Bỏ mã số thuế hiện hành, chuyển sang dùng mã số định danh thay mã số thuế

Mai Anh - 11/10/2023 13:51 (GMT+7)

(VNF) - Cơ quan thuế dự kiến thay toàn bộ mã số thuế (MST) cá nhân hiện nay bằng mã số định hay, số căn cước công dân. Việc này tạo thuận tiện cho việc kê khai, thực hiện các thủ tục thuế.

VNF

Lãnh đạo Tổng cục Thuế, mới đây biết, quy định của Luật Quản lý thuế, khi mã số định danh cá nhân được cấp cho toàn bộ dân cư thì sử dụng mã số định danh cá nhân thay cho MST. Thay đổi này không chỉ tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước mà còn nhằm giảm tối đa sự phiền hà cho người dân.

Hiện cá nhân có MST, số căn cước công dân, số sổ bảo hiểm xã hội, số thẻ bảo hiểm y tế..., nên bắt buộc phải ghi nhớ rất nhiều loại thông tin. Do đó, mỗi khi cá nhân phải kê khai thông tin cho các cơ quan quản lý nhà nước rất phiền toái, vì không thể nhớ hết được các loại thông tin cá nhân.

Về phía cơ quan nhà nước, do quản lý độc lập theo các mã số khác nhau, khi cần có sự trao đổi thông tin về công dân phải căn cứ theo bộ các trường thông tin của một cá nhân (như họ và tên, ngày tháng năm sinh, số giấy tờ tùy thân) để xác định là thông tin của cùng một cá nhân, nên mất rất nhiều thời gian, công sức.

Khi sử dụng thống nhất mã số định danh công dân làm MST để giải quyết thủ tục hành chính với cơ quan thuế và sử dụng mã định danh để giải quyết thủ tục hành chính với các cơ quan nhà nước khác thì đương nhiên, người dân chỉ cần kê khai thông tin số định danh của mình.

Về phía quản lý nhà nước, mã số định danh cá nhân là mã số để các cơ quan có thể trao đổi thông tin của cá nhân phục vụ quản lý theo ngành, lĩnh vực đối với công dân. Ví dụ, cơ quan quản lý thuế cần trao đổi thông tin với bảo hiểm xã hội để tăng cường công tác quản lý thuế thu nhập cá nhân; trao đổi thông tin với cơ quan quản lý đất đai để tăng cường quản lý các khoản thu từ đất…

Theo Tổng cục Thuế, để sử dụng mã số định danh cá nhân thay cho MST, Tổng cục Thuế đã thực hiện truy vấn thông tin của người nộp thuế tại cơ sở dữ liệu ngành thuế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thu thập thông tin về mã số định danh cá nhân tương ứng với các MST đang theo dõi tại cơ sở dữ liệu ngành thuế.

Đối với MST chưa truy vấn được mã số định danh cá nhân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ quan thuế đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn người nộp thuế kê khai thay đổi thông tin để cập nhật thông tin về số định danh cá nhân vào cơ sở dữ liệu đăng ký thuế của cơ quan thuế.

Sau khi có hướng dẫn việc sử dụng mã số định danh cá nhân làm MST, cơ quan thuế sẽ thông báo tới người nộp thuế về việc sử dụng mã số định danh cá nhân thay cho MST hiện tại.

Phát biểu tại hội thảo "Kết nối dữ liệu, thanh toán thông minh - thúc đẩy phát triển xã hội" được tổ chức ngày 16/6, ông Phạm Quang Toàn, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Tổng Cục Thuế (Bộ Tài chính), cho biết sắp tới sẽ dùng số căn cước công dân làm mã số thuế, bỏ mã số thuế cá nhân. Ông Toàn khẳng định nội dung này là quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính. Khi người dân được cấp căn cước công dân sẽ được coi như cấp mã số thuế.

Theo ông Toàn, việc này nhằm ba mục tiêu là thuận tiện cho người nộp thuế là cá nhân chỉ sử dụng một mã duy nhất; tạo thuận lợi trong việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan phục vụ người dân, doanh nghiệp. Thông qua đó, ngân hàng cũng dễ dàng quản lý thông tin đăng ký tài khoản, liên kết tài khoản với cơ quan thuế và hỗ trợ nộp thuế.

Để làm được điều này, ông Toàn cho rằng phải đồng bộ dữ liệu về thuế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và làm sạch dữ liệu.

Đến nay, ngành thuế đã cấp 75 triệu mã số thuế cá nhân, chủ hộ, cá nhân kinh doanh, người phụ thuộc. Tuy nhiên, sau khi rà soát, đối chiếu, cơ quan thuế đã phát hiện nhiều trường hợp đã chết hoặc mất tích chưa được ngành thuế cập nhật kịp thời. Quá trình đối chiếu, làm sạch dữ liệu đang được đẩy nhanh và đến nay đã có 52/75 triệu mã số thuế được rà soát, đối chiếu.

Còn Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng thông tin, ngành ngân hàng đang tích cực triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025; Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Trong đó, “dữ liệu” chính là điểm nhấn, góp phần phát triển hoạt động thanh toán thông minh, thúc đẩy phát triển xã hội. Hiện tỷ lệ người dân Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng đạt khoảng 74,63%. 

Cùng chuyên mục
Tin khác