Bình ổn thị trường vàng như thế nào?

TS Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia - 01/07/2024 06:30 (GMT+7)

(VNF) - Giá vàng đã hạ nhiệt sau khi 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) bán vàng miếng SJC trực tiếp tới người dân theo phương án mới của NHNN. Nhưng để bình ổn thị trường vàng, cần làm nhiều hơn thế.

Lỗi nằm ở chính sách

Trước “cơn sốt” của giá vàng, vừa qua, 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đã bán vàng miếng SJC trực tiếp tới người dân theo phương án mới của NHNN. Mục tiêu của phương án này là thu hẹp và kiểm soát chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá quốc tế ở mức phù hợp.

Có thể thấy, đây là giải pháp hợp lý, đúng đắn của Ngân hàng Nhà nước. Biện pháp này cũng được người dân ủng hộ, vì họ được mua vàng trực tiếp từ các ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC.

Nhưng nói cho cùng, dù là đấu thầu vàng, hay để các ngân hàng thương mại nhà nước đi bán vàng chỉ là giải pháp mang tính chất tình thế. Về lâu dài, khi không nhập khẩu vàng, còn độc quyền sản xuất vàng miếng hay độc quyền xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu thì tình trạng mất cân bằng cung cầu trong nước và thế giới vẫn sẽ diễn ra, kéo theo câu chuyện giá vàng tăng sẽ tiếp tục tái xuất hiện.

Ở đây, có một số vấn đề phải cẩn trọng. Thứ nhất, tại sao giai đoạn từ năm 2014 – 2020 lại không có sự chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới, đồng thời ở giai đoạn này Việt Nam cũng không nhập khẩu vàng, mà vấn đề này chỉ xuất hiện từ năm 2020 đến nay?

Nguyên nhân của vấn đề này có thể xuất phát từ một yếu tố lâu nay Việt Nam chưa nắm rõ đó là nhập lậu vàng. Có lẽ trong giai đoạn đó, việc kiểm soát nhập khẩu vàng qua biên giới chưa tốt, dẫn đến vàng nhập lậu nhiều và tạo ra mức cân bằng tương đối giữa cung cầu vàng trong nước so với thế giới.

Từ giai đoạn 2020 đến nay, một mặt là do đại dịch Covid-19, Việt Nam kiểm soát rất chặt vấn đề đi lại qua biên giới đồng thời gia tăng kiểm soát các mặt hàng xuất nhập khẩu, làm gián đoạn quá trình nhập khẩu vàng qua biên giới, từ đó dẫn tới câu chuyện chênh lệch giá vàng ngày càng lớn.

Cũng có ý kiến cho rằng nguyên nhân khiến vàng tăng giá là do vấn đề lãi suất, bất động sản hay tỷ giá hối đoái… bởi tất cả yếu tố này đều có khả năng tác động đến giá vàng. Nhưng vàng không bao giờ “làm khổ” những yếu tố đó cả, vàng từ xa xưa đã được con người gắn cho một bản vị đáng quý, hàng trăm năm trước vàng là bản vị của tiền, thậm chí có ý kiến rằng do in tiền giấy quá nhiều nên mới quay trở lại quản lý vàng cho đỡ lạm phát. Điều đó cho thấy rằng, lỗi nằm ở các chính sách khác, không phải lỗi của vàng.

Phải bỏ độc quyền xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu

Để bình ổn thị trường vàng, chúng tôi cho rằng, nhất định phải sửa lại Nghị định 24 về kinh doanh vàng, đặc biệt là điều khoản quan trọng nhất quy định về vấn đề nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng. Tiếp đến là bỏ độc quyền xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu. Cuối cùng là trả lại thương hiệu SJC cho hãng SJC. Nếu làm được điều này, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, giá vàng sẽ bình ổn trở lại.

Riêng về vấn đề cho phép xuất nhập khẩu vàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ quyết định. Ngân hàng Nhà nước có thể lựa chọn ra 12 công ty vàng bạc đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh vàng.

Theo dự báo của Hội đồng Vàng thế giới, khối lượng vàng nhập khẩu của Việt Nam vào khoảng 50 tấn, nếu quy đổi sang đơn vị tiền sẽ tương đương khoảng 3 tỷ USD, con số này còn thấp hơn xuất nhập khẩu rau quả của Việt Nam.

Khó khăn ở chỗ khó kiểm soát khối lượng xuất nhập. Chúng tôi cho rằng thuế chính là công cụ mạnh mẽ nhất, hữu hiệu nhất của nhà nước trong việc giải quyết khó khăn này. Nếu muốn khuyến khích thì hạ thuế xuống, thuế giảm kéo theo việc giảm buôn lậu.

Chính phủ nên coi vàng là một yếu tố mang nhiều tính thương mại hơn tính tiền tệ. Trên thế giới, không có ngân hàng trung ương nào quản lý vàng như ngân hàng trung ương của Việt Nam, họ chỉ coi vàng là chính sách tiền tệ ở khu vực dự trữ và coi đó là loại hàng hóa kinh doanh thông thường.

