Bitcoin thủng mốc 19.000 USD, trượt xuống mức thấp nhất từ năm 2020

Minh Ý - 19/09/2022 16:08 (GMT+7)

(VNF) - Trước lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất làm ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư, sắc đỏ đã bao trùm khắp thị trường tiền điện tử, khi những đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới như Bitcoin, Ethereum đều giảm giá.

VNF
Phiên giao dịch đầu tuần "rực lửa" với nhà đầu tư tiền điện tử.

Theo Bloomberg, vào lúc 7h45 sáng 19/9 (theo giờ London), Bitcoin (BTC) đã giảm tới 7,4% và được giao dịch ở mức 18.370 USD, có lúc giảm xuống tới 18.302 USD.

Đồng tiền này đã giảm hơn 8% so với phiên giao dịch trước, để mất mốc 20.000 USD và rơi thẳng qua mốc 19.000 USD chỉ trong chưa đầy 24 giờ.

Mức giá hơn 18.000 USD/BTC được ghi nhận trong phiên 19/9 là mức thấp nhất được ghi nhận kể từ tháng 12/2020, khi đồng tiền ảo lớn nhất thế giới chạm mốc 18.000 USD trước khi chứng kiến mức tăng vọt trong năm 2021.

Không chỉ Bitcoin, đồng tiền kỹ thuật số lớn thứ 2 thế giới là Ethereum cũng giảm từ mốc hơn 1.400 USD xuống dưới 1.300 USD, đạt mức thấp nhất trong vòng 2 tháng, theo Bloomberg.

Theo dữ liệu từ CoinDesk, lúc 13h44 ngày 19/9, cùng thời điểm BTC trượt xuống mức thấp nhất ghi nhận trong ngày, Ether cũng giảm sâu nhất xuống 1.282 USD.

Nhiều mã tiền điện tử khác như XRP, Binance, Carnado cũng chứng kiến mức sụt giá lớn. Giá trị thị trường tiền điện tử giảm hơn 70 tỷ USD trong 24h qua xuống còn 941 tỷ USD, khác xa so với mức đỉnh 3.000 tỷ USD vào năm 2021, theo số liệu của CoinGecko.

Sự sụt giảm của thị trường tiền điện tử phản ánh tâm lý lo ngại của nhà đầu tư với các loại tài sản rủi ro trước thềm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng trung ương từ châu Âu sang châu Á có khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa trong tuần này.

Theo giới chuyên gia, nhiều khả năng Fed sẽ nâng lãi suất thêm 0.75% vào cuối tuần này (ngày 21-21/9). Tuy nhiên, số liệu mới nhất về tình hình lạm phát tại Mỹ được công bố tuần trước, trong đó tỷ lệ lạm phát tháng 8 là 8,6%, đang làm dấy lên lo ngại rằng lãi suất có thể được nâng lên 1%.

Trước những dấu hiệu thắt chặt chính sách từ các ngân hàng trung ương, thị trường chứng khoán khắp thế giới cũng có phiên giao dịch đầu tuần mới không mấy khởi sắc.

Tại châu Âu, đầu phiên 19/9, chỉ số DAX của Đức giảm 0,6% khi mở cửa, CAC 40 của Pháp giảm 1% và FTSE MIB của Italy cũng giảm khoảng 1%. IBEX 35 của Tây Ban Nha được giao dịch thấp hơn 0,47%. Chỉ số FTSE 100 của Vương quốc Anh không giao dịch trong ngày hôm nay do buổi tổ chức lễ tang của Nữ hoàng Elizabeth II.

Tại châu Á, chỉ số Hang Seng ở Hong Kong thấp hơn 0,89% trong giờ giao dịch cuối cùng, với chỉ số Hang Seng Tech giảm 1,93%. Kospi của Hàn Quốc giảm 1,14% xuống 2.355,66 và Kosdaq thấp hơn 2,35% ở mức 751,91.

Tại Trung Quốc đại lục, Shanghai Composite giảm 0,35% xuống 3.115,60 và chỉ số Thành phần Thâm Quyến cũng giảm 0,48% xuống 11.207,04. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất repo đảo ngược trong 14 ngày.

S&P/ASX 200 tại Mỹ giao dịch thấp hơn 0,28% ở mức 6.719,90. Chỉ số chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương mở rộng MSCI ngoài Nhật Bản giảm 0,59%.

Tại Mỹ, sau 1 tuần giảm liên tục, các hợp đồng tương lai của chỉ số S&P 500 tiếp tục đà giảm 0.6% trong giao dịch trước khi mở cửa. Chỉ số công nghiệp Dow Jones kỳ hạn giảm 0,53%, tương đương 179 điểm, trong khi Nasdaq 100 kỳ hạn giảm 0,74%.

Xem thêm >> Thị trường tiền điện tử đỏ lửa, Bitcoin xuyên thủng ngưỡng 19.000 USD

Theo Bloomberg, CNBC, CoinDesk
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.