BIDV đặt mục tiêu lợi nhuận 2020 tăng 15% dù tín dụng chỉ tăng 9%, bán thêm tối đa 6% vốn

Minh Tâm - 28/02/2020 13:50 (GMT+7)

(VNF) - Trong giai đoạn 2020 – 2021, BIDV dự kiến sẽ phát hành riêng lẻ hơn 251 triệu cổ phiếu bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ. Lượng cổ phiếu này dự kiến tương đương 6,25% số cổ phần đang lưu hành tại thời điểm 31/12/2019 và có quy mô tối đa 6% vốn điều lệ sau khi phát hành.

VNF
BIDV đặt mục tiêu lợi nhuận 2020 tăng 15% dù tín dụng chỉ tăng 9%, bán thêm tối đa 6% vốn

Ngày 7/3 tới đây, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2020.

Theo tài liệu đại hội, BIDV đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng chỉ 9% - theo hạn mức được cấp bởi Ngân hàng Nhà nước. Huy động vốn theo đó dự kiến tăng 9%, tương đương kế hoạch tăng trưởng tín dụng.

Năm 2020, lợi nhuận trước thuế mục tiêu của BIDV ở mức 12.500 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2019. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến dưới 1,6%.

Tỷ lệ cổ tức dự kiến năm 2020 ở mức 7%. Tại đại hội lần này, BIDV cũng trình phương án chia cổ tức năm 2019 ở mức 7%, bằng cổ phiếu.

Đáng chú ý, trong giai đoạn 2020 – 2021, BIDV dự kiến sẽ phát hành riêng lẻ hơn 251 triệu cổ phiếu bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ. Lượng cổ phiếu này dự kiến tương đương 6,25% số cổ phần đang lưu hành tại thời điểm 31/12/2019 và có quy mô tối đa 6% vốn điều lệ sau khi phát hành.

Theo thông tin từ phía BIDV, đến năm 2022, ngân hàng này có dự tính nâng tổng tỷ lệ sở hữu của nước ngoài lên tối đa 30%, tỷ lệ sở hữu Nhà nước tối thiểu 65%, còn lại dành cho các nhà đầu tư khác.

Từ năm 2022 trở đi, tỷ lệ sở hữu Nhà nước tổi thiểu tại BIDV dự kiến là 51%.

Một số chỉ tiêu đo lường hiệu quả kinh doanh của BIDV 6 năm gần đây. Nguồn: BIDV

Nhìn lại, năm 2019, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của BIDV đạt 10.876 tỷ, tăng 15,8% so với năm 2018, vượt kế hoạch ĐHĐCĐ giao (10.300 tỷ).

Tính đến hết ngày 31/12/2019, tổng tài sản của BIDV đạt 1.490.105 tỷ, tăng trưởng 13,5% so với năm 2018. Theo đó, BIDV tiếp tục là ngân hàng TMCP có quy mô tài sản lớn nhất tại Việt Nam.

Trong năm, dư nợ tín dụng tăng trưởng 12,2%, đảm bảo tuân thủ kế hoạch Ngân hàng Nhà nước giao trong từng thời kỳ. Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đến 31/12/2019 đạt 1.325.667 tỷ; trong đó dư nợ tín dụng đạt 1.134.430 tỷ.

Tăng trưởng nguồn vốn huy động là 12,1%, cao hơn 1% so với mức chỉ tiêu được ĐHĐCĐ thông qua (11%), đạt 1.374.758 tỷ; trong đó huy động vốn thị trường 1 đạt 1.187.162 tỷ.

Tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) ở mức 88%. Tỷ lệ nợ xấu cho vay tổ chức kinh tế, cá nhân là 1,74%,

Công tác bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược cũng là một thành công của BIDV trong năm 2019. Trong điều kiện nhiều khó khăn từ thị trường, thủ tục của cơ quan quản lý, tuy nhiên với sự nỗ lực quyết tâm, BIDV đã triển khai thành công việc tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phần cho KEB Hana Bank.

KEB Hana Bank đã chính thức trở thành đối tác chiến lược của BIDV từ ngày 6/11/2019 với tỷ lệ sở hữu 15% vốn điều lệ (sau phát hành), thời gian nắm giữ cổ phần ít nhất 5 năm, với tổng giá trị giao dịch là 20.300 tỷ đồng. Đây là giao địch M&A với một nhà đầu tư chiến lược lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam, mở ra các cơ hội phát triển cho BIDV trong giai đoạn mới.

Cùng chuyên mục
Tin khác