BIDV sẽ tái cấu trúc sở hữu vốn tại BIDV-MetLife, VRB, VALC

Minh Tâm - 25/04/2019 14:17 (GMT+7)

(VNF) - BIDV cho biết năm 2019 sẽ cấu trúc lại toàn diện hoạt động đầu tư tại các công ty con, công ty liên doanh, liên kết và các đơn vị hải ngoại nhằm mục tiêu bảo toàn vốn. Trong đó, ngân hàng này sẽ tái cấu trúc sở hữu vốn tại BIDV-MetLife, VRB, VALC; sắp xếp lại quan hệ sở hữu nhóm các đơn vị vốn góp tại Campuchia; đồng thời thoái vốn toàn bộ các khoản đầu tư tài chính ngoài ngành.

VNF
BIDV sẽ tái cấu trúc sở hữu vốn tại BIDV-MetLife, VRB, VALC

Theo thông tin từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), năm 2019, BIDV đặt mục tiêu tín dụng tăng trưởng 12%; huy động vốn tăng trưởng 11% và phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn; phấn đấu tỷ lệ nợ xấu dưới 2%; lợi nhuận trước thuế hợp nhất phấn đấu đạt 10.500 tỷ đồng. Tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2018 là 6%.

Đáng chú ý, HĐQT BIDV cho biết ngân hàng sẽ cấu trúc lại toàn diện hoạt động đầu tư tại các công ty con, công ty liên doanh, liên kết và các đơn vị hải ngoại nhằm mục tiêu bảo toàn vốn.

Trong đó tập trung rà soát và đánh giá tính hiệu quả của từng khoản đầu tư/danh mục đầu tư để ra quyết định duy trì, tăng/giảm hay thoái vốn và tập trung thoái vốn toàn bộ các khoản đầu tư tài chính ngoài ngành, các khoản đầu tư không hiệu quả.

Ban giám đốc của BIDV tiết lộ thêm, năm 2019, ngân hàng sẽ cấu trúc lại toàn diện hoạt động đầu tư nhằm mục tiêu bảo toàn vốn, trong đó tập trung rà soát và đánh giá hiệu quả của danh mục đầu tư, cụ thể: tái cấu trúc sở hữu vốn tại BIDV-MetLife, VRB, VALC; sắp xếp lại quan hệ sở hữu nhóm các đơn vị vốn góp tại Campuchia; thoái vốn toàn bộ các khoản đầu tư tài chính ngoài ngành.

Hiện BIDV đang sở hữu 35% vốn tại Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ BIDV MetLife. Công ty này có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Năm 2018, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của BIDV MetLife đạt 858,8 tỷ đồng, tăng 65,4% so với năm 2017, nhanh hơn so với tốc độ tăng trưởng chung của thị trường.

Với Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga (VRB), tỷ lệ sở hữu của BIDV là 50%. VRB hiện có vốn điều lên 3.008 tỷ đồng. Năm 2018, tổng tài sản của VRB đạt 17.575 tỷ đồng, huy động vốn từ tổ chức kinh tế, dân cư đạt 8.209 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng đạt 11.212 tỷ đồng tăng 7% và lợi nhuận đạt 178,3 tỷ đồng. Mạng lưới giao dịch gồm 1 Hội sở chính, 06 chi nhánh và 10 Phòng Giao dịch tại các thành phố lớn trên cả nước.

Trong khi đó, BIDV đang sở hữu 18,52% vốn tại Công ty Cổ phần Cho thuê máy bay Việt Nam (VALC). Công ty này được thành lập 10 năm trước và hiện có vốn điều lệ 1.318 tỷ đồng. Năm 2018, VALC có kết quả kinh doanh khá khả quan với mức lợi nhuận trước thuế đạt gần 24,93 triệu USD, tương ứng với mức lợi nhuận sau thuế/vốn điều lệ 31,48%.

Đối với các công ty tại Campuchia, BIDV đang sở hữu các công ty con như Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Campuchia (IDCC), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia (BIDC), Công ty Chứng khoán Campuchia - Việt Nam, Công ty Bảo hiểm Campuchia - Việt Nam; đồng thời đang góp vốn vào Công ty TNHH Lương thực Campuchia - Việt Nam.

Tuy nhiên, sở hữu của BIDV tại tất cả các công ty trên đều là gián tiếp thông qua công ty con.

Bên cạnh các công ty trên, BIDV hiện cũng đang sở hữu, đầu tư, góp vốn vào nhiều công ty khác mà theo như định hướng của HĐQT, "sẽ cấu trúc lại toàn diện hoạt động đầu tư tại các công ty con, công ty liên doanh, liên kết và các đơn vị hải ngoại nhằm mục tiêu bảo toàn vốn".

Đầu tiên phải kể đến Công ty Cho thuê tài chính TNHH BIDV - SuMi TRUST (BSL) do BIDV nắm 50% vốn. Sau hơn một năm hoạt động, tính đến 31/12/2018, tổng dư nợ của BSL đạt 744 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần năm 2017 và 100% là nợ nhóm 1.

Thứ hai là Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) do BIDV sở hữu 51%. Năm 2018, BIC ghi nhận tổng doanh thu phí đạt 2.079 tỷ đồng, tăng 16,7% so với năm 2017. Thị phần bảo hiểm gốc chiếm khoảng 3,9% toàn thị trường, đứng thứ 8/29 trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 202,5 tỷ đồng, tăng 8,6% so với năm 2017.

Thứ ba là Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC) do BIDV sở hữu 79,94%. Năm 2018, BSC đạt lợi nhuận trước thuế năm 2018 đạt 238,5 tỷ đồng, vượt 19% kế hoạch năm 2018 và tăng 16% so với năm 2017.

Ngân hàng Liên doanh Lào - Việt (LVB) cũng là một cái tên đáng chú ý, hiện do BIDV sở hữu 65%. Năm 2018, LVB đạt tổng tài sản 1,13 tỷ USD (đứng thứ 3 toàn thị trường Lào). Nguồn vốn huy động đạt hơn 1 tỷ USD, trong đó, huy động vốn dân cư và tổ chức kinh tế đạt 661 triệu USD, tăng 8,12% so với năm 2017 (đứng thứ 2 toàn thị trường). Tổng dư nợ của toàn hệ thống đạt 809 triệu USD (đứng thứ 3 toàn thị trường). Lợi nhuận trước thuế đạt 9,5 triệu USD.

Bên cạnh LVB, BIDV còn có một công ty bảo hiểm hoạt động tại Lào là Công ty Liên doanh Bảo hiểm Lào Việt (LVI), do BIDV sở hữu 33,15%. Đến 31/12/2018, tổng tài sản của LVI đạt 17,9 triệu USD, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 13,3 triệu USD, lợi nhuận trước thuế đạt 0,55 triệu USD, duy trì vị trí thứ 2 về doanh thu phí bảo hiểm gốc trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Lào.

Ngoài ra, BIDV cũng đang sở hữu Công ty Liên doanh tháp BIDV (BIDV Tower) với tỷ lệ nắm giữ 55%. Năm 2018, BIDV Tower ghi nhận doanh thu cho thuê văn phòng 212,4 tỷ đồng (vượt 3% kế hoạch), lợi nhuận trước thuế đạt 92,8 tỷ đồng (vượt 10% kế hoạch).

Cùng chuyên mục
Tin khác