Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh cơ chế thu nhập tại Ngân hàng Nhà nước

Anh Phan - 08/08/2021 18:28 (GMT+7)

(VNF) - Theo Bộ Tài chính, hiện nay, NHNN thực hiện giao khoán kinh phí cho các đơn vị trực thuộc theo cơ chế phân chia đồng đều như nhau, chưa xây dựng được cơ chế tiền lương và phân phối thu nhập nội bộ. Việc phân phối thu nhập đồng đều không đảm bảo tính công bằng giữa các bộ phận đã không tạo ra động lực khuyến khích đối với đội ngũ cán bộ của NHNN nhất là những cán bộ có trình độ, năng lực và công tác trong những lĩnh vực có tính đặc thù của NHNN.

VNF
Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh cơ chế thu nhập tại Ngân hàng Nhà nước.

Tại tờ trình Dự thảo Nghị định của Chính phủ về chế độ tài chính của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính cho biết sau 8 năm thi hành, Quyết định số 07/2013/QĐ-TTg đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động quản lý tài chính của NHNN thực hiện theo quy định của Luật NHNN năm 2010 và các quy định của pháp luật có liên quan. Cơ chế tài chính đã khuyến khích NHNN chủ động, tự chịu trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng các nguồn lực được giao để thực hiện chính sách tiền tệ, cũng như tạo nguồn lực cho việc đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin và hiện đại hóa hoạt động của NHNN.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đến nay một số nội dung quy định về quản lý tài chính đối với NHNN quy định tại Quyết định số 07/2013/QĐ-TTg đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập. Theo Bộ Tài chính,  Quyết định số 07/2013/QĐ-TTg chưa có quy định cụ thể về việc sử dụng vốn pháp định, nguyên tắc ghi nhận doanh thu – chi phí, thẩm quyền quyết định và trình tự thủ tục sử dụng các quỹ. Cùng đó, cơ chế khoán kinh phí hoạt động đối với NHNN chưa tạo ra được sự khuyến khích đối với NHNN, việc đóng góp vào các tổ chức quốc tế cũng cần được rà soát lại để đảm bảo phù hợp với tính chất của khoản chi...

Cũng theo Bộ Tài chính, hiện nay các căn cứ để ban hành Quyết định số 07/2013/QĐ-TTg (Luật tổ chức Chính phủ, Luật ngân sách nhà nước) đã thay đổi. Vì vậy, cũng cần phải rà soát các nội dung của Quyết định số 07/2013/QĐ-TTg để sửa đổi, bổ sung đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật.

Bộ Tài chính cho hay theo quy định tại Nghị quyết số 27/NQ-TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cánh chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, từ năm 2021, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị. Như vậy, không còn quy định riêng về tiền lương đối với các đơn vị được áp dụng cơ chế quản lý tài chính, thu nhập gắn với đặc thù của đơn vị; do đó các quy định liên quan về tiền lương sẽ phải sửa đổi.

Tuy nhiên hiện nay, chính sách tiền lương mới của NHNN theo tinh thần của Nghị quyết số 27/NQ-TW chưa được ban hành. Tại Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 09/10/2020, Ban chấp hành Trung ương đã tán thành với kiến nghị của Ban cán sự đảng Chính phủ về thời điểm thực hiện chế độ tiền lương mới kể từ ngày 01/7/2022 đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp theo Nghị quyết số 27-NQ/TW. Vì vậy, Bộ Tài chính đề xuất giữ nguyên cơ chế giao khoán như hiện nay.

Cũng theo Bộ Tài chính, hiện nay, NHNN thực hiện giao khoán kinh phí cho các đơn vị trực thuộc theo cơ chế phân chia đồng đều như nhau, chưa xây dựng được cơ chế tiền lương và phân phối thu nhập nội bộ.

"Việc phân phối thu nhập đồng đều không đảm bảo tính công bằng giữa các bộ phận (giữa các bộ phận có mức độ công việc phức tạp cao hoặc đem lại hiệu quả về kinh tế như chính sách tiền tệ, cơ quan thanh tra giám sát, Sở giao dịch với các bộ phận làm việc hành chính đơn thuần như các bộ ngành khác) đã không tạo ra động lực khuyến khích đối với đội ngũ cán bộ của NHNN nhất là những cán bộ có trình độ, năng lực và công tác trong những lĩnh vực có tính đặc thù của NHNN", Bộ Tài chính nhận định.

Để khuyến khích NHNN tăng cường trách nhiệm trong việc thực hiện kế hoạch tài chính và dự toán nộp NSNN, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định kinh phí bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức NHNN từ chênh lệch thu chi được xác định theo mức độ hoàn thành chỉ tiêu nộp ngân sách nhà nước được giao trong năm (là tỷ lệ giữa chênh lệch thu chi thực tế nộp ngân sách nhà nước trong năm và chênh lệch thu chi nộp ngân sách nhà nước được giao).

Thẩm quyền phê duyệt phương án khoán là Thủ tướng Chính phủ và được thực hiện hàng năm. NHNN lập phương án khoán, gửi Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Hình ảnh toàn tuyến cao tốc hơn 100km nối Hà Tĩnh - Quảng Bình

Hình ảnh toàn tuyến cao tốc hơn 100km nối Hà Tĩnh - Quảng Bình

(VNF) - Sau hơn hai năm thi công, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua địa bàn Hà Tĩnh dần hoàn thiện. Các Ban dự án và đơn vị thi công đang tập trung nhân lực, phương tiện, đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp đưa vào khai thác dự kiến vào dịp 30/4/2025.