Bộ Kế hoạch và Đầu tư ‘đánh giá lại’, nợ công năm 2019 giảm từ 57% xuống 54,7%
Vĩnh Chi -
07/04/2020 11:25 (GMT+7)
(VNF) – Kết quả đánh giá bổ sung tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy tỷ lệ nợ công/GDP đã giảm từ 57% (số báo cáo hồi tháng 10/2019) xuống còn 54,7%.
Trong báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết trong 12 chỉ tiêu chủ yếu đã hoàn thành, có 9 chỉ tiêu vượt kế hoạch (tăng 2 chỉ tiêu so với báo cáo hồi tháng 10/2019, gồm: tốc độ tăng GDP và tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu).
Bên cạnh đó, có 4 chỉ tiêu đạt kết quả tích cực hơn, gồm: tỷ lệ xuất siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 4,21% (số đã báo cáo là 0,4%); tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 33,9% GDP (số đã báo cáo là 33,8%); tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 2,93% (số đã báo cáo là 3,12%); tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90% (số đã báo cáo là 89%).
Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu là 4,43%, giảm so với số đã báo cáo trước đó là 5,39%; thu ngân sách nhà nước vượt dự toán 9,9%, tăng so với số đã báo cáo là 3,3%.
Đặc biệt, tỷ lệ nợ công/GDP giảm còn 54,7%, nợ Chính phủ/GDP khoảng 47,7%, nợ nước ngoài của quốc gia/GDP khoảng 47% (số đã báo cáo lần lượt là: 57%, 50%, 46%). Như vậy, tỷ lệ nợ công/GDP sau “đánh giá lại” đã giảm 2,3 điểm %.
Trong báo cáo công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 Chính phủ trình Quốc hội (hồi tháng 10/2019), Bộ Tài chính nêu mục tiêu đến cuối năm 2020 nợ công là 54,3% GDP, nợ Chính phủ là 48,5% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia 45,5% GDP.
So với mục tiêu này, có thể thấy Chính phủ đã gần như đạt được mục tiêu nợ công của năm 2020 (53,4%) vào năm 2019 (54,7%).
2 – 3 triệu người có nguy cơ bị ngừng việc trong quý II/2020
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng điểm lại những khó khăn của nền kinh tế Việt Nam trong quý I/2020. Cụ thể, ngành nông nghiệp tăng trưởng âm (-1,17%), chỉ cao hơn mức tăng trưởng của quý I năm 2016 (-2,69%) trong giai đoạn 2011-2020; tăng trưởng toàn ngành công nghiệp chỉ đạt 5,28%, thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ của năm 2019 (9%) và năm 2018 (10,45%).
Trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,12%, chỉ cao hơn mức tăng cùng kỳ của năm 2013 (4,38%) và năm 2014 (5,97%) trong giai đoạn 2011-2020; khai khoáng tăng trưởng âm (-3,18%) do sản lượng khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm.
Tăng trưởng ngành xây dựng đạt 4,37%, chỉ cao hơn mức tăng cùng kỳ của năm 2011 (0,35%) và năm 2012 (1,18%) trong giai đoạn 2011-2020.
Còn tăng trưởng khu vực dịch vụ chỉ đạt 3,27%, thấp nhất so với cùng kỳ các năm 2011-2020.
Đáng chú ý, có khoảng 10% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất. Bước sang đầu tháng 3, đặc biệt tuần thứ 2 của tháng 3, khi dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, số lượng doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất tăng lên rõ rệt với khoảng trên 15% trong tổng số doanh nghiệp. Đặc biệt tại một số ngành, lĩnh vực như du lịch, lưu trú, nhà hàng cắt giảm từ 70-80%.
Tính từ 1/1/2020 đến 26/3/2020, đã có trên 153 nghìn người mất việc làm phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và hàng triệu lao động bị ngừng việc, tập trung vào một số ngành nghề, lĩnh vực như: vận tải, dệt may, da giày, dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống,…
Nếu diễn biến dịch không có thay đổi lớn, ước tính quý II sẽ có trên 250 nghìn lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm và 1,5-2 triệu lao động bị ngừng việc.
Trong trường hợp dịch bùng phát mạnh hơn, ước tính quý II sẽ có 400 nghìn lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm và khoảng 3 triệu lao động có nguy cơ bị ngừng việc.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone