Bộ Công Thương nói gì về báo cáo Thủ tướng vụ ‘mì Hảo Hảo có chất cấm’?

Chí Hiếu - 07/09/2021 08:27 (GMT+7)

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ lấy mẫu rà soát cả các loại mì, miến của nhiều hãng khác nhau đang lưu hành trên thị trường nội địa, sau lùm xùm vụ mì Hảo Hảo và Thiên Hương.

VNF
Bộ Công Thương nói gì về báo cáo Thủ tướng vụ ‘mì Hảo Hảo có chất cấm’?

Trả lời câu hỏi của Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, dù chỉ có các lô hàng mì xuất khẩu của Công ty Acecook và Công ty Thiên Hương được châu Âu xác định có chất cấm nhưng các cơ quan chức năng sẽ rà soát, lấy mẫu cả các sản phẩm nội địa, với nhiều sản phẩm cùng loại của các doanh nghiệp khác.

Hé lộ về báo cáo gửi Chính phủ theo yêu cầu trước đó của Văn phòng Chính phủ, ông Hải cho hay, Bộ Công Thương đã nhận được báo cáo ban đầu của Ban An toàn thực phẩm TP. HCM và cac doanh nghiệp.

“Kết quả ban đầu thì doanh nghiệp khẳng định sản phẩm xuất khẩu là sản xuất riêng cho các thị trường, không liên quan tới sản phẩm sản xuất, bán tại Việt Nam. Tuy nhiên, vì sao chất này có trong các lô hàng đó thì chưa xác định được là ở khâu nào. Vì điều kiện dịch bệnh nên chúng tôi cần thêm thời gian vì phải cùng nhiều cơ quan như Bộ Y tế kiểm tra các sản phẩm của họ. Song doanh nghiệp thì nói họ không dùng chất EO”, ông Hải nói.

Theo ông Hải, hiện nay, chất này không nằm trong danh mục những chất được dùng trong sản xuất thực phẩm, nhưng điều đó cũng không đồng nghĩa với việc được phép sử dụng, bởi thực tế có những chất không tốt cho sức khoẻ nhưng danh mục quy định cũng chưa bao phủ hết.

“Với chất EO này, nhiều nước cũng chưa có quy định. Và hàm lượng của mỗi nước cũng rất khác nhau, cho nên các doanh nghiệp cần tìm hiểu tiêu chuẩn, quy định của các nước mà mặt hàng mình hướng đến để hàng hoá xuất khẩu đảm bảo được các tiêu chuẩn cho phép”, vị này khuyến cáo.

Trong khi đó, lãnh đạo Vụ Khoa học - Công nghệ (Bộ Công Thương) cũng thông tin, đây không phải là lần đầu châu Âu thu hồi các sản phẩm tương tự vì có chất EO.

Ví dụ, tháng 8/2020, Văn phòng Liên bang về Bảo vệ người tiêu dùng và an toàn thực phẩm Đức cũng thông báo thu hồi lô sản phẩm mì ăn liền của Hàn Quốc vì có hàm lượng EO cao. Cùng thời điểm, hệ thống cảnh báo sớm RASFF của Liên minh châu Âu cũng ra thông báo về sản phẩm mì ăn liền hải sản được sản xuất tại nhà máy Busan cũng của Hàn Quốc.

Còn mới đây nhất, trong đợt lô mì của Hảo Hảo và Thiên Hương bị thu hồi, cũng còn có sản phẩm mì của doanh nghiệp đến từ Trung Quốc.

Qua vụ việc này, Bộ Công Thương cho biết sẽ phối hợp với Bộ Y tế để rà soát, xem xét xây dựng quy định, đưa ra tiêu chuẩn giới hạn EO trong thực phẩm đối với hàng sản xuất trong nước.

Theo TNO
Cùng chuyên mục
Tin khác