, chưa có đối thủ nổi bật.

Xem thêm >> Myanmar: 32 nhà máy có vốn Trung Quốc bị đốt phá, thiệt hại gần 37 triệu USD

Tin mới lên