Bị 'chọc ngoáy' tứ phía, 'gấu' Nga vẫn hồi phục thần kỳ

Nhật Anh - 24/05/2018 08:49 (GMT+7)

(VNF) - Nga sẽ chào đón các nhà lãnh đạo và giám đốc điều hành từ thế giới kinh doanh và kinh tế đến Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St Petersburg (SPIEF) trong tuần này. Sự kiện được tổ chức trong các ngày 24-26/5 này là cơ hội tốt để các nhà phân tích, nhà kinh tế và nhà đầu tư có thể nhìn nhận về hiện trạng nền kinh tế Nga.

VNF
Nền kinh tế Nga đã phục hồi "thần kỳ"như thế nào trong nhiệm kỳ vừa qua của ông Putin?

Kinh tế Nga đã phải đối mặt với không ít những khó khăn trong vài năm qua, như các lệnh trừng phạt quốc tế sau việc Crimea sáp nhập vào lãnh thổ Nga, và vai trò của Moscow trong cuộc nổi dậy ủng hộ Nga ở phía đông Ukraine.

Những sự kiện này đã đẩy Nga rơi vào trạng thái bị cô lập từ năm 2014.

Trong 4 năm qua, Nga đã không nhận được nhiều sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, khi hỗ trợ cho chính quyền Syria của Tổng thống Bashar Assad. Ngoài ra, Moscow còn bị nghi ngờ đã can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ và châu Âu, cũng như bị nước Anh cáo buộc đã đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal.

Dầu mỏ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Nga

"Sức khỏe" nền kinh tế Nga 

Tuy nhiên, nước Nga dường như đã tìm được cách vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế gây ra bởi các lệnh trừng phạt, dòng vốn chảy ra khỏi quốc gia, sự suy giảm của đồng nội tệ và lạm phát tràn lan. Sức khỏe kinh tế Nga đang tốt hơn nhiều so với những năm trước đây. Trong năm 2017, nền kinh tế tăng trưởng khoảng 1,5%.

Theo Tổng thống Putin, Nga đã khá thành công trong nỗ lực theo đuổi vị trí nhà xuất khẩu vũ khí lớn trên thế giới. Năm 2017, xuất khẩu thiết bị quân sự của Nga tiếp tục tăng trong 3 năm liên tiếp lên hơn 15 tỷ USD.

>>> Giá vàng trong nước hôm nay (24/5): Mua nhiều hơn bán

Xuất khẩu vũ khí giúp Nga thu về nguồn ngoại tệ lớn

Ngân hàng Trung ương Nga đã đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định kinh tế Nga, giữ tỷ lệ lạm phát trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ở mức 2,4% trong tháng Tư - khác xa với tỷ lệ lạm phát 15,7% hồi tháng 10/2015. Trong khi đó, lãi suất của Nga hiện đang ở mức 7,25%, giảm từ con số “không tưởng” 17%, được áp dụng trong tháng 12 năm 2014 ở đỉnh cao của cuộc khủng hoảng đồng Ruble.

Nhìn vào hiện tại và tương lai, các nhà phân tích cho rằng Nga, trong cùng lúc, đã vượt trên một số kỳ vọng nhưng cũng lại thất bại trong một số mục tiêu. "Nền kinh tế vĩ mô của Nga đã thể hiện khả năng phục hồi đáng kể trong vòng bốn năm qua, bất chấp những trở lực tiêu cực", Daragh McDowell, nhà phân tích tại Verisk Maplecroft, cho biết trong một email.

"Đặc biệt, ngân hàng trung ương rõ ràng đã giải quyết thành công tỷ lệ lạm phát cao, điều này sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng Nga dẫn đầu trong tương lai."

McDowell lưu ý rằng giá dầu tăng (dầu thô Brent chuẩn hiện đang xấp xỉ 79 USD/thùng) sẽ mang đến cho Kho bạc Nga một lợi thế.

"Giá hòa vốn cho dầu tính theo ngân sách liên bang hiện nay được cho là dưới 60USD/thùng, có nghĩa là nếu giá hiện hành giữ nguyên hoặc tăng lên, Moscow kỳ vọng một sự gia tăng đáng kể về tiềm lực tài chính. Ngay cả khi giá dầu xuống dưới mốc 60 USD, khủng hoảng tài chính cũng khó có thể xảy ra khi hiện nay trái phiếu Nga đang được xếp hạng đầu tư”, ông nói.

Tín nhiệm với Tổng thống Putin lên tới 80%

Có lẽ người “chiến thắng” lớn nhất trong cuộc khủng hoảng kinh tế và sự cô lập về chính trị của Nga chính là Tổng thống Putin. Với ít sự cạnh tranh từ các ứng cử viên đối thủ, ông Putin đã tái đắc cử nhiệm kỳ thứ tư vào tháng Ba. Trước cuộc bầu cử, ông đã hứa hẹn về một "nhà nước của dân tộc", trong đó ông cam kết sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống của hàng triệu người Nga bằng cách thúc đẩy chi tiêu phúc lợi, giải quyết việc làm và cải thiện cơ sở hạ tầng trong khu vực, từ những con đường đến bệnh viện và nhà ở giá rẻ.

Mức độ tín nhiệm của người dân đối với Tổng thống Vladimir Putin dường như không bị ảnh hưởng bất lợi bởi cuộc khủng hoảng. Thay vào đó, các cuộc thăm dò ý kiến ​​đã cho thấy xếp hạng tín nhiệm của ông khá cao, vào khoảng 80%. Trên thực tế, xếp hạng tín nhiệm của Putin đã tăng lên đáng kể trong năm 2014 sau sự kiện sáp nhập Crimea và vẫn liên tục ở mức cao, bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị xảy ra sau đó.

Tín nhiệm của Tổng thống Putin luôn ở mức cao

Tuy nhiên, làm thế nào để ông thực hiện được những cam kết đó lại là một vấn đề khác. Liza Ermolenko, một nhà kinh tế tại Barclays Capital, đồng ý rằng việc tái đắc cử của Tổng thống Putin đã hướng sự chú ý của dư luận sang "những ưu tiên của chính phủ trong chính sách kinh tế”, và “cách tìm kiếm nguồn tài trợ tài chính”.

"Tổng thống đã hứa hẹn một sự gia tăng chi tiêu cho y tế và cơ sở hạ tầng (tương đương 162 tỷ USD hoặc gần 2% GDP hàng năm trong 6 năm tới). Nhưng vẫn chưa rõ chính phủ sẽ sử dụng nguồn tài trợ nào để thực hiện kế hoạch", Ermolenko nói trong một email. Có thể một cải cách về chế độ hưu trí, bao gồm cả sự gia tăng trong độ tuổi hưu trí, có vẻ gần hơn bao giờ hết. Và khả năng cao mức thuế VAT sẽ tăng”, bà cho biết.

Nhận thấy rằng tăng trưởng sẽ vẫn được coi là “tầm thường” ở mức 1,5 - 3% GDP mỗi năm trong tầm nhìn 3 – 5 năm tới, McDowell của Maplecroft cho biết sự bất mãn trong xã hội sẽ không còn xa. "Trong bối cảnh nhiều năm liền lương giảm, và những khoảng cách lớn trong phát triển kinh tế giữa các khu vực trong nước, thì mức tăng trưởng như vậy thực sự không đủ để ngăn chặn sự bất mãn trong xã hội tăng cao", ông dự đoán.

>>> Con gái cựu điệp viên lộ diện, Nga-Anh lại 'dậy sóng'

Theo CNBC/TASS
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.