Bộ Giao thông báo cáo Phó thủ tướng 'dừng cấp phép thành lập hãng hàng không mới'

Đinh Tịnh - 18/05/2020 09:57 (GMT+7)

(VNF) - Trong văn bản báo cáo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết: "Do ảnh hưởng Covid-19, hiện đội bay các hãng hàng không Việt là 214 tàu bay, nhưng chỉ khai thác nội địa và chở hàng nên cung ứng chưa tới 50% năng lực. Vì thế, nên tạm dừng cấp phép hành lập hãng hàng không mới'.

VNF

Nhu cầu thị trường hàng không giảm 80%

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, ngày 1/11/2019, Bộ đã có công văn gửi Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng xin ý kiến chỉ đạo về việc tạm dừng cấp phép thành lập hãng hàng không mới.

Theo công văn nêu trên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thị trường vận tải hàng không Việt Nam và thế giới sụt giảm nghiêm trọng, chưa xác định được thời gian phục hồi.

Đánh giá từ Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho thấy nhu cầu thị trường hàng không sẽ giảm 80%, đe doạ mất 25 triệu việc làm. IATA kêu gọi Chính phủ các nước có các biện pháp khẩn cấp để trợ giúp các hãng hàng không tồn tại, bảo vệ việc làm cho người lao động.

Đối với Việt Nam, tổng thị trường vận chuyển năm 2020 ước đạt 42,7 triệu khách, giảm 46% so với năm 2019, chỉ bằng 54% với dự báo nêu trên. Các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển ước đạt 32,6 triệu khách, giảm 40,7% so với năm 2019, chỉ bằng 54% sản lượng vận chuyển dự báo.

Đến hết năm 2022, tổng thị trường dự báo đạt 78 triệu khách, bằng 74% so với dự báo đã báo cáo, trong đó các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển ước đạt hơn 57 triệu khách, bằng 75% so với dự báo đã báo cáo.

"Như vậy, theo kịch bản lạc quan nhất, các chỉ số về thị trường vận tải hàng không Việt Nam năm 2022 chỉ xấp xỉ bằng năm 2019", Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nhận định.

Cũng theo ông Tuấn, hiện đội bay các hãng hàng không Việt là 214 tàu bay, nhưng chỉ khai thác nội địa và chở hàng nên cung ứng chưa tới 50% năng lực. 

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đề xuất trước mặt tập trung phục hồi thị trường vận tải hàng không trong nước và quốc tế; tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam đang hoạt động. Việc thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi vào năm 2020.

Chưa cấp phép cho hãng hàng không Cánh Diều

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, thời điểm hiện tại có 3 hãng hàng không đang đề nghị được cấp phép bay đó là: Công ty trách nhiệm hữu hạn hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines); Công ty hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (Vietstar Airlines) và dự án vận tải hàng không Cánh Diều (Kite Air).

Đối với hãng hàng không Cánh Diều, vào tháng 3/2020, Bộ Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) đã có văn bản số 1297 đề nghị Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư hãng hàng không này.

Trong văn bản, Bộ KHĐT khẳng định dự án vận tải hàng không Cánh Diều của Công ty Cổ phần Hàng không Thiên Minh đủ điều kiện để Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. Kite Air sẽ là hãng hàng không mới chi phí thấp để kết nối người dân các địa phương có hạ tầng sân bay chưa được đầu tư phát triển.

Theo Bộ KHĐT, dự án có số lượng tàu bay khai thác năm đầu tiên là 6 chiếc ATR72 hoặc tương đương và tăng dần qua các năm, đến năm thứ 6 sẽ có 25 tàu bay, trong đó có 15 chiếc Airbus320/321 hoặc tương đương.

Tổng vốn của dự án hãng là 5.500 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 1.000 tỷ đồng (chiếm 18% tổng vốn đầu tư), vốn vay 4.500 tỷ đồng (chiếm 82% tổng mức đầu tư); địa điểm thực hiện tại cảng hàng không Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. 

Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, tình hình Covid-19 khiến thị trường hàng không bị sụt giảm nghiêm trọng, vì thế, việc thành lập hãng hàng không mới trong giai đoạn hiện nay được xem là quyết định "liều lĩnh" của Công ty Cổ phần hàng không Thiên Minh. Hiện nay, hàng trăm máy bay của các hãng vẫn đang "nằm chết" tại sân bay vì dịch bệnh.

Vietravel Airlines liệu có lọt qua khe cửa hẹp?

Riêng đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines), hiện tại, đơn vị đang đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương và đang hoàn thiện các thủ tục để xin cấp phép thành lập hãng hàng không.

Xem xét đề án này, Bộ GTVT đã giao các đơn vị chức năng căn cứ Quyết định số 457/QĐ-TTg ngày 3/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam.

Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn Vietravel Airlines hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không và thẩm định hồ sơ theo đúng quy định (trong đó đặc biệt quan tâm thẩm định tính khả thi và hiệu quả của phương án kinh doanh, chiến lược phát triển của doanh nghiệp trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19).

Trước đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định số 457/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam. Nhà đầu tư dự án là Công ty TNHH hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines).

Số lượng tàu bay khai thác năm đầu tiên 3 tàu bay, tăng dần đến năm thứ 5 khai thác 8 tàu bay với chủng loại Airbus/ Boeing hoặc tương đương. Tổng vốn đầu tư của dự án là 700 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chiếm 100% vốn đầu tư, thời gian hoạt động dự án là 50 năm. Địa điểm thực hiện dự án tại cảng hàng không quốc tế Phú Bài, thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Về tiến độ thực hiện, dự án sẽ thực hiện đầu tư từ tháng thứ nhất đến tháng thứ 9, kể từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư; khai thác và kinh doanh từ tháng thứ 10.

Phó thủ tướng giao UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định hồ sơ dự án tại văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định của pháp luật; bảo đảm Vietravel Airlines có đủ điều kiện thực hiện dự án đầu tư theo tiến độ và các quy định của pháp luật về đầu tư;

Đồng thời, chỉ đạo Vietravel Airlines trong giai đoạn thực hiện đầu tư tiếp tục hoàn thiện dự án theo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan; kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện fự án của Vietravel Airlines theo đúng quy định của pháp luật, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến của các bộ, ngành liên quan, bao gồm: kiểm tra, giám sát việc huy động vốn của Vietravel Airlines theo tiến độ thực hiện fự án.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia hàng không, "dù đã cơ bản được chống dịch nhưng Việt Nam đang ở trong trạng thái 'bình thường mới'. Thị trường hàng không cũng vậy, có tới 214 máy bay nhưng chỉ khai thác đạt 50%, vì thế, việc đồng ý thành lập Vietravel Airlines đang trở nên mong manh hơn bao giờ hết, cũng không loại trừ Vietravel Airlines cũng có thể bị "tuýt còi" - lùi thời gian cấp phép bay".

Cùng chuyên mục
Tin khác