Bộ Công an đề nghị Hà Nội cung cấp hồ sơ về dự án Nhà máy nước sông Đuống

Nguyễn Hưởng - Huy Thanh - 28/09/2020 20:54 (GMT+7)

Cơ quan chuyên môn của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội sẽ cung cấp hồ sơ, tài liệu về việc đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống theo đề nghị của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.

VNF
Nhà máy nước mặt sông Đuống - Ảnh: Minh Chiến.

Chiều 28/9, theo nguồn tin báo Người lao động xác nhận, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội vừa nhận được văn bản của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị Sở này cung cấp hồ sơ, tài liệu về việc đầu tư xây dựng dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống.

"Sở vừa nhận văn bản trong chiều nay. Các cơ quan chuyên môn của Sở sẽ cung cấp cho cơ quan điều tra Bộ Công an theo quy định thông thường"- nguồn tin cho biết.

Trước đó, cuối năm 2019, sau vụ Nhà máy Nước sạch sông Đà nhiễm dầu thải ảnh hưởng đến cuộc sống hàng vạn người dân Hà Nội. Sau đó, dư luận phát hiện ra người dân đang phải trả giá quá đắt khi sử dụng nước sạch của Nhà máy Nước mặt sông Đuống với giá bán ra của doanh nghiệp này lên đến 10.246 đồng/m3 khiến nhiều người băn khoăn.

Thời điểm đó, giải thích về vấn đề này theo ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, giá bán sỉ nước của các nhà máy trên địa bàn Hà Nội chênh nhau lớn là vì công nghệ khác nhau, dẫn đến suất đầu tư khác nhau. Suất đầu tư khác nhau, chất lượng nước thô đưa vào sản xuất nước sạch khác nhau nên chi phí sản xuất khác nhau.

Khi đầu tư Nhà máy Nước mặt sông Đuống, chủ đầu tư phải vay 3.998 tỷ đồng (tương đương 80%), chi phí lãi vay được tính vào giá nước. Chi phí lãi vay trong giai đoạn đầu tư được tính vào tổng vốn đầu tư dự án và sau giai đoạn đầu tư được tính vào giá thành nước. Ước tính chi phí lãi vay chiếm khoảng 20% giá thành, tương đương 2.103 đồng/m3; chi phí khấu hao khoảng 2.100 đồng/m3.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung (thời điểm đó) khẳng định thành phố chưa mất một đồng nào bù giá cho nước sạch sông Đuống và chắc chắn là không bao giờ bù giá cho doanh nghiệp.

"Tôi khẳng định là không có lợi ích nhóm nào ở đây cả. TP làm mọi cách, tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư vào lĩnh vực này giải quyết cấp bách vấn đề nước sạch cho người dân. Không chỉ Nhà máy Nước mặt Sông Đuống, mà tất cả các nhà đầu tư nước ngoài hay trong nước ở các lĩnh vực đều được coi trọng và tạo mọi điều kiện"- ông Chung nói.

Nhà máy Nước mặt sông Đuống (Tập đoàn AquaOne làm chủ đầu tư) được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là nhà máy nước sạch sinh hoạt quy mô cấp vùng, tổng diện tích 65 ha với mức đầu tư giai đoạn 1 gần 5.000 tỷ đồng, với công suất 300.000 m3/ngày đêm.

Dự án được khởi công từ tháng 3/2017, đến tháng 10/2019 đã hoàn thành xong giai đoạn 1, đạt công suất 300.000m3/ngày đêm, vượt tiến độ 1 năm. Đến năm 2030 công suất nhà máy sẽ đạt 900.000m3/ngày đêm và sau năm 2030 đạt 1,2 triệu m3/ngày đêm. Đây là nguồn nước sạch sinh hoạt bổ sung cho hàng triệu người dân tại các khu vực huyện Gia Lâm, Đông Anh, quận Long Biên, quận Hoàn Kiếm, Hà Đông, Thường Tín, Phú Xuyên.

Trước khi vụ lùm xùm tại Nhà máy Nước mặt Sông Đuống diễn ra, bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên), Chủ tịch HĐQT Aqua One, đồng thời là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nước mặt sông Đuống. Sau đó, bà Đỗ Thị Kim Liên đã rời khởi ghế Tổng Giám đốc của công ty Cổ phần Nước mặt sông Đuống.

Theo NLĐ
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.