Bình Định có số người đứng đầu bị xử lý do tham nhũng nhiều nhất nước

Minh Chiến - 13/10/2019 08:40 (GMT+7)

Theo Thanh tra Chính phủ, trong tổng số 62 người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm do để xảy ra tham nhũng, tỉnh Bình Định có 32 người, nhiều nhất cả nước.

VNF
Trường Trung cấp Nghề Thủ công mỹ nghệ Bình Định là một trong những đơn vị xảy ra nhiều sai phạm ở địa phương này

Năm 2019, có 62 người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng và 3 người đứng đầu bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Đây là nội dung được Thanh tra Chính phủ (TTCP) đề cập trong báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019 gửi Quốc hội mới đây.

Trong số 62 người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, tỉnh Vĩnh Phúc có 2, Vĩnh Long 1, Thừa Thiên Huế 2, Tây Ninh 7, Ninh Bình 1, Lào Cai 2, Bình Thuận 4, Bình Phước 4, An Giang 7 người. Đáng chú ý, Bình Định là địa phương có số người bị xử lý trách nhiệm nhiều nhất cả nước với 32 người.

Theo cơ quan thanh tra, trong số 3 người bị xử lý trách nhiệm hình sự do để xảy ra tham nhũng, có 2 trường hợp ở Tiền Giang và 1 trường hợp ở Cao Bằng.

Theo TTCP, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng chưa đạt yêu cầu và còn tình trạng nhầm lẫn giữa việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng với việc xử lý người đứng đầu do trực tiếp thực hiện hành vi tham nhũng.

Báo cáo cũng nêu rõ số người đã kê khai tài sản, thu nhập trong năm 2019 là hơn một triệu người (đạt tỷ lệ 99,9%). Có 46 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập. Qua việc xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền, phát hiện 10 trường hợp vi phạm (tăng 4 trường hợp so với cùng kỳ năm trước).

Đối với 10 trường hợp vi phạm này, đến nay đã xử lý kỷ luật 8 trường hợp, gồm Bộ Công an (2), Đà Nẵng (1), Khánh Hòa (2), Tây Ninh (2), Thanh Hóa (1). Hai trường hợp còn lại đang xem xét xử lý kỷ luật.

TTCP cũng đánh giá công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực nhưng chưa đều, vẫn còn một số địa phương ít phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.

"Tình trạng 'tham nhũng vặt' vẫn xảy ra ở nhiều nơi nhưng chưa được ngăn chặn có hiệu quả, có vụ việc xảy ra ngay trong lực lượng chống tham nhũng, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp...", báo cáo gửi Quốc hội nêu.

Bên cạnh đó, công tác phòng chống tham nhũng của một số bộ, ngành, địa phương chưa có sự chuyển biến rõ rệt, vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị vẫn chưa có chuyển biến rõ nét.

Theo NLĐO
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.