Bộ Ngoại giao thông tin về việc phê duyệt 2 loại vaccine Covid-19 của Trung Quốc

Chu La - 10/06/2021 20:34 (GMT+7)

(VNF) - Người phát ngộ Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết trong thời gian tới Việt Nam sẽ tiếp tục tìm kiếm các nguồn vaccine ngừa Covid-19 để có thể đa dạng hóa nguồn cung, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine trong nước.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng.

Tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao chiều 10/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên về quá trình tìm kiếm, mua, nhập, tiếp nhận viện trợ vaccine ngừa Covid-19.

“Thời gian qua, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài đã rất nỗ lực, tích cực tìm hiểu, trao đổi, đàm phán và vận động chính phủ các nước, tổ chức quốc tế, hãng sản xuất và nhà cung ứng trên thế giới để có thể mua, nhập và tiếp nhận viện trợ vaccine ngừa Covid-19.

Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 2,6 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 từ cơ chế COVAX Facility và cũng nhận được các cam kết viện trợ, cung ứng từ một số quốc gia, tổ chức quốc tế và các nhà sản xuất”, bà Hằng cho biết.

Bình luận trước thông tin chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden có kế hoạch mua 500 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer-BioNTech để phân phối cho các nước khác, bà Hằng khẳng định: "Việt Nam hoan nghênh việc Mỹ công bố chiến lược chia sẻ vaccine ngừa Covid-19 nhằm phân phối 25 triệu liều đầu tiên trên toàn thế giới, trong đó các nước Đông Nam Á và Việt Nam".

"Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay, Việt Nam mong muốn các quốc gia và các tổ chức quốc tế nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tăng cường chia sẻ thông tin công nghệ, tài chính, y tế, đặc biệt là vaccine, để cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm này”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.

Đề cập tới việc phê duyệt 2 loại vaccine ngừa Covid-19 của Trung Quốc, bà Hằng cho biết ngày 3/6 vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2763 về việc phê duyệt có điều kiện vaccine cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19, trong đó cũng đã phê duyệt có điều kiện hai vaccine có tên Vero Cell và Inactivated do Công ty Bejing Institute of Biological Products của Trung Quốc sản xuất.

Cũng theo bà Hằng, thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục tìm kiếm các nguồn vaccine để có thể đa dạng hóa nguồn cung, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine trong nước, tiến tới bao phủ tối đa các đối tượng được tiêm vaccine; như Chính phủ đã đề cập là cho khoảng 75% dân số để có thể đạt được miễn dịch cộng đồng và sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Bà Hằng cho biết thông tin về các thỏa thuận mua, nhập, nhận viện trợ, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine sẽ được các cơ quan chức năng của Việt Nam cập nhật thường xuyên đến người dân cũng như các cơ quan báo chí.

Cũng tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi đề nghị khẳng định thông tin Chính phủ Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài đóng góp cho Quỹ vaccine phòng Covid-19, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

“Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để phòng, chống dịch bệnh. Việt Nam xác định mục tiêu sớm tiêm vaccine miễn phí cho toàn dân, nhằm đạt được sự miễn dịch cộng đồng, coi đây là giải pháp că cơ, lâu dài, mang tính quyết định, có tính chiến lược để thoát khỏi đại dịch Covid-19. Để thực hiện mục tiêu này, mới đây Quốc hội quyết định sử dụng khoảng 12.000 tỷ đồng nguồn tiết kiệm chi năm 2020 để mua vaccine phòng dịch Covid-19.

Đồng thời, Đảng và Nhà nước cũng xác định, sự đồng lòng, chia sẻ, trách nhiệm, cảm thông của nhân dân, khả năng huy động nguồn lực xã hội là nhân tố quan trọng để đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Trên tinh thần đó, ngày 26/05/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 53/NQ-CP và Quyết định số 779/QĐ-TTg về việc thành lập Quỹ vaccine phòng Covid-19 để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, vaccine của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng Covid-19 cho nhân dân”.

Bà Hằng cho biết, cho đến nay, Quỹ vaccine phòng Covid-19 đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, đóng góp tích cực, tự nguyện của các doanh nghiệp Việt Nam, đông đảo nhân dân và một số doanh nghiệp nước ngoài đang kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.

“Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam trân trọng mọi đóng góp của người dân, doanh nghiệp không kể ít hay nhiều và sẽ đảm bảo quản lý, giám sát hoạt động của Quỹ minh bạch và đúng tôn chỉ, mục đích, đúng pháp luật để phục vụ cho sức khỏe, hạnh phúc của nhân dân và ổn định sản xuất của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định.

Xem thêm >> Khách du lịch đã tiêm vaccine Covid-19 chỉ cần cách ly 7 ngày khi đến Philippines

Cùng chuyên mục
Tin khác