Trên thế giới hiện nay, Trung Quốc và Ấn Độ là 2 quốc gia có chính sách quản lý thị trường vàng rất tốt, công khai trong việc cho phép doanh nghiệp nước họ nhập khẩu vàng và phân phối vàng miếng.

Quay lại với Việt Nam, rất lấy làm tiếc khi chúng ta là quốc gia rất có uy tín về gia công vàng trang sức. Thời gian tới, nếu giá vàng trong nước và giá vàng thế giới tương đối ổn định, việc xuất khẩu vàng trang sức sẽ khá tốt như Trung Quốc và Ấn Độ đang làm. Với 2 quốc gia này, vàng trang sức là mặt hàng xuất khẩu quan trọng, đồng thời họ đang thống soái thị trường trang sức trên toàn thế giới.

Với Việt Nam, nếu xuất khẩu bây giờ thì sẽ lỗ vì giá vàng trong nước chênh lệch quá cao, ảnh hưởng tới việc xây dựng thương hiệu thủ công mỹ nghệ về vàng của nước ta.

Về chính sách quản lý, chúng ta nên đi theo thông lệ quốc tế, tức là cho phép xuất nhập khẩu vàng bình thường và được quản lý bằng thuế. Trên thế giới, các quốc gia đã điện tử hóa trong kinh doanh vàng và điều này không có gì khó khăn đối với Việt Nam.

Không chỉ với vàng

Tương tự như vàng, giá bất động sản hiện nay cũng tăng rất cao và tiền đầu tư chảy vào các dự án bất động sản rất nhiều. Như vậy, vấn đề đặt ra ở thời điểm này là làm thế nào để có thể kéo được nguồn tiền vào sản xuất, kinh doanh. Nếu chúng ta không quản lý tốt thị trường vàng, bất động sản hay một vài thị trường tài sản khác, rất có thể tiền sẽ đổ vào đây.

Dẫn chứng là giá bất động sản tại Việt Nam từ năm 1990 đến nay, tính sơ bộ tại TP. HCM và Hà Nội, đã tăng 400 lần, tại các tỉnh lẻ tăng khoảng 100 lần. Trong khi đó, giá bất động sản trên thế giới cũng tăng khoảng 100 lần. Điều đó cho thấy có nhu cầu rất lớn đối với các phân khúc bất động sản, kể cả những phân khúc lớn như đất nền hay nhà chung cư, nhưng chúng ta không đáp ứng được. Không đáp ứng được, giá của khu vực này sẽ tăng lên, hút rất lớn nguồn vốn của dân cư và các ngân hàng vào khu vực này.

Theo chúng tôi dự đoán, 25% tín dụng ngân hàng đi vào bất động sản, tiền trong dân cư đi vào khu vực này cũng khá lớn, đây là vấn đề phải lưu ý để điều tiết nguồn tín dụng cho phù hợp trong bối cảnh cần những khu vực phát triển khác quan trọng hơn.

Khi so sánh giữa khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á, có thể thấy sự khác biệt rất lớn. Khu vực Đông Bắc Á duy trì ngân hàng lớn, tập trung tín dụng cho công nghiệp hóa, bởi chỉ những ngân hàng lớn mới có thể cho vay lớn và dài hạn, như vậy mới có thể làm công nghiệp được. Còn các ngân hàng Đông Nam Á, đặc điểm là nhỏ, mỗi ngân hàng gắn với 1 doanh nghiệp bất động sản, như vậy toàn bộ lợi nhuận của ngân hàng được quyết định bởi lợi nhuận từ kinh doanh bất động sản, từ đó nâng mặt bằng lãi suất, tín dụng lên khiến công nghiệp hóa không được thực hiện vì lãi suất cao. Thêm vào đó, ngân hàng nhỏ cũng không thể cung cấp khoản vay lớn và dài hạn cho công nghiệp hóa, trong khi đây là 2 yếu tố quan trọng nếu muốn thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa.

Toàn cầu tăng mua vàng dự trữ, giá trong nước tăng lên

Toàn cầu tăng mua vàng dự trữ, giá trong nước tăng lên

Thị trường
(VNF) - Các chuyên gia đều đang lạc quan trước triển vọng tăng giá của vàng khi loạt ngân hàng trung ương trên thế giới có kế hoạch tăng dự trữ vàng trong tương lai.
Bộ Tài chính đề xuất không mua bán vàng bằng tiền mặt

Bộ Tài chính đề xuất không mua bán vàng bằng tiền mặt

Tiêu điểm
(VNF) - Lãnh đạo Bộ Tài chính kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cùng nghiên cứu quy định thanh toán qua tài khoản với giao dịch mua bán vàng, không dùng tiền mặt.
Có tiền không mua được vàng: Ngân hàng báo 'hết lượt', DN kêu 'hết hàng'

Có tiền không mua được vàng: Ngân hàng báo 'hết lượt', DN kêu 'hết hàng'

Thị trường
(VNF) - Đến ngày 18/6, tất cả các ngân hàng bán vàng bình ổn đều đã chuyển sang hình thức bán trực tuyến. Mặc dù quy trình, thủ tục nhanh gọn nhưng nhiều người vẫn không thể mua được vàng.
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